Chặng đường đưa MediaTek 'bừng sáng' của CEO Rick Tsai

Các chuyên gia trong ngành cho rằng chuyên môn của ông Tsai đã giúp ông đánh cược vào công nghệ đúng đắn và đưa MediaTek vững mạnh trở lại.

MediaTek đứng đầu trong nhiều phân khúc như chip xử lý lõi cho máy tính bảng. Ảnh: MediaTek

Khi ông Rick Tsai tiếp nhận vị trí Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn MediaTek của Đài Loan (Trung Quốc) hơn bốn năm về trước, giới đầu tư và nhiều chuyên gia trong ngành đều cho rằng ông vừa được trao tay một “ly rượu độc”.

Sau đó, nhà phát triển chip di động lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm này lại sa lầy trong cuộc chiến về giá khốc liệt của sản phẩm chip cho điện thoại thông minh (smartphone) 4G.

Lợi nhuận hoạt động kinh doanh của MediaTek đã chạm mức thấp lịch sử và đã lần đầu tiên ghi nhận thua lỗ trong mảng chip cho smartphone. Họa vô đơn chí, sản phẩm chip quan trọng nhất được MediaTek tung ra vào năm 2017 lại là một thất bại, khi hầu như không một nhà sản xuất smartphone nào đồng ý sử dụng nó.

Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhận chức, ông Tsai, cựu CEO của TSMC, đã cam kết sẽ lấy lại thị phần và phục hồi lợi nhuận của MediaTek mà không cắt giảm nhân sự. Khi đó, đây gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng nhờ may mắn và có tầm nhìn xa, MediaTek đã “lội ngược dòng”.

Là nhà cung cấp cho các nhà sản xuất điện tử và smartphone hàng đầu, từ Samsung và Xiaomi đến Amazon và Sony, MediaTek đã vượt Qualcomm để trở thành nhà sản xuất bộ xử lý di động lớn nhất thế giới tính theo doanh số, với hơn 40% thị phần, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint.

MediaTek còn đứng đầu trong nhiều phân khúc như chip xử lý lõi cho máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android, các máy tính chạy bằng hệ điều hành Chrome OS và các sản phẩm TV thông minh.

Tuy nhiên, chặng đường để có những thành quả đó không hề dễ dàng với MediaTek. Ông Joe Chen, Chủ tịch của MediaTek, nhớ lại: “CEO Tsai đã liên tục nói với chúng tôi từ lúc ông gia nhập công ty rằng chúng tôi không nên sợ đánh cược lớn vào công nghệ 5G, và chúng tôi phải làm điều đó thà sớm còn hơn muộn”.

Ông Chen cho biết: "Nhìn lại thì tầm nhìn đó cực kỳ chính xác. Tổng cộng, chúng tôi đã chi ít nhất 100 tỷ đô la Đài Loan tệ (TWD) tương đương 3,6 tỷ USD để phát triển mảng 5G”. Theo báo cáo thường niên của MediaTek, tổng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển của công ty này đã tăng từ 57,1 tỷ TWD vào năm 2018 lên 77,3 tỷ TWD năm 2020.

Kết quả là MediaTek đã tiến một bước dài trong lĩnh vực 5G trong năm 2021. Sau khi tung ra một loạt các bộ chip 5G cho các loại điện thoại tầm trung từ năm 2019, MediaTek đã cho ra mắt chip Dimensity 9000 cho smartphone cao cấp vào tháng 11/2021.

Bộ chip này do TSMC sản xuất bằng công nghệ xử lý 4 nanomet (nm) tiên tiến nhất của công ty này, thậm chí còn hiện đại hơn cả công nghệ mà bộ vi xử lý của điện thoại Apple iPhone 13 sử dụng. Không dừng lại ở đó, ông Tsai cho biết MediaTek còn cam kết sử dụng công nghệ chip 3 nm của TSMC. Công nghệ đầu ngành này được dự đoán sẽ hoàn thiện vào năm 2023.

Bà Kristine Lau, một chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Third Bridge, cho biết trước đây MediaTek được xem là một sự lựa chọn giá rẻ hơn và các loại chip của họ được sử dụng cho các loại smartphone tầm thấp. Nhưng điều này đã thay đổi trong hai đến ba năm qua, và những nỗ lực của MediaTek nhằm thâm nhập vào thị trường smartphone cao cấp đang tỏ ra thành công.

