Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp

Với mục tiêu giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu người tiêu dùng, đề tài 'Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phối hợp Oligo chitosan - Salicylic acid - Silic để tăng khả năng kháng bệnh của cây trồng' được triển khai tại Phú Yên, ghi nhận bước đầu.

Đại diện Sở KH&CN và đơn vị thực nghiệm đề tài kiểm tra mô hình trồng lúa bằng chế phẩm sinh học của ông Huỳnh Văn Bảo. Ảnh: LỆ VĂN

Đây là đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh, do ThS Lê Trường Bình (Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) làm chủ nhiệm, được triển khai từ tháng 9/2022-9/2024, tổng kinh phí hơn 1,9 tỉ đồng.

Sử dụng hiệu quả

Luôn trăn trở về sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, nên khi biết thông tin về đề tài này, ông Thái Xuân Hiền (ở thôn Phú Điềm, xã An Hòa Hải) đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình. Được hỗ trợ chế phẩm sinh học (CPSH) Oligo chitosan - Salicylic acid - Silic, ông tiến hành trồng 1.000m2 rau cải. Qua 1 tháng trồng, CPSH này không những giúp ông giảm kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), mà còn góp phần tăng năng suất cây trồng cao gấp 1,5 lần. Nhất là an toàn cho người trồng và người sử dụng.

Ông Hiền nói: “Trước đây, tháng nào tôi cũng phải mất vài trăm nghìn đồng cho việc mua thuốc BVTV. Từ khi sử dụng CPSH Oligo chitosan - Salicylic acid -Silic, tôi thấy ưu điểm là cho năng suất vượt trội và sản phẩm an toàn, hữu cơ”. Cùng với việc dùng CPSH Oligo chitosan - Salicylic acid - Silic trên các sản phẩm rau, dưa chuột, đề tài này còn được thí điểm và trình diễn trên cây lúa ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) và xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa).

Tại xã Hòa Tân Đông, ông Huỳnh Văn Bảo đã mạnh dạn trồng thí điểm 3.500m2 lúa Hương Xuân (loại nhiễm bệnh đạo ôn cấp độ 5). Tại ruộng, sau khi phun CHSH Oligo chitosan - Salicylic acid - Silic kích kháng giai đoạn 21, 28, 42 ngày sau sạ, đến nay cây lúa sinh trưởng tốt, chất lượng hạt đồng đều, không lép, không bị bệnh và đang hứa hẹn một mùa vàng bội thu.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (xã Hòa Tân Tây) cũng dùng CPSH này trên diện tích 500m2 lúa và thu hoạch được 400kg. Trong khi đó, cũng diện tích tương đương, bà dùng thuốc BVTV chỉ thu hoạch 300kg lúa, nhưng tốn thêm kinh phí mua thuốc BVTV để trị bệnh đạo ôn và rầy.

Theo ThS Lê Trường Bình, Phú Yên có nền nông nghiệp phát triển. Hằng năm, toàn tỉnh trồng hơn 16.000ha lúa ở Tây Hòa, Phú Hòa, TX Đông Hòa và gần 1.000ha rau. Vì vậy, để bảo vệ môi trường và sức khỏe cho con người, yêu cầu đặt ra cho ngành Nông nghiệp là phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình tiêu chuẩn trong sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng cao cho nông sản.

Do đó, khi thực hiện đề tài, chúng tôi đặt ra mục tiêu là phải tăng cường hiệu quả trong phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng và tạo khả năng kích kháng tự nhiên cho cây, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường, góp phần giải quyết bài toán canh tác bền vững, sản phẩm an toàn, chất lượng.

Phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Trong nhiều năm trở lại đây, việc nghiên cứu, sản xuất CPSH đã và đang được đơn vị đẩy mạnh để thay thế phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Sử dụng CPSH cho cây trồng đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực như: Không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như cây trồng, môi trường sinh thái, giúp cân bằng dinh dưỡng vi sinh vật của hệ sinh thái trong môi trường đất, có tác dụng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất.

Đặc biệt, CPSH giúp đồng hóa các chất dinh dưỡng trong đất, giúp cây tăng sức đề kháng, giảm thiểu sâu bệnh và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”. Theo ông Dương Bình Phú, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV một cách tràn lan trong một thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có của đất, bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. CPSH Oligo chitosan - Salicylic acid - Silic sẽ bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, có thể chủ động giảm lượng phân bón sử dụng từ 10-15%, tăng sức kháng bệnh cho cây, giảm được chi phí thuốc BVTV và tỉ lệ cây sống cao hơn. Năng suất cây trồng tăng từ 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, chi phí đầu vào giảm (giảm phân bón, thuốc BVTV).

“CPSH là sản phẩm dinh dưỡng cao cấp, được tạo ra từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật, động vật, vi sinh vật, giúp sinh vật tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, trao đổi chất, chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, đồng thời đề kháng tốt các loại sâu bệnh hại cây trồng”, ThS Lê Trường Bình cho biết thêm.

Theo TS Lâm Văn Hà (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, đơn vị tổ chức chủ trì đề tài), thời gian qua, thực hiện đề tài này, ThS Lê Trường Bình và các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm, thực hiện mô hình dùng CPSH Oligo chitosan - Salicylic acid và Silic trên cây lúa, rau màu ở huyện Tây Hòa, Tuy An và TX Đông Hòa, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Hiện nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện quy trình chiết xuất Chitosan bằng enzym sinh học và quy trình điều chế Oligo chitosan; xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm hỗn hợp gồm Oligo chitosan - Salicylic acid và Silic, đồng thời đánh giá tác dụng của chế phẩm Oligo chitosan - Salicylic acid - Silic đối với phòng trừ bệnh đạo ôn trên cây lúa và phòng trừ bệnh thán thư trên các loại rau ăn lá, quả”, TS Lâm Văn Hà cho biết.

CPSH Oligo chitosan là chất hữu cơ sinh học có hoạt tính cao, được tách chiết từ vỏ tôm, cua và một số loài rong biển. Khi phun lên lá và tưới gốc, chitosan được cây hấp thụ nhanh và lưu dẫn trong toàn cây. CPSH Salicylic acid có tác dụng kích hoạt phản ứng phòng vệ của cây trồng; tác động đến quang hợp, sinh trưởng, phát triển của thực vật (kích thích và ức chế); ức chế sản sinh Ethylene, cảm ứng ra hoa và phản ứng với stree do hạn, nhiệt độ và độ mặn.

ThS Lê Trường Bình

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/315863/ung-dung-che-pham-sinh-hoc-trong-nong-nghiep.html