Mỹ khắc phục xong lỗi của pháo GAU-22A trên tiêm kích F-35A

Mỹ thông báo đã khắc phục xong lỗi của mẫu pháo GAU-22A được lắp đặt trên tiêm kích F-35A. Được biết đây là mẫu pháo hàng không cỡ nòng 25mm cực uy lực với khả năng bắn 4.200 phát/phút.

"Sau khi làm việc với không quân Mỹ và các đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, chúng tôi có thể tuyên bố rằng pháo GAU-22A đã được cải thiện và đạt hiệu quả tối đa trong tác chiến", Russ Goemaere, phát ngôn viên Văn phòng Chương trình F-35 (JPO) thuộc Lầu Năm Góc vừa cho biết.

F-35A là phiên bản duy nhất lắp pháo GAU-22A trong thân để bảo đảm khả năng tàng hình, nắp che đầu nòng chỉ mở ra khi khai hỏa và lập tức đóng lại khi pháo ngừng bắn.

Khẩu pháo được trang bị cơ số đạn 180 viên, đủ để bắn liên tục trong vòng... 3 giây.

Trong khi đó, dòng F-35B/C phải dùng bệ pháo rời gắn dưới bụng, ảnh hưởng tới đặc tính khí động học và khả năng tàng hình của máy bay, nhưng có thể mang cơ số đạn 220 viên.

Cụm pháo GAU-22A do tập đoàn General Dynamics phát triển, sử dụng phiên bản pháo 4 nòng dựa trên mẫu GAU-12U từng xuất hiện trên nhiều loại chiến đấu cơ.

GAU-22A được bọc lớp vỏ bằng vật liệu composite và có hình dáng đặc biệt, nhằm giảm tối đa diện tích phản xạ radar (RCS), mang lại khả năng tàng hình giới hạn cho loại vũ khí này trước các hệ thống cảnh giới của đối phương.

Pháo GAU-22A xuất hiện trên những tiêm kích F-35 đầu tiên được xuất xưởng, nhưng chỉ có thể được sử dụng từ giữa thập niên 2010 với gói nâng cấp phần mềm Block 3F.

Quá trình bắn thử hồi năm 2016 chỉ ra hàng loạt vấn đề với hệ thống hiển thị trên mũ bay của phi công, như các biểu tượng che khuất mục tiêu và đường ngắm không ổn định.

Hàng loạt gói cập nhật phần mềm đã khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, JPO hồi năm 2020 tiếp tục phát hiện bệ gắn pháo trong thân F-35A bị căn chỉnh sai lệch.

Điều này khiến độ chính xác của GAU-22A bị đánh giá là "không thể chấp nhận" và các đợt khai hỏa cũng làm rạn nứt phần thân vỏ máy bay ở gần đầu nòng pháo.

Hàng loạt vụ rạn nứt thân vỏ liên quan đến pháo GAU-22A trên F-35A vẫn được ghi nhận trong những năm gần đây, nhưng dường như không tác động tới độ chính xác của loại pháo này.

Sau khi khắc phục xong, loại pháo uy lực mạnh mẽ này sẽ giúp tiêm kích F-35 nhanh chóng tiêu diệt đối thủ khi cận chiến.

So với pháo M61 Vulcan thì pháo GAU-12A có đường kính nòng lớn hơn, 25mm so với 20mm, đồng nghĩa với việc hỏa lực sẽ mạnh hơn.

Mặc dù M61 Vulcan có thể bắn 6.200 viên/phút, song đặc trưng của đạn cỡ 20mm là mất năng lượng nhanh, sức công phá và độ chính xác đều thua loại đạn 25-30mm của Châu Âu và Nga.

Đây cũng chính là lý do Mỹ phải tìm giải pháp thay thế là pháo GAU-12A. Pháo M61 Vulcan có 6 nòng, pháo GAU-12 có 5 nòng, còn pháo GAU-12A chỉ có 4 nòng.

Pháo GAU-12A có trọng lượng khoảng 110 kg, tốc độ bắn từ 3.200 đến 4.200 phát/phút.

GAU-12A chính là biến thể cải tiến sâu rộng của loại pháo GAU-12 Equalizer vốn được trang bị trên tiêm kích AV-8B Harrier II và hung thần AC-130.

Pháo GAU-12A có thể sử dụng được nhiều loại đạn khác nhau cho phép tấn công mục tiêu một cách hiệu quả.

Pháo sử dụng một động cơ điện 11kw để quay nòng. Việc giảm này khiến trọng lượng pháo nhẹ hơn, tốc độ bắn có giảm xuống đôi chút nhưng bù lại độ chính xác lại tăng lên tới 1,4 lần so với các phiên bản trước đây.

Với tốc độ bắn cao, lực giật thấp, khả năng chính xác tuyệt vời, GAU-12A được coi là một trong số những loại pháo tốt nhất hiện nay.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-khac-phuc-xong-loi-cua-phao-gau-22a-tren-tiem-kich-f-35a-post571092.antd