Để thời kỳ hoàng kim của thị trường cà phê kéo dài

Giá cà phê xuống cực nhanh như lũ cuốn đã làm rất nhiều người còn giữ hàng trở tay không kịp. Nhiều người nháo nhác hỏi liệu giá cà phê có tìm lại đỉnh hay là xong rồi kỳ hoàng kim. Nhưng vấn đề là làm sao để giữ được cái thời cực thịnh này một cách lâu bền?

Ảnh: N.K

Ảnh: N.K

Chỉ trong vòng mươi ngày giao dịch tính đến ngày 10-5-2024, thị trường cà phê thế giới và trong nước chịu một cú sốc mạnh khó lòng tưởng tượng nổi. Đó là giá kỳ hạn cà phê robusta chao đảo từ đỉnh 4.338 xuống đáy 3.261 đô la Mỹ/tấn và nay đang ổn định dần ở vùng 3.440 đô la Mỹ/tấn – mất một lúc hơn 1.000 đô la/tấn. Giá sàn arabica từ 5.410 rớt xuống mức 4.237 đô la/tấn và nay chốt ở mức 4.435 đô la/tấn (201,15 cts/lb). Trong khi giá robusta trong nước đã tạm biệt mức đỉnh 135 triệu đồng để về dưới 100 triệu đồng…

Giải mã đợt giảm giá “vô tiền khoáng hậu”

Trong 10 ngày giao dịch bắt đầu từ ngày 26-4, ngay đầu thềm tháng giao dịch với lời nguyền “sell in May, go away”, giá cà phê robusta trở mặt.

Sau khi đánh giá Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khó có khả năng hạ lãi suất vào tháng 6-2024 như nhiều người tham gia các sàn cà phê đã từng tin, các dữ liệu kinh tế như lạm phát ở Mỹ vẫn kỳ kèo đeo đẵng, lượng người kiếm được công ăn việc làm vẫn ổn, dư luận thị trường về thời gian hạ lãi suất đồng đô la Mỹ chuyển sang tháng 9-2024, có khi qua đến đầu năm 2025.

Với khung lãi suất đồng đô la hiện hành của Fed là 5,25-5,50% thì người đi vay kinh doanh có khi phải trả lãi từ 7-7,5%/năm. Gặp phải giá trị cà phê cao ngất, các nhà đầu tư tài chính không còn cách nào khác là thanh lý sao cho càng nhiều và nhanh các hợp đồng mua khống đã giữ bấy lâu. Cách nay một tháng, lượng hợp đồng mua ròng của nhóm quản lý vốn còn giữ là 441.500 tấn thì đến ngày 7-5-2024 chỉ còn 238.490 tấn. Riêng trong kỳ giá đổ dốc, họ thanh lý đến gần 72.000 tấn. Chính vì thế mà có lúc giá kỳ hạn tháng 7-2024 giảm đến 298 đô la/tấn chỉ trong một phiên giao dịch, và những ngày khác giảm trên cả trăm đô la là chuyện từng thấy.

Giá kỳ hạn giảm được bồi thêm bằng sự hoảng loạn tại thị trường các nước xuất khẩu. Như tại Việt Nam, khi giá kỳ hạn trên 4.000 đô la/tấn, giá xuất khẩu tính trên chênh lệch với giá niêm yết của sàn được ghi nhận cộng thêm 1.600 đô la (4.000+1.600=5.600 đô la/tấn). Nhưng chỉ sau vài cú “thả phanh”, mức chênh lệch này chỉ còn 600 đô la/tấn cộng thêm trên giá niêm yết của sàn. Hạ giá xuất khẩu nhanh, mất đến cả ngàn đô la trong vài ba bữa chứng minh cho thấy giá đột ngột xuống mạnh gây nên cảnh hoảng loạn do ai cũng muốn bán nhiều bán nhanh vì sợ giá còn rớt tiếp.

Trong khi đó, kỳ thu hái robusta tại Brazil và Indonesia tạo thêm sức ép, cộng với một lượng hàng ở Việt Nam muốn bán tháo, đã làm giới đầu tư trên sàn càng nhấn “ga” và hậu quả tính trên giá đóng cửa từ 4.304 xuống 3.440 đô la Mỹ/tấn, giảm 864 đô la/tấn trong một giai đoạn giao dịch hết sức ngắn ngủi.

Thật ra, hiện tượng xả hàng bán tháo của giới đầu tư tài chính trên sàn kỳ hạn không gây ngạc nhiên đối với người làm cà phê. Nhưng điểm bất ngờ lớn nhất của đợt này là giá rớt quá nhanh và thê thảm đến mức làm những người đang ghim hàng chờ giá cao hơn để bán bừng tỉnh mộng nhưng mọi thứ có vẻ đã muộn. Tình huống này vượt khỏi suy nghĩ thông thường về một kịch bản tiêu cực(*) được kỳ vọng là giá sẽ “hạ cánh mềm”.

