Trường nghề khởi động tuyển sinh

Cùng với các trường đại học trên cả nước, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chính thức bước vào mùa tuyển sinh năm 2024. Những năm qua, mặc dù được quan tâm, đầu tư cơ sơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, tuy nhiên công tác tuyển sinh, đào tạo nghề vẫn còn không ít khó khăn.

KHỞI SẮC TUYỂN SINH

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XB) tỉnh Tiền Giang, tỉnh hiện đang có tiềm lực mạnh mẽ trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động với 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo 42 ngành, nghề thuộc các lĩnh vực. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh và các tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sinh viên Trường Cao đẳng Tiền Giang trong giờ thực hành.

Trong năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tuyển 12.993 học sinh, sinh viên, học viên các trình độ giáo dục nghề nghiệp, đạt 113,08% kế hoạch năm; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 54%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22%. Các trường cao đẳng, trung cấp đã tuyển sinh 3.379 học sinh, sinh viên, đạt 120,79% kế hoạch năm.

Tại Trường Cao đẳng Tiền Giang, trong năm 2023 đã tuyển 4.795 chỉ tiêu, trong đó có: 313 chỉ tiêu cao đẳng, 918 chỉ tiêu trung cấp, 478 chỉ tiêu sơ cấp và 3.086 chỉ tiêu trình độ sơ cấp. Nếu so với tổng chỉ tiêu đặt ra là 3.125 chỉ tiêu, trường đã tuyển vượt 1.670 chỉ tiêu. Theo đánh giá của trường thì đây là con số đáng mừng, bởi trước đây trường tuyển sinh khá chật vật nhưng hiện nay nhận thức của nhiều học sinh và phụ huynh về đào tạo nghề có sự chuyển biến nên việc tuyển sinh của trường được thuận lợi hơn.

Trong năm 2024, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tuyển sinh đào tạo 13.193 học sinh, sinh viên và học viên; trong đó: 3.063 trình độ trung cấp, cao đẳng và 10.130 học viên trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trong đó hỗ trợ đào tạo 4.000 lao động; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 55,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Nguyễn Quang Khải cho biết: Nhà trường đã triển khai nhiều đợt tư vấn tuyển sinh về các trường, đặc biệt là đối với các trường THCS. Bên cạnh đó, trường cũng đã tuyển sinh liên tục trong năm, chia thành nhiều đợt tuyển sinh. Trong quá trình tuyển sinh, nhà trường chú trọng giới thiệu những chính sách thu hút người học, ví dụ như học sinh tốt nghiệp trình độ THCS khi học trung cấp nghề sẽ được miễn học phí hoàn toàn, được học thẳng lên cao đẳng theo chương trình 9+; được vay vốn tín dụng khi theo học, được tạo điều kiện thực tập tại các nhà xưởng…

“Vấn đề việc làm sẽ là một trong những bận tâm lớn khi học sinh chọn trường. Tuy nhiên với Trường Cao đẳng Tiền Giang, đối với các ngành, nghề kỹ thuật từ năm 2016 đến nay thì có 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp; các ngành, nghề còn lại có từ 80% đến 90% sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Nguyễn Quang Khải nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XB tỉnh Tiền Giang, để có được những kết quả đáng khích lệ trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề là nhờ sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các sở, ngành, địa phương, các trường và phụ huynh, học sinh. Năm 2023, được Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ đào tạo cho người lao động trên địa bàn tỉnh với kinh phí trên 6,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, Trường Trung cấp Gò Công và Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2023, Dự án mở rộng Trường Trung cấp Gò Công giai đoạn 1 đã được khởi công và dự kiến hoàn thành vào khoảng cuối năm 2024, riêng hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án mở rộng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè giai đoạn 1 đang trong giai đoạn trình Hội đồng thẩm định.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Bên cạnh những thuận lợi, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn gặp không ít khó khăn. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp là 20,77% và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng là 15,35%, dẫn đến thiếu nguồn chỉ tiêu tuyển sinh.

Nhìn nhận một cách khách quan, các giải pháp tổ chức tư vấn, tuyển sinh của các trường mang tính truyền thống trong thời gian ngắn, chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm; các biện pháp chưa có tính đột phá, học sinh và người lao động chưa biết tìm hiểu thông tin về ngành, nghề đào tạo, trường đào tạo. Đội ngũ cán bộ, nhà giáo tư vấn tại một số trường còn hạn chế, vận dụng đội ngũ cán bộ, nhà giáo thiếu giờ giảng dạy tham gia tư vấn nên chưa diễn đạt hết ý nghĩa, mục đích, nội dung của công tác tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó, công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT còn hạn chế như: Thiếu đội ngũ giáo viên am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và am hiểu thực tế ngành, nghề của xã hội. Một số Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện chưa chủ động phối hợp chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp trong việc liên kết và tư vấn tuyển sinh. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động đang làm việc tại địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XB tỉnh Tiền Giang Phan Thanh Vân, để công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024 đạt được kế hoạch đề ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp như: Xây dựng câu chuyện truyền thanh, xây dựng các phóng sự giới thiệu chi tiết về trường, từng ngành, nghề đào tạo và cơ hội việc làm, thu nhập; chuyên mục hỏi đáp về ngành, nghề đào tạo... Bên cạnh đó, tăng cường thiết lập mạng lưới phối hợp chặt chẽ với các trường THCS, THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện, UBND, các đoàn thể cấp xã và doanh nghiệp nhằm tư vấn học nghề nghiệp gắn với việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo, đăng ký thêm ngành, nghề đào tạo và rà soát, cập nhật lại các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ LĐ-TB&XB. Quan tâm mở thêm các ngành, nghề đào tạo phục vụ cho lĩnh vực dịch vụ như: Thương mại, du lịch, tài chính, logistics… Quan tâm đào tạo, phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học; chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.

Trong từng năm học, ngành Giáo dục cần chú ý cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đối với học sinh không trúng tuyển lớp 10 và học sinh THPT có nguy cơ bỏ học để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận, tư vấn, tạo điều kiện cho các em có thể vào học tại các cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202404/truong-nghe-khoi-dong-tuyen-sinh-1006840/