Đừng nói tới lực hấp dẫn, hãy đưa Việt Nam trở thành thỏi nam châm

Chúng ta không thể nói nhiều về lực hấp dẫn, phải có tư duy đưa Việt Nam trở thành một thỏi nam châm để có lực hấp dẫn. Bởi, chúng ta không thể nói suông 'cứ về đây đi', 'đến đây đi' nếu không tạo ra những lực hấp dẫn đó.

VIDEO BÀN TRÒN TRỰC TUYẾN:

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy những biến động hiện nay, mọi quốc gia đều đặt câu hỏi về sự định vị của mình. Tại Đông Nam Á và xa hơn thế nữa, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng của sự thích ứng và phát triển mạnh mẽ.

Việc đầu tư vào giáo dục, công nghệ và nguồn nhân lực, cùng với sự mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Sự năng động và sẵn sàng học hỏi của người dân Việt Nam, cùng với việc áp dụng công nghệ mới và chuyển đổi số, đang tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, những lực cản cho sự phục hồi toàn cầu còn khá lớn, nhất là các cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn và những thách thức, cạnh tranh địa chính trị. Những yếu tố này tác động trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam. Trong một môi trường quốc tế liên tục thay đổi và khó dự báo như vậy thì Việt Nam cần tìm ra con đường riêng cho mình để tiến tới bền vững, công bằng và thịnh vượng.

Làm sao để kết nối nguồn lực đa dạng và mạnh mẽ của người Việt trên toàn cầu, thúc đẩy tiềm lực và sự phát triển từ trong và ngoài nước?

Làm sao để nâng tầm vị thế Việt Nam so với thế giới thông qua những định hướng đúng đắn được tiếp thu và gắn kết từ những cái nhìn đa chiều từ trong nước và quốc tế?

Làm thế nào để sử dụng những chìa khóa của những thành công đã được đúc kết hoặc tiên phong để đưa Việt Nam bứt phá?

Những khách mời tham dự Bàn tròn trực tuyến hôm nay sẽ đưa ra các ý kiến về vấn đề này.

Xin trân trọng giới thiệu các khách mời:

GS-TS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu

TS Đinh Thanh Hương – Giám đốc điều hành Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu

TS Võ Phương Nga - Giám đốc Tài chính và đối tác Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu

GS.TS Nguyễn Đức Khương

GS.TS Nguyễn Đức Khương

KHÁI NIỆM MỞ VỀ NHÂN TÀI

Tôi xin nêu lại câu hỏi làm thế nào có thể kết nối nguồn lực đa dạng và mạnh mẽ của người Việt toàn cầu để thúc đẩy tiềm lực cũng như sự phát triển trong và ngoài nước, thưa GS.TS Nguyễn Đức Khương?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Trước tiên tôi nghĩ chúng ta thống nhất với nhau một điều là nguồn lực và đặc biệt nguồn lực con người là một trong những yếu tố chiến lược và quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên phát triển hiện nay.

Câu chuyện nguồn lực thường xuyên được đặt ra khi chúng ta mong muốn phát triển. Đối với Việt Nam, chúng ta có một số cột mốc nhất định, đó là trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là yêu cầu, mục tiêu và thách thức với công tác nhân sự, với nỗ lực thu hút tài năng và trí tuệ người Việt nam ở khắp nơi trên thế giới để tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, để thu hút, phát hiện và sử dụng tài năng, ngoài điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục cũng như điều kiện làm việc, chúng ta cũng cần quan tâm đến nhiều hơn đến việc tiếp cận tài năng.

Ở đây không phải chỉ là nguồn lực con người, tài năng của Việt Nam trong và ngoài nước mà còn cần vươn ra tầm quốc tế và có khi là cả phạm vi toàn cầu. Vì nguồn lực con người đang tồn tại ở khắp nơi. Tập tài năng của chúng ta không chỉ là người Việt Nam trong và ngoài nước, còn có thể là bạn bè đồng nghiệp quốc tế và những người tài trên thế giới cũng mong muốn được đến Việt Nam trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm công việc và tham gia khám phá.