Để thời hoàng kim dài hơn

Thị trường hàng hóa nói chung, cà phê nói riêng hiện nay đang đòi hỏi những cách nhìn, nhận định vượt khỏi tầm của các con số sản lượng, yếu tố cung – cầu. Thông tin “được mùa, mất mùa” đôi khi chỉ giúp tạo nên tâm lý thị trường như thiên về đầu cơ giá lên, tạo áp lực bán nếu ai đó thích giá xuống.

Đặc biệt là nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chủ yếu nằm trong tay lực lượng sản xuất nhỏ, manh mún, nên lòng mong chờ giá lên cao và cao hơn nữa có thể góp phần tạo nên những cơn “huyết áp đầu cơ” mà hệ quả là chuỗi cung ứng xuất khẩu có thể bị đứt gãy thất thường hay tê liệt từng giai đoạn như trong thời giá cà phê tăng một hơi không nghỉ từ 2.600 lên đến trên 4.300 đô la/tấn từ đầu năm đến cuối tháng 4-2024.

Biết là “cơ chế thị trường”, lời ăn lỗ chịu. Nhưng qua đợt sốt khi tăng, hoảng loạn khi giá cà phê giảm cho thấy không thể than trách “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, hay kêu gọi các bên tham gia thị trường như nhà vườn, thương lái, kể cả nhà xuất khẩu chuyên nghiệp ngồi lại với nhau để bàn phương hướng, để cùng nhau hành động… Đó toàn là chuyện lý tưởng, không phù hợp thực tế.

Cốt lõi có lẽ là phần điều hành, mà quan trọng nhất là điều hành vốn và tín dụng cho các ngành hàng chiến lược như lúa gạo, cà phê… Tại hầu hết các nước sản xuất cà phê được cho là mặt hàng quan trọng và chiến lược như Brazil, Colombia… cứ mỗi niên vụ, ngân hàng trung ương đều xuất một hạn ngạch tín dụng lên đến hàng ngàn tỉ đồng nội tệ (của nước liên quan) để bảo đảm việc thu mua, chế biến và xuất khẩu, duy trì ổn định phần nào chuỗi cung ứng của ngành hàng. Sau đó, ngân hàng trung ương ký cam kết từng phần của hạn ngạch tổng với các ngân hàng thương mại có quan tâm cho vay hàng cà phê xuất khẩu chứ không “thả nổi” theo kiểu thích thì cho vay, không thích thì bó lại như kiểu của một số ngân hàng thương mại hiện nay đối với các mặt hàng nông sản chiến lược tại nước ta.

Nếu nhìn trên sàn kỳ hạn, giá tăng hay giảm đều có phần điều hành chính sách tiền tệ từ Fed. Sở dĩ giá cà phê leo thang trên thị trường nội địa từ đầu niên vụ 2023-2024 đến hết tháng 4-2024 mà nhiều nhà xuất khẩu chuyên nghiệp không ghìm được, có thể nói do nguồn vốn, tín dụng thu mua không đủ, không kịp thời, người kinh doanh chuyên nghiệp không quản được giá mà giá nằm trong tay những nhà đầu cơ nhỏ lẻ. Có thể những người này giữ một lượng hàng thực không nhiều, nhưng biết sử dụng tốt công cụ tài chính để lèo lái giá, cho giá leo thẳng đứng vì lợi nhuận mà bất cần đến chuyện lợi hay hại cho chuỗi cung ứng kể cả uy tín ngành hàng đối với thị trường cà phê thế giới.

Cà phê, lúa gạo, cao su, ca cao… không phải là những mặt hàng nông sản như trái cam quả quít. Chúng liên quan mật thiết với các sàn tài chính, kỳ hạn, góp phần và kích thích để xây dựng nền kinh tế thị trường, nên chúng cần được bảo đảm và bảo kê bằng các đường lối, chính sách, chương trình tín dụng tiên phong và minh bạch.

Nên, từ đây, có ai hỏi vì sao mặt hàng nông sản này tắt, thứ kia bán chạy, thì chớ vội trả lời “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”… mà nên quay sang hỏi ngân hàng đã áp dụng chính sách tín dụng hàng năm cho ngành hàng được xem là chủ đạo đủ chưa, hợp lý chưa, nhà xuất khẩu có đủ tiền thu mua nhằm khắc chế phần nào các loại đầu cơ, ổn định xuất khẩu và giữ uy tín thương hiệu mặt hàng để được làm tròn vai với tư cách là thành phần tham gia vào nền kinh tế hàng hóa và kinh tế thị trường.

(*) Vài kịch bản cho thị trường cà phê (https://thesaigontimes.vn/vai-kich-ban-cho-thi-truong-ca-phe)

Nguyễn Quang Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-thoi-ky-hoang-kim-cua-thi-truong-ca-phe-keo-dai/