Thu thập sinh trắc học mống mắt, AND, giọng nói có đảm bảo an toàn?

Khi thực hiện thủ tục cấp căn cước, người dân sẽ phải thu thập sinh trắc học mống mắt và có thể thu thập thêm AND và giọng nói vào Cơ sở dữ liệu (CSDL) căn cước.

Trước khi Luật Căn cước chính thức có liệu từ ngày 1-7 và thẻ căn cước được đưa vào sử dụng, một số bạn đọc thắc mắc việc thu thập dữ liệu sinh trắc học mống mắt, ADN, giọng nói để làm thủ tục cấp thẻ căn cước cũng như CSDL căn cước có được đảm bảo tính an toàn thông tin hay không?

Người dân an tâm vì việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt cũng như ADN, giọng nói đều được đảm bảo an toàn. Ảnh: HUỲNH THƠ

Có được bảo mật, đảm bảo an toàn

Anh Hoàng Vỹ (TP.HCM) cho biết thẻ căn cước công dân của anh đã hết hạn, vào ngày 1-7 này anh sẽ phải đổi sang thẻ căn cước. Theo quy định, khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước sẽ thu thập thêm thông tin mống mắt, anh Vỹ thắc mắc việc thu thập này có bắt buộc hay không?

“Ngoài việc thu thập sinh trắc học mống mắt để làm căn cước tôi còn nghe sẽ thu thập ADN và giọng nói vào CSDL căn cước để phục vụ cho việc quản lý. Nếu tất cả những thông tin này bắt buộc phải thu thập thì liệu chúng có được đảm bảo an toàn và bảo mật, bởi chúng đều là những thông tin hết sức quan trọng” - anh Hoàng Vỹ nói.

Tương tự, chị Nguyễn Việt Nga cũng bày tỏ quan ngại về việc thu thập thêm các thông tin mới. Bởi theo chị tìm hiểu lý do thu thập thêm mống mắt và vì vân tay có thể sẽ thay đổi theo thời gian, vậy mống mắt có được đảm bảo sẽ không thay đổi. Còn việc thu thập thêm ADN và giọng nói có bắt buộc giống như mống mắt và chúng sẽ có tác dụng sử dụng thế nào?

“Hiện tại, nhiều người vẫn chưa thể hình dung việc thu thập mống mắt sẽ diễn ra như thế nào nhưng một điểm chung tin chắc rằng ai cũng sẽ lo lắng việc này có an toàn, những thông tin cá nhân này có được bảo mật. Vì nhỡ không may lộ, lọt ra ngoài rất có thể sẽ khiến các đối tượng xấu lợi dụng thông tin để giả mạo người dân làm những điều xấu” - chị Nga bày tỏ.

Người dân có thể an tâm

Theo Công an TP.HCM, đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học như ADN, mống mắt, giọng nói như sau:

Về thông tin sinh trắc học mống mắt, theo điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước: Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

Như vậy, việc thu nhận thông tin sinh trắc học là bắt buộc và sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.

Về thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói, theo điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước quy định: Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào CSDL căn cước.

Do đó, cơ quan quản lý căn cước sẽ không tiến hành việc thu nhận thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói vào CSDL căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.

Tuy nhiên, trước khi thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói vào CSDL căn cước, cơ quan quản lý CSDL căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức đã xét nghiệm, phân tích thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói của công dân để kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin.

Dữ liệu thông tin cá nhân của người dân trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước được bảo vệ chặt chẽ và chỉ được khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, người dân an tâm thông tin của mình luôn được bảo mật, đảm bảo an toàn.

Mống mắt không thay đổi theo thời gian

Việc cập nhật mống mắt của công dân vào CSDL căn cước sẽ được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật mã hóa cao nhất về an toàn thông tin.

Ngoài ra, mống mắt là cấu trúc mỏng, tròn, nằm trong mắt, có công dụng điều chỉnh kính và kích cỡ của đồng tử. Đồng thời, mống mắt của mỗi người là duy nhất, không thay đổi theo thời gian và độ tuổi, khi sử dụng mống mắt có độ an toàn cao, nhanh và chính xác. Người dân hoàn toàn yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-thap-sinh-trac-hoc-mong-mat-and-giong-noi-co-dam-bao-an-toan-post787021.html