Tôi cho rằng, thời kỳ hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu mới, công nghệ số… thì mỗi con người, mỗi tài năng đều mong muốn tìm cho mình một mục tiêu có ý nghĩa trong cuộc sống. Nếu chúng ta có được môi trường hấp dẫn, có không gian để trải nghiệm thì có thể thu hút được tài năng từ khắp nơi.

Đây là một cách tiếp cận chúng ta có thể xem xét. Làm thế nào để những người tài có thể đến Việt Nam thì rõ ràng từ bây giờ chúng ta phải xây dựng nền tảng hạ tầng từ hạ tầng cứng đến hạ tầng mềm và đặc biệt là đội ngũ trong nước có khả năng tiếp cận hội nhập và làm việc với họ, sử dụng cùng một ngôn ngữ - ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ cuộc sống và ngôn ngữ đưa nền tảng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chính trị và đời sống kinh tế - xã hội.

TS. Võ Phương Nga: Trong những chia sẻ vừa rồi của anh Nguyễn Đức Khương có một khái niệm rất quan trọng. Đó là khái niệm mở về nhân tài. Tôi muốn nhấn mạnh thêm một ý, khái niệm mở này đòi hỏi chúng ta phải tư duy từ cấp độ những người làm chính sách cho tới người thực thi về tư duy là đưa Việt Nam trở thành thỏi nam châm.

Chúng ta không thể nói nhiều về lực hấp dẫn, hấp dẫn đối với nhân tài Việt Nam trong nước và quốc tế, hấp dẫn với cả những con người, những tri thức và công nghệ… với tất cả những gì chúng ta có thể mang về Việt Nam. Phải có tư duy là trở thành một thỏi nam châm để có lực hấp dẫn. Bởi, chúng ta không thể nói “cứ về đây đi”, “đến đây đi” nếu như chúng ta không tạo ra những lực hấp dẫn đó.

TS. Đinh Thanh Hương

TS. Đinh Thanh Hương

CỐNG HIẾN CÓ THỂ Ở BẤT CỨ ĐÂU, DƯỚI BẤT KỲ HÌNH THỨC NÀO

Chúng ta có một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khá lớn, có những người Việt Nam đã rất thành đạt và họ có cơ hội học tập, giảng dạy cũng như làm làm việc ở các nước phát triển. Tuy nhiên họ đã chọn con đường là trở về để cống hiến. Cũng có rất nhiều người Việt Nam dù là ở nước ngoài nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc. TS. Đinh Thanh Hương chia sẻ thế nào về sự cống hiến? Chúng ta có thể ở lại nước ngoài hay phải từ nước ngoài trở về mới có được sự cống hiến trọn vẹn?

TS. Đinh Thanh Hương: Tôi rất tâm huyết với câu hỏi này. Cống hiến là làm việc bởi niềm đam mê, bằng tình yêu để đưa ra những ý tưởng, hành động, dự án, chương trình vì sự phát triển của đất nước. Tôi nhớ cách đây 2 năm khi tôi ngồi với một anh gọi là “đại gia”. Anh ấy là chủ tịch của tập đoàn rất lớn của Việt Nam, đi tiên phong rất nhiều lĩnh vực lớn. Anh có nói: “Bọn em có một thứ hơn anh, là yêu nước hơn”. Anh đùa là “Ở gần vẫn cống hiến, vẫn phát triển nhưng đỡ yêu hơn”.

Cũng chính anh ấy mới đây chúng tôi gặp lại đã nói: “Ngày xưa lúc nào anh cũng đi tìm người Việt giỏi, tài năng trên thế giới, mời họ về làm việc. Bây giờ anh nói cứ ở đấy đi. Bởi sau Covid mới phát hiện ra rằng, mình làm việc từ xa, làm việc online, ở khắp múi giờ hóa ra rất dễ dàng”.