Các nhà đầu tư cũng hài lòng với cách tiếp cận của ông Tsai. Giá cổ phiếu của MediaTek đã tăng hơn 460% từ 204,5 TWD vào đầu năm 2017, trước khi ông Tsai được bổ nhiệm, lên 1.150 TWD tính đến ngày 3/1. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty này đã vượt ngưỡng 64 tỷ USD, cao hơn cả các nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu như Infineon và NXP.

Cùng lúc đó, tỷ suất lợi nhuận hoạt động kinh doanh của MediaTek đã tăng từ khoảng 1% trước khi ông Tsai nhận chức CEO lên hơn 22% trong quý III/2021.

Ông Tsai cho biết doanh thu của công ty này trong năm 2021 được dự đoán tăng hơn 50% so với năm 2020 lên 17 tỷ USD, gấp hơn hai lần mức của năm 2019, trong khi lợi nhuận hoạt động kinh doanh của MediaTek được dự đoán tăng gấp năm lần từ 700 triệu USD năm 2019 lên 3,8 tỷ USD.

Ông Tsai cho biết doanh thu của công ty này trong năm 2021 được dự đoán tăng hơn 50% so với năm 2020 lên 17 tỷ USD, gấp hơn hai lần mức của năm 2019. Ảnh: MediaTek

Mối quan hệ của ông Tsai với TSMC đang thể hiện giá trị của mình trong bối cảnh tình trạng thiếu chip chưa từng có tiền lệ trên toàn cầu đang tác động mạnh đến các công ty sản xuất ô tô đến các nhà sản xuất smartphone và thiết bị điện tử.

Trong khi Qualcomm thường chia các đơn đặt hàng chip cho TSMC và Samsung, MediaTek lại đặt tất cả đơn đặt hàng chip tiên tiến của mình cho TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Mối quan hệ liên minh chiến lược giữa hai công ty Đài Loan này đã giúp MediaTek trở thành một nhà cung cấp đáng tin cậy hơn đối với khách hàng của mình trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung như hiện nay.

Bà Lau cho rằng: "Đây là một lợi thế lớn, đặc biêt khi tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu được dự đoán sẽ còn kéo dài, và năng lực cũng như sự ổn định trong nguồn cung đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của các công ty sản xuất thiết bị điện tử”.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng chuyên môn của ông Tsai đã giúp ông đánh cược vào công nghệ đúng đắn và đưa MediaTek vững mạnh trở lại. Sự nghiệp của ông bao gồm vị trí trong ban giám đốc của nhà sản xuất chip toàn cầu NXP và nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Lam Research.

Ông từ chức CEO của TSMC vào năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính, và sau đó giữ chức Chủ tịch Chunghwa Telecom, nhà mạng di động lớn nhất Đài Loan, trước khi “bén duyên” với MediaTek.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt chip và căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo cơ hội để MediaTek “tỏa sáng” trên đấu trường toàn cầu. Công ty này là một trong số rất ít các nhà sản xuất có thể cung cấp đa dạng sản phẩm, từ các giải pháp chip di động và bộ chip cho TV đến các loại chip quản lý mạnh mẽ.

Tầm quan trọng của MediaTek đối với chuỗi cung ứng toàn cầu còn được thể hiện rõ nét hơn sau khi Mỹ ban hành các quy định hạn chế thương mại đối với nhà sản xuất smartphone Huawei Technologies của Trung Quốc, tập đoàn đã từng vận hành nhà phát triển chip hàng đầu nước này là HiSilicon Technologies.

Trong bối cảnh các đối thủ của Huawei như Xiaomi, Oppo và Vivo đang “vật lộn” để giành lấy thị phần smartphone, các công ty này đang tìm đến MediaTek và Qualcomm để đáp ứng nhu cầu chip của mình.

Điều này không chỉ giúp gia tăng thị phần cho hai công ty này trong phân khúc chip di động, mà còn là một lời nhắc nhở rằng có rất ít nhà phát triển chip có khả năng thiết kế đầy đủ các giải pháp cho smartphone 5G, TV, máy tính bảng và hơn thế nữa.

Trong đó, MediaTek là một cái tên sáng giá. Trước khi bị Mỹ hạn chế, HiSilicon kiểm soát đến 14% thị trường chi di động toàn cầu./.

Khánh Ly (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chang-duong-dua-mediatek-bung-sang-cua-ceo-rick-tsai/230868.html