Trung Quốc 'mạnh tay' đầu tư vào châu Á năm 2023

Một báo cáo mới công bố cho thấy, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực châu Á Thái Bình Dương đã tăng mạnh trong năm 2023, ngay cả khi nền kinh tế này có dấu hiệu suy thoái.

Ảnh minh họa: Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, báo cáo do Đại học Griffith ở Brisbane (Australia) và Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc) mới công bố cho thấy, tổng đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đạt gần 20 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 37%. Báo cáo ghi nhận các hợp đồng xây dựng năm 2023 trị giá khoảng 17 tỷ USD – được tài trợ bằng các khoản vay của Trung Quốc. Con số này đánh dấu mức tăng khoảng 14% so với năm 2022.

Những con số trên trái ngược với mức giảm 12% trong tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế mới nổi ở châu Á trong năm ngoái. Báo cáo được đưa ra cùng thời điểm khi Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP lên khoảng 5% trong năm 2024, phù hợp với mục tiêu năm 2023.

Theo báo cáo, phần lớn các hoạt động đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tập trung vào các quốc gia liên kết với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng trải dài từ châu Á đến châu Âu và xa hơn nữa.

Số liệu do ông Christoph Nedopil, Giám đốc Viện Griffith châu Á tại Đại học Griffith, cung cấp cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia không liên kết với BRI giảm xuống mức thấp kỷ lục 120 triệu USD vào năm 2023, giảm 90% so với mức thấp kỷ lục vào năm 2022. Những bên tham gia BRI đang chiếm 92% các hợp đồng xây dựng.

Dữ liệu về các khoản đầu tư của Trung Quốc – bao gồm các hợp đồng đầu tư và xây dựng - cho thấy hoạt động này đang bắt đầu hồi phục trở lại mức trước đại dịch Covid-19. Trước đây, đầu tư là một thành phần quan trọng trong sự tham gia của Trung Quốc vào khu vực châu Á. Nhưng vào năm 2021, lần đầu tiên xây dựng đã chiếm hơn 70%. Trong năm 2023, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực chiếm khoảng 54%, gần bằng mức trước đại dịch.

Khoảng 50% đầu tư khu vực của Trung Quốc đã đổ vào Đông Nam Á trong năm ngoái, tăng 27% so với năm 2022. Trong đó, Indonesia là nước nhận các khoản đầu tư lớn nhất với khoảng 7,3 tỷ USD.

Một phần đáng kể trong các khoản đầu tư này đến từ việc TikTok mua 75% đơn vị thương mại điện tử Toopedia của tập đoàn công nghệ GoTo của Indonesia với giá 840 triệu USD. Đây là một phần trong nỗ lực của gã khổng lồ Internet Trung Quốc nhằm quay trở lại thị trường thương mại điện tử Indonesia, sau khi các cơ quan quản lý nước này buộc TikTok phải tách các tính năng mua sắm khỏi các chức năng truyền thông xã hội vào tháng 10/2023.

Trong khi đó, 6 quốc gia châu Á khác gồm Philippines, Mông Cổ, Myanmar, Papua New Guinea, Tajikistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 100% sự đầu tư của Trung Quốc từ năm 2022, nghĩa là không có dự án đầu tư hay xây dựng mới nào cả.

“Có nhiều lý do khác nhau, nhưng thường là do sự kết hợp của các rủi ro chính trị và kinh tế”, ông Nedopil nhận định.

Mức độ đầu tư của Bắc Kinh vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đã giảm khoảng 74%, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang trong tình trạng hỗn loạn về chính trị và lo ngại về quân sự. Mức đầu tư của Trung Quốc ở Australia cũng giảm khoảng 66%.

Nhìn chung, các công ty tư nhân Trung Quốc đã đứng đầu về mức đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm qua, cũng như có thêm nhiều công ty tham gia vào cuộc cạnh tranh đầu tư hơn so với hai năm trước đó. Hoạt động đầu tư xây dựng vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước tham gia.

Hầu hết các nhà đầu tư tư nhân đều tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng và vật liệu pin. Điều này cho thấy Trung Quốc đang vươn lên dẫn đầu chuỗi cung ứng công nghiệp năng lượng tái tạo và khoáng sản quan trọng của thế giới.

Zhejiang Huayou Cobalt - một trong những nhà máy lọc cobalt lớn nhất thế giới, đã đóng góp 21,2% tổng mức đầu tư, tiếp theo là Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba với 11,6%.

Các động thái của Trung Quốc trong lĩnh vực kim loại và khai thác mỏ, đặc biệt là các nguồn tài nguyên liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh như lithium và vật liệu pin như niken cho xe điện, tập trung vào Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam và Bangladesh. Những cam kết đầu tư của Bắc Kinh đã đạt 5,3 tỷ USD, tăng 130% so với năm 2022.

Các khoản đầu tư đáng chú ý trong lĩnh vực xe điện bao gồm một liên doanh giữa Zhejiang Huayou Cobalt và LG Chem tại Hàn Quốc; các nhà máy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

“Cũng giống như BRI nói chung, sự đầu tư của Trung Quốc vào châu Á - Thái Bình Dương không nhất thiết phải phù hợp với chiến lược được Bắc Kinh tuyên bố là theo đuổi các dự án “nhỏ nhưng đẹp,” ông Nedopil nói.

Mặt khác, quy mô trung bình cho các khoản đầu tư của Trung Quốc năm 2023 vẫn cao, ở mức 499 triệu USD, gấp đôi mức thấp nhất là 195 triệu USD vào năm 2021 nhưng thấp hơn một chút so với mức 583 triệu USD được ghi nhận vào năm 2022. Đối với các dự án xây dựng, quy mô giao dịch đã tăng từ 285 triệu USD năm 2022, lên 401 triệu USD vào năm 2023.

Báo cáo cũng dự đoán rằng các khoản đầu tư và xây dựng của Trung Quốc trong khu vực châu Á sẽ tiếp tục tục phục hồi trong năm 2024, do sự cấp thiết của quá trình chuyển đổi xanh, cũng như nhu cầu nội địa giảm thúc đẩy các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-manh-tay-dau-tu-vao-chau-a-nam-2023-post32380.html