Có những người về, có người ở lại, có người làm toàn thời gian cho một công việc ở Việt Nam hay bán thời gian, thậm chí là khái niệm “làm thêm”, nhưng chính sự “làm thêm” ấy là tiền đề để kết nối với những tinh hoa hàng đầu của thế giới. Cống hiến có thể ở bất cứ đâu, dưới bất kỳ hình thức nào, miễn là đến từ cái tâm và hiển nhiên cần có trình độ. Càng có trình độ tốt thì sự cống hiến càng tạo ra mức độ ảnh hưởng lớn hơn.

Khái niệm đó tôi nghĩ là rất quan trọng, có thể thay đổi nhiều thứ để như anh Khương và chị Nga có nói là tạo ra một thỏi nam châm. Tôi gặp rất nhiều người Việt như thế. Sự “cống hiến” vượt lên cả sự nghiệp cá nhân, cả những yếu tố gia đình.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Có một điều rất hay là mỗi người trẻ trước khi ra nước ngoài đều sinh sống và trưởng thành ở Việt Nam. Mỗi khi chúng ta bước chân ra khỏi Việt Nam thì bao giờ trong trái tim, trong bộ não của mình đều biết mình là người Việt Nam, đều mang kỳ vọng lớn nhất là bạn bè đồng nghiệp nước ngoài nhắc đến chữ Việt Nam và con người Việt Nam.

Mỗi người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đều phải rất nỗ lực. Thứ nhất là hòa nhập cộng đồng, thứ hai là thành công trong công việc của mình và không thể thiếu được ở mỗi thời điểm, người ta nghĩ những gì mình học tập ở đây, những gì thành công ở đây liệu mình có thể giúp Việt Nam hay không hoặc mình có thể tham gia một quá trình phát triển nào đó ở Việt Nam hay không?

Sợi chỉ gắn kết tất cả khát vọng và mong muốn ấy chính là văn hóa Việt Nam hay nói một cách ngắn gọn là văn hóa Việt Nam tồn tại trong chính mỗi con người chúng ta.

CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỀ THU HÚT NGƯỜI TÀI

Như đã đề cập ở trên, chúng ta cần có một cách nhìn mới, cách tiếp cận mới về người tài và thu hút nhân tài. Quan điểm của TS Đinh Thanh Hương ra sao?

TS Đinh Thanh Hương: Tôi từng nghĩ tới việc thu hút nhân tài là người Việt trong nước và ngoài nước. Nhưng giờ đây tôi nghĩ tới câu chuyện thu hút nhân tài đến Việt Nam, nghĩa là có thể là những người nước ngoài với trí tuệ rất cao đến Việt Nam, làm những công việc đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.

Có những người ban đầu thuần túy đến là vì điều kiện công việc hay cơ hội rất tốt. Nhưng sau đấy họ dần yêu mến và làm việc cho chính cộng đồng Việt Nam để gia tăng kết nối.

Nhìn vào đất nước Singapore, một trường hợp điển hình khi có hơn 30% người tài không phải quốc tịch Singapore. Hoặc là Luxembourg, với dân số tương đương dân số Quảng Trị. Một đất nước rất bé nhưng thu nhập bình quân đầu người hơn 100 nghìn USD. Rất nhiều người đến làm việc không phải là người Luxembourg, thậm chí hơn 50% chuyên gia cao cấp không phải là người Luxembourg…

Tôi nghĩ là cách tiếp cận nên mở rộng như thế để có thể thu hút những người tài năng nhất, đa quốc tịch nhất.

Có những khu vực, quốc gia đi đầu trong thu hút nhân tài bằng cơ chế tài chính. Ví dụ như Dubai – bạn hoàn toàn không phải nộp thuế cá nhân. Khi bạn làm việc ở châu Âu hoặc Mỹ thu nhập đã khá cao nhưng đến Dubai thậm chí lương lên gấp đôi.

