Petrolimex, PV Oil xoay xở ra sao trước 'làn sóng' xe điện?

Nhiều 'ông lớn' bán lẻ xăng dầu cho biết sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh để thích nghi dần với xu thế phát triển của xe điện, như lắp trạm sạc, đẩy mạnh các dịch vụ phi xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã triển khai song song các trạm sạc xe điện VinFast tại cây xăng. Ảnh: VFS.

"Những năm gần đây, số lượng xe điện được bán ra tăng nhanh, song thị phần ôtô điện mới chỉ chiếm khoảng 1%", ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông mới đây.

Lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam cho rằng tỷ lệ xe điện này chỉ thay thế một phần cho các loại xe dưới 9 chỗ ngồi, chứ chưa thể thay thế các phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng như giao thông đường thủy, hàng không và đường sắt.

Lãnh đạo Petrolimex nhận định xu hướng sử dụng xe điện đang tăng từng ngày nhưng chưa tạo được rủi ro lớn để cạnh tranh thị phần với xăng dầu. Nhiên liệu này vẫn đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không.

Nhiều giải pháp kinh doanh mới

Tương tự, lãnh đạo PV Oil - doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 Việt Nam - nhìn nhận đến năm 2030, hoạt động của xe điện vẫn chưa gây ra những vấn đề đáng lo ngại đối với kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam.

Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch PV Oil, cho rằng xe điện nói riêng hay vấn đề chuyển dịch năng lượng nói chung được ban lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm rất sớm, từ năm những 2018.

Cho rằng xe điện là xu thế đang phát triển trên phạm vi toàn cầu và để chuẩn bị cho tình hình mới, lãnh đạo Petrolimex cho biết sẽ đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp các loại hình năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu bay bền vững.

"Đồng thời, nghiên cứu các cơ hội đầu tư, phát triển thị trường trạm sạc xe điện ở Việt Nam cũng như các dịch vụ gia tăng ở các cửa hàng của Petrolimex", Chủ tịch HĐQT Petrolimex nói.

Chia sẻ thêm, Tổng giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải cho biết giai đoạn 2016-2020, Petrolimex đã tiên phong triển khai phát triển nhiên liệu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 5 nhằm đáp ứng các yêu cầu về nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường gồm xăng RON 95 không chì, xăng sinh học E5 RON 92…

Việc cho doanh nghiệp xe điện lắp trạm sạc giúp chủ cây xăng cải thiện lợi nhuận. Ảnh: VinFast.

"Petrolimex cũng đang học hỏi các tập đoàn xăng dầu lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản để có các kinh nghiệm, xây dựng chương trình hành động phù hợp...", ông nói.

Không chỉ Petrolimex, để thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, "ông lớn" PV Oil cũng cho biết sẽ tập trung phát triển các dịch vụ phi xăng dầu.

Theo đó, tổng công ty này đang hợp tác với nhiều đối tác để tích hợp các dịch vụ tiện ích về thức ăn nhanh, phở, cà phê hay dịch vụ khác như rửa xe, sửa ôtô, xe máy... Doanh nghiệp cũng đang hướng đến và hợp tác với đối tác Singapore thu gom dầu ăn qua sử dụng của nhà dân hay bếp ăn công nghiệp để xuất sang nước này hay đưa vào nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn làm nhiên liệu bay.

PV Oil đang hợp tác với nhiều đối tác để tích hợp các dịch vụ tiện ích về thức ăn nhanh, phở, cà phê hay dịch vụ khác như rửa xe, sửa ôtô, xe máy...

Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch PV Oil

Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã hợp tác với VinFast phát triển các trạm sạc xe điện từ tháng 7/2022. Đến nay, PV Oil đã tận dụng mặt bằng của các cửa hàng xăng dầu để hợp tác với VinFast - công ty sản xuất xe điện thuộc Tập đoàn Vingroup - lắp đặt trạm sạc xe điện tại hơn 322 cửa hàng xăng dầu trên cả nước.

"Hợp tác này đã và đang tạo ra doanh thu, lợi nhuận đáng kể đối với các đơn vị thành viên của PV Oil. Đặc biệt, có những cửa hàng xăng dầu thu được lợi nhuận từ hợp tác với VinFast bằng mức lợi nhuận của 1 cửa hàng xăng dầu có sản lượng 300 m3/tháng", lãnh đạo PV Oil nhấn mạnh.

Doanh nghiệp xăng dầu nước ngoài thích ứng ra sao?

Việc kết hợp với doanh nghiệp xe điện lắp trạm sạc giúp doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được chi trả lợi ích từ việc cho thuê diện tích, các biển quảng cáo từ cây xăng, chi phí vận hành trạm sạc và chia sẻ phần doanh thu từ trạm sạc.

Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp xăng dầu lớn cũng đã thay đổi để thích nghi với xu thế phát triển của xe điện. Theo Reuters, Sinopec - "gã khổng lồ" kinh doanh dầu mỏ ở Trung Quốc - đã phát triển hàng nghìn trạm xe điện trên khắp đất nước để thích ứng với kỷ nguyên xe điện.

Nhu cầu xăng của Trung Quốc được dự đoán đạt đỉnh vào năm 2025 và có thể giảm một nửa vào năm 2045, điều này khiến Sinopec và PetroChina - hai ông lớn chiếm 50% thị phần xăng dầu ở Trung Quốc - buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Cụ thể, Sinopec - công ty vận hành 21.000 điểm sạc vào cuối năm 2023 - đã dành 18,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,55 tỷ USD) để xây dựng mạng lưới trạm năng lượng tích hợp, tăng 17% so với năm ngoái. Tập đoàn này có kế hoạch xây dựng 5.000 trạm sạc vào năm 2025.

Doanh nghiệp xăng dầu lớn ở nhiều quốc gia đang đẩy mạnh phát triển trạm sạc xe điện tại cây xăng. Ảnh: Reuters.

Hay, PetroChina - công ty vận hành 28.000 điểm sạc thông qua công ty con Potevio New Energy mới mua lại gần đây - cho biết sẽ tập trung vào các trạm toàn diện cung cấp dầu, khí đốt, hydro và sạc. Công ty này có kế hoạch xây dựng thêm 1.000 trạm đổi pin EV trong năm nay.

Tương tự, các công ty năng lượng như Shell (Anh) và TotalEnergies (Pháp), cũng đang tìm cách xoay xở trước sự phát triển của xe điện. Chẳng hạn, Shell tính đóng cửa 1.000 cây xăng, dầu để tập trung phát triển trạm sạc toàn cầu.

Doanh nghiệp này dự kiến mở thêm khoảng 16.000 điểm sạc, giúp số lượng trạm sạc xe điện tăng lên 70.000 điểm vào năm 2025. Đến năm 2030, con số có thể lên đến 200.000 điểm trên toàn cầu. Sell cũng phát triển trạm sạc đi kèm với dịch vụ cà phê, thực phẩm và các mặt hàng tiện lợi khác.

Từ nay đến năm 2030, "ông lớn" này cũng phát triển nhiên liệu tổng hợp. Công ty có kế hoạch cung ứng nhiên liệu sinh học có nguồn gốc thực vật và nhiên liệu hydro cho ngành hàng không và vận tải biển.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/petrolimex-pv-oil-xoay-xo-ra-sao-truoc-lan-song-xe-dien-post1472536.html