Thành phố cạnh Thung lũng Silicon vẫn dùng 'đồ cổ' cho giao thông

Cơ quan giao thông thành phố San Francisco vẫn chưa thể từ bỏ đĩa mềm, ít nhất là cho đến năm 2030.

Floppy disk (đĩa mềm) từng là phương tiện lưu trữ phổ biến nhất. Trước thời đại của CD và DVD, sản phẩm này từng “thống trị” thị trường máy tính những thập niên 1980 và 1990 tại Mỹ.

Sony, một trong những nhà sản xuất ổ đĩa 3,5 inch đầu tiên, cuối cùng đã dừng bán đĩa mềm từ năm 2010.

Mặc dù vậy, có một sự thật rằng các máy móc dựa vào đĩa mềm, từ máy thêu đến khuôn nhựa, thiết bị y tế cho đến cả những hệ thống công cộng như tàu điện vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Chưa thể từ bỏ đĩa mềm

Cơ quan giao thông thành phố San Francisco (SFMTA) điều khiển tuyến đường sắt hạng nhẹ Muni Metro từng là tự hào là cơ quan đầu tiên của Mỹ áp dụng hệ thống điều khiển tàu bằng phần mềm chạy trên đĩa mềm.

Cơ quan giao thông thành phố San Francisco (SFMTA) điều khiển tuyến đường sắt hạng nhẹ Muni Metro bằng hệ thống đĩa mềm. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Tuy nhiên, cho đến ngày nay, SFMTA đang mong muốn chấm dứt việc sử dụng công nghệ lỗi thời này. Quy trình này dự kiến phải mất thêm ít nhất 6 năm nữa cùng hàng trăm triệu USD.

Phát biểu với ABC7 Bay Area News, các thành viên của SFMTA trình bày chi tiết về việc cơ quan này sử dụng 3 chiếc đĩa mềm mỗi sáng.

Đĩa mềm là một phần của hệ thống điều khiển tàu tự động (ATCS) của Muni Metro kể từ khi được lắp đặt tại ga tàu điện ngầm Market Street vào năm 1998.

Theo người phát ngôn của SFMTA Michael Roccaforte, ATCS có nhiều thành phần, bao gồm các máy tính trên tàu được gắn vào hệ thống đẩy và phanh, hệ thống trung tâm và máy chủ cục bộ cùng cơ sở hạ tầng liên lạc như dây tín hiệu cáp vòng.

Ngoài ra, Roccaforte còn cho biết các đĩa mềm cũng được dùng để tải phần mềm chạy các máy chủ trung tâm.

"Khi một đoàn tàu đi vào tàu điện ngầm, máy tính trên tàu kết nối với hệ thống điều khiển tàu để chạy tàu ở chế độ tự động. Tàu sẽ tự lái trong khi người điều khiển tàu đi giám sát xung quanh. Khi ra khỏi tàu điện ngầm, họ ngắt kết nối với ATCS và quay lại vận hành thủ công trên đường phố", Roccaforte giải thích.

Roccaforte cho biết kế hoạch ban đầu cho việc đại tu ATCS, bao gồm cả việc loại bỏ đĩa mềm, bắt đầu vào năm 2018 và dự kiến sẽ mất một thập kỷ kể từ khi lập kế hoạch ban đầu đến khi hoàn thành.

Tuy nhiên, do thời gian gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19 kéo dài 18 tháng, quá trình chuyển dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2029-2030.

Phòng kỹ thuật của hệ thống điều khiển tàu tự động (ATCS) tại SFMTA. Ảnh: SFMTA.

Theo SFMTA, vấn đề nhà thầu sẽ được giải quyết vào đầu năm 2025 và sau đó sẽ công bố lịch trình chi tiết của dự án.

“Cuối cùng, mục tiêu của chúng tôi là có một hệ thống điều khiển tàu duy nhất cho toàn bộ hệ thống đường sắt”, Jeffrey Tumlin, giám đốc giao thông vận tải của SFMTA nói với ABC7.

Bất cập của phương tiện lạc hậu

Dù hệ thống chạy bằng đĩa mềm vẫn còn đang hoạt động tốt, SFMTA trong nhiều năm qua vẫn nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi do những bất cập khi triển khai phương tiện lạc hậu này.

“Hệ thống hiện hoạt động tốt, nhưng chúng tôi biết rằng qua mỗi năm, nguy cơ suy giảm dữ liệu trên đĩa mềm sẽ tăng lên và đến một lúc nào đó sẽ xảy ra sự cố nghiêm trọng”, Tumlin trả lời ABC7.

Theo SFMTA, hệ thống điều khiển tàu được xây dựng để hoạt động từ 20-25 năm, đồng nghĩa với hệ thống hiện tại đã vượt quá tuổi thọ vào năm 2023.

Cơ quan vận tải này cũng cho rằng việc bảo trì ATCS ngày càng khó khăn và tốn kém hơn theo thời gian. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là việc tìm kiếm những lao động biết cách sử dụng hệ thống lỗi thời này.

“Chúng tôi phải duy trì những lập trình viên là chuyên gia về ngôn ngữ lập trình của những năm 90 để tiếp tục vận hành hệ thống hiện tại của mình. Đó là một khoản nợ kỹ thuật kéo dài nhiều thập kỷ”, ông Tumlin trả lời tờ San Francisco Standard.

Mariana Maguire, nhân viên quan hệ công chúng của dự án nâng cấp hệ thống điều khiển tàu nhấn mạnh quy trình chuyển đổi sẽ cho phép ATCS theo dõi chuyển động và hoạt động của các đoàn tàu trên toàn thành phố dễ dàng hơn nhiều với sự hỗ trợ của hệ thống lái tự động.

Đĩa mềm tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm dữ liệu qua từng năm. Ảnh: Wired.

Tuy nhiên, những thách thức về ngân sách đã đặt ra vấn đề về tiến độ của dự án. Theo Roccaforte, dự án nâng cấp tàu của SFMTA không chỉ là việc di chuyển đĩa mềm mà còn là cuộc đại tu hoàn chỉnh hệ thống điều khiển và tất cả thành phần của nó, bao gồm các máy tính trên tàu, máy chủ trung tâm cũng như cơ sở hạ tầng truyền thông.

Không chỉ đường sắt, đĩa mềm còn là công cụ để Mỹ vận hành Hệ thống Kiểm soát và Chỉ huy Tự động chiến lược, một hệ thống viễn thông quan trọng mà Lầu Năm Góc sử dụng để ban hành mệnh lệnh tới các sĩ quan chỉ huy và chia sẻ thông tin tình báo.

Để sử dụng những đĩa mềm, quân đội phải duy trì khá nhiều máy tính cũ của IBM, thứ lẽ ra phải nằm trong bảo tàng chứ không phải trong hầm chứa tên lửa.

Năm 2016, Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ (GAO) xác nhận Bộ Quốc phòng nước này vẫn dùng đĩa mềm trong một hệ thống hạt nhân quốc gia.

Theo Bloomberg, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ mới loại bỏ hoàn toàn đĩa mềm khỏi hệ thống điều khiển hạt nhân vào năm 2019.

'

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/thanh-pho-canh-thung-lung-silicon-van-dung-do-co-cho-giao-thong-post1471566.html