Riêng Việt Nam, tôi nghĩ tài chính chỉ là một trong những yếu tố. Cần dùng cách tiếp cận mới – kiểu như anh Khương có nói đến khái niệm “văn hóa”. Cần phát huy thế mạnh văn hóa, để thu hút sự trải nghiệm. Tôi cũng muốn đề cập tới khái niệm mà tôi rất thích. Đó là “phòng thí nghiệm mở”, nơi thu hút mọi ý tưởng, trải nghiệm mới.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Những “phòng thí nghiệm mở” tại các quốc gia tiên phong về đổi mới sáng tạo được coi là ưu tiên hàng đầu.

TS Đinh Thanh Hương: Tôi muốn bổ sung một chút khái niệm thu hút nhân tài đặt trong câu chuyện định vị Việt Nam trong khu vực hay trong trường quốc tế. Tôi nghĩ đến cụm từ “trải nghiệm khác biệt”.

Các bạn trẻ dù môi trường có khó khăn, biến động ra sao nhưng sự trải nghiệm hấp dẫn hơn những nước đi trước chúng ta thì cũng là một lực hấp dẫn.

Thứ hai là quay lại “khái niệm mở” - cho phép những sự thử nghiệm. Chúng ta đưa ra một bài toán thì không thể phát triển theo chiều hướng phải giải theo cách này. Làm sao để có nhiều lời giải nhất có thể. Chính sự đa dạng phong phú đó sẽ tạo nên sự hấp dẫn, sự định vị khác biệt ở Việt Nam.

Bàn tròn trực tuyến "Kết nối tri thức vì một Việt Nam thịnh vượng"

Bàn tròn trực tuyến "Kết nối tri thức vì một Việt Nam thịnh vượng"

Ở góc nhìn của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, chúng ta cần làm gì để kết nối người trẻ vào một mạng lưới chung, để từ đó tạo dựng một cộng đồng cho những cá nhân xuất sắc tìm đến, hướng tới, chia sẻ và cống hiến?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Tôi rất thích câu hỏi này. Ở cấp độ quốc gia và trong lịch sử Việt Nam thì lúc nào, thời kỳ nào mà chúng ta sử dụng được nguồn tài năng trong nhân dân, thu hút được tài năng từ khắp nơi đến để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì lúc đấy chúng ta có những giai đoạn hưng thịnh.

Về câu chuyện thu hút người tài, tập hợp trí tuệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế tham gia vào những mạng lưới để trực tiếp đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam, chúng tôi có một cách nhìn về nhân tài.

Chúng ta đã nói đến “khái niệm mở” về nhân tài, và bây giờ những nhân tài ấy phải có những phẩm chất gì để có thể tập hợp lại, làm việc cùng nhau và đi xa cùng nhau. Tôi nghĩ đến 3 phẩm chất: Kỷ luật - kỹ năng mềm và không bỏ cuộc.

Kỷ luật giúp chúng ta có thêm mục tiêu, định vị, mong muốn, kế hoạch bài bản để làm việc và xây dựng phát triển bản thân.

Kỹ năng mềm cũng rất quan trọng trong thời đại hiện nay. Bởi bối cảnh kinh tế, xã hội rồi địa chính trị thường xuyên thay đổi. Chúng ta hầu như không thể dự báo được trước 6 tháng những gì sẽ xảy ra. Vậy làm sao chúng ta có năng lực thích ứng để đối diện với thách thức và khó khăn. Kỹ năng mềm cũng giúp cho những tài năng có thể hòa mình vào một môi trường làm việc tập thể, cống hiến tập thể và có những con đường chung với nhiều người còn lại.

Cuối cùng là không bỏ cuộc. Người Nhật nói rằng: “Khi chúng ta ngã 7 lần thì lần thứ 8 chúng ta vẫn đứng dậy”.

