Tiêm kích F/A-18 Super Hornet giúp Mỹ đối phó đòn tập kích của Houthi

Chuyên gia quân sự thế giới nhận định, tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet đã giúp hải quân Mỹ đánh chặn hiệu quả các loại tên lửa, UAV do lực lượng Houthi phóng vào tàu hàng trên khu vực Biển Đỏ.

Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan phụ trách tác chiến tại Trung Đông của Lầu Năm Góc, hôm 26/12 thông báo đã đánh chặn loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của lực lượng Houthi nhắm vào tàu hàng ở Biển Đỏ.

"Khí tài Mỹ, bao gồm tàu khu trục USS Laboon và tiêm kích F/A-18 Super Hornet thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D. Eisenhower, đã bắn hạ 12 UAV tự sát, ba tên lửa đạn đạo diệt hạm và hai tên lửa hành trình tấn công mặt đất", CENTCOM cho biết.

Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai tiêm kích để đánh chặn UAV của Houthi ở Biển Đỏ từ sau khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát hôm 7/10.

Mỹ trước đó chủ yếu đánh chặn UAV của nhóm vũ trang bằng vũ khí phòng không trên tàu khu trục.

Đây dường như là lần thứ hai tiêm kích đa năng F/A-18 Super Hornet tiêu diệt mục tiêu trên không kể từ khi được biên chế, sau lần bắn hạ chiến đấu cơ Su-22 của Syria năm 2007.

Dù chưa thể hiện nhiều năng lực không đối không, tuy nhiên tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet sở hữu các tính năng đặc biệt để bắn hạ tên lửa hành trình và UAV.

Vì thế tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet có thể là vũ khí hữu hiệu để lực lượng Mỹ đánh chặn các đòn tập kích của Houthi ở Biển Đỏ, theo chuyên gia quân sự Tyler Rogoway.

"Hệ thống AN/APG-79 trên tiêm kích F/A-18 Super Hornet là radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) tiên tiến bậc nhất hiện nay, chúng có khả năng phát hiện, bám bắt và hỗ trợ tấn công các mục tiêu nhỏ, bay thấp như tên lửa hành trình và UAV", ông Tyler Rogoway cho biết.

F/A-18 Super Hornet cũng được trang bị hệ thống chỉ thị mục tiêu (ATFLIR) AN/ASQ-228, LITENING, cho phép phi công có thể quan sát mối đe dọa từ khoảng cách rất xa, cũng như phân biệt địch - ta rất rõ.

Công nghệ này có thể giúp lực lượng Mỹ nhận biết loại UAV, tên lửa mà nhóm Houthi sử dụng để tập kích tàu hàng ở Biển Đỏ, cũng như mục tiêu cụ thể mà nhóm nhắm tới, qua đó lên phương án để đối phó.

Vẫn theo chuyên gia Rogoway, tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet có thể được gắn hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại (IRST).

Đây là cụm cảm biến gắn ngoài, vận hành theo nguyên lý thụ động, không phát tín hiệu đánh động mục tiêu.

Nó xác định tín hiệu nhiệt từ động cơ máy bay đối phương, rất hữu ích cho việc phát hiện phi cơ tàng hình, vốn khó bị bám bắt bởi radar.

Chuyên gia Rogoway cho rằng IRST cũng có "giá trị cao" trong việc nhận diện các mục tiêu nhỏ như UAV, tên lửa hành trình, song không rõ phi đội F/A-18 Super Hornet của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower có được trang bị hệ thống này hay không.

Về vũ khí, F/A-18 Super Hornet có thể mang theo pháo 20 mm, tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, tên lửa đối đất AGM-65 Maverick và AGM-84E SLAM, tên lửa chống hạm AGM-84D Harpoon và tên lửa diệt radar AGM-88 HARM, cùng hàng loạt mẫu bom thông thường và dẫn đường.

Tên lửa AIM-120 VÀ AIM-9X Sidewinder đều có khả năng đối phó với tên lửa hành trình và UAV.

Không quân Arab Saudi những năm gần đây đã sử dụng tên lửa AIM-120 để bắn hạ hàng loạt UAV tự sát của Houthi.

Tên lửa AIM-120 đã chứng minh được hiệu quả trong việc đánh chặn UAV, vật thể có diện tích phản xạ radar nhỏ.

Chuyên gia Rogoway cho rằng điểm nổi bật nhất của F/A-18 Super Hornet là năng lực kết nối thông tin.

Tiêm kích này có thể tiếp nhận, chia sẻ thông tin về mục tiêu cần đánh chặn với lá chắn tên lửa Aegis trên đội tàu của nhóm tác chiến USS Dwight D. Eisenhower, hoặc với máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye.

F/A-18E/F Super Hornet là loại máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay, bắt đầu biên chế cho Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1999.

F/A-18 Super Hornet là một phiên bản có kích thước lớn và hiện đại hơn được phát triển từ F/A-18C/D Hornet.

Tiêm kích hạm này được Hải quân Mỹ đặt mua của hãng McDonnell Douglas vào năm 1992, nó bay lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1995, hạ cánh lần đầu tiên trên tàu sân bay vào năm 1997.

F/A-18 Super Hornet đi vào hoạt động chính thức vào năm 1999 với hai biến thể E một chỗ ngồi và F hai chỗ ngồi để thay thế cho tiêm kích hạm F-14 Tomcat.

Máy bay được thiết kế với chiều dài: 18.31m; Sải cánh: 13.62m; Chiều cao: 4.88m. Trọng lượng cất cánh tối đa của F/A-18 Super Hornet lên tới 30 tấn.

Máy bay được trang bị động cơ F414-GE-400 với lực đẩy đốt sau lên tới 98 kN. Hai động cơ cực khỏe này giúp F-18 Super Hornet có thể bay với vận tốc Mach 1.6. Tầm bay lên tới 2346 km.

Về hỏa lực, F/A-18 Super Hornet sở hữu kho vũ khí khổng lồ, với 11 giá treo trên cánh và giữa thân, cho phép F-18 mang tải trọng 8 tấn vũ khí bên ngoài.

Nó có thể sử dụng được nhiều loại bom, tên lửa cho đủ các nhiệm vụ đối không, đối hải và đối đất, tác chiến điện tử…

Máy bay cũng được trang bị hệ thống đối kháng tổng hợp (IDECM) gồm hệ thống phòng vệ chống tên lửa, có khả năng phóng mồi bẫy ALE-47, ALE-50; radar cảnh báo AN/ALR67V3 và hệ thống gây nhiễu ALQ-65 hoặc ALQ-71; hệ thống thông tin số liệu chuẩn Link 16…

Hiện đây vẫn là máy bay tiêm kích hạm thành công nhất thế giới. Ngoài Mỹ còn có một số quốc gia khác cũng đang sử dụng loại máy bay này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-fa-18-super-hornet-giup-my-doi-pho-don-tap-kich-cua-houthi-post563056.antd