GS.TS Nguyễn Đức Khương và TS. Võ Phương Nga

GS.TS Nguyễn Đức Khương và TS. Võ Phương Nga

MỘT VIỆT NAM TOÀN CẦU

Thưa GS.TS Nguyễn Đức Khương, tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 diễn ra vào tháng 3 vừa qua tại Paris, ông đã nói rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới rất mới và đầy biến động. Như vậy trong môi trường quốc tế thay đổi liên tục, khó dự đoán, có thể nói là bất an, bất định thì Việt Nam cần tìm ra con đường riêng để hướng tới sự phát triển bền vững, công bằng và thịnh vượng. Theo ông cách tiếp cận và con đường mới ấy là gì?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Tôi nghĩ câu trả lời hay nhất đến từ một trí tuệ tập thể. Kỳ vọng của tôi là chúng ta có thể làm việc được cùng với nhau, cùng suy nghĩ và cùng tìm ra một con đường chung.

Yếu tố đầu tiên là sự ổn định chính trị xã hội trong nước. Bất kỳ một quốc gia nào trong giai đoạn phát triển hiện nay đều cần một môi trường vĩ mô ổn định, một nền tảng xã hội vững chắc và đảm bảo làm sao mà mỗi con người đều có thể tiếp cận cơ hội, nguồn lực, phát triển bản thân và dễ dàng tham gia vào những câu chuyện chung của xã hội.

Điều kiện thứ 2 tôi cho rằng không kém phần quan trọng. Đó là người Việt Nam ở trong và ngoài nước đều là những đại sứ thương hiệu. Khi chúng ta ra khỏi biên giới Việt Nam, chúng ta là những đại sứ. Bạn bè quốc tế nhìn vào chúng ta sẽ biết được tinh thần, thế và lực của Việt Nam đến đâu.

Chúng ta xác định sẵn sàng tinh thần vươn lên, một khát khao chung của mỗi người trong tổng thể chung của Việt Nam để tạo thành khát vọng Việt Nam vươn mình ra thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển và thịnh vượng chung của toàn cầu. Tức là trong khát vọng chung của dân tộc có khát vọng riêng của mỗi người.

Thứ 3 là câu chuyện về một “Việt Nam toàn cầu”. Ở đây là chuyện kết nối nguồn lực. Sự kết nối toàn cầu sẽ làm cho Việt Nam tương tác tích cực với rất nhiều đối tác quốc tế, tạo cho chúng ta một lòng tin chiến lược đến từ các đối tác về một “Việt Nam toàn cầu”, một Việt Nam có mặt ở khắp nơi, một Việt Nam sẵn sàng hợp tác, xây dựng các cộng đồng phát triển ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mỗi quốc gia có người Việt Nam xuất hiện thì câu chuyện một “Việt Nam toàn cầu” sẽ giúp chúng ta trở thành trung tâm thu hút các nguồn lực.

Câu chuyện cuối cùng là cá tính của tài năng Việt Nam mà chúng tôi mong muốn nhìn thấy được trong tương lai. Cá tính đấy là sự bền bỉ, khả năng kháng cự bậc cao với tất cả cú sốc bất lợi. Hãy kiên trì làm những câu chuyện tốt của mình và mỗi một ngày chúng ta sẽ tìm cách tiến bộ hơn so với ngày hôm qua.

Với trí tuệ tập thể, với tinh thần một “Việt Nam toàn cầu”, chúng ta có thể tìm ra con đường riêng của mình, con đường riêng của Việt Nam.

TS Đinh Thanh Hương: Tôi nghĩ đầu tiên ý tưởng một “Việt Nam toàn cầu” là tạo ra một “Việt Nam phẳng”, đâu cũng là người Việt, đâu cũng là sứ giả của thương hiệu Việt, đâu cũng là những con người đang đóng góp vào sự phát triển và kết nối Việt Nam ra thế giới, kết nối thế giới với Việt Nam.

Anh Khương nói về sự bền bỉ, kiên trì, không bỏ cuộc nếu nó tạo thành một nét văn hóa thì đó là sự khác biệt cơ bản.

Văn hóa phải được xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng, phát triển và đến từ cả giáo dục. Tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh sự sống còn, bứt phá, trường tồn phải đến từ một chương trình giáo dục dài hạn, đi vào giá trị, kỹ năng của con người. Điều này sẽ quyết định vận mệnh của quốc gia trong tương lai.

TS. Võ Phương Nga

TS. Võ Phương Nga

Thưa TS. Võ Phương Nga, ở vai trò là Giám đốc tài chính và đối tác của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia toàn cầu, bà có thể chia sẻ về những nguồn lực, dự án mà Tổ chức đã và đang thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam?

TS. Võ Phương Nga: Chúng tôi kiên định theo đuổi “think, act và connect”. Thế giới đang đi về vấn đề gì thì chúng tôi cũng cố gắng gắn kết nó với các dự án, hành động hỗ trợ cho Việt Nam, đó là “Think”.

“Act” tức là triển khai bằng các hành động. Chúng tôi xúc tiến và hành động. Chúng ta đề cập tới Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024, rằng những con người ở đây lấy đâu ra năng lượng nhiều đến thế để chia sẻ và cống hiến?

Thật ra mọi việc đến rất là tự nhiên, việc lớn đến từ những việc nhỏ, từ những suy nghĩ nung nấu, từ những điểm chạm, điểm kết nối… tạo ra chất keo để gắn kết.

Về “connect”, hôm nay chúng ta nhắc đến một số khái niệm mới như “lực hấp dẫn”, “phòng thí nghiệm mở”, “quyền lực mềm”… tôi muốn đưa thêm một khái niệm mà tôi rất tâm đắc là “cộng hưởng”. Tôi rất thích câu nói: “Với bất kỳ những người nào giỏi nhất, thông minh nhất thì đều có thể nói rằng không ai trong chúng ta thông minh hơn tất cả chúng ta cộng lại”.

Như vậy trong hành trình kết nối tri thức về một Việt Nam thịnh vượng, con đường và mục tiêu tiếp theo của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu là gì, thưa GS.TS Nguyễn Đức Khương?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Mục tiêu của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu từ ngày thành lập đến giờ không thay đổi. Đó là tinh thần và khát vọng, mong muốn được chung tay, đóng góp sức mình vào sự phát triển chung, bền vững và thịnh vượng ở Việt Nam thông qua kết nối các nguồn lực tri thức, nguồn lực con người và những tài năng Việt khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó là cộng đồng, đồng nghiệp, bạn bè quốc tế.

Đó là sứ mệnh xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu đến thời điểm này. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục con đường đó và tập trung vào 3 từ khóa: Tài năng, đổi mới sáng tạo và bền vững. Các chương trình, dự án đều được thiết kế, cấu trúc dựa trên 3 từ khóa này.

Một tinh thần có tính chất nội bộ hơn để chúng tôi tự động viên nhau, chia sẻ với nhau trong công việc đó là “vượt lên chính mình”.

Kính thưa quý vị!

Ngày 21/5 vừa qua, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 13 năm thành lập.

13 năm - một hành trình, với nhiệt huyệt và sự nỗ lực không ngừng của các thành viên, tổ chức đã đạt được những thành tựu đáng kể trong ba trụ cột phát triển cốt lõi: Tài năng - Đổi mới - Bền vững.

Chúc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu phát triển vững vàng, chinh phục các thử thách để tiếp tục là nơi cung cấp đáng tin cậy các giải pháp tư vấn chiến lược và chính sách thiết thực, là mạng lưới tài năng vững mạnh, và nền tảng hiệu quả để chuyển đổi kiến thức vào sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.

Cảm ơn các khách mời đã chia sẻ những thông tin hữu ích trong cuộc trao đổi hôm nay.

Cảm ơn quý vị đã theo dõi, kính chào và hẹn gặp lại!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dung-noi-toi-luc-hap-dan-hay-dua-viet-nam-tro-thanh-thoi-nam-cham-2283127.html