Nghịch lý ở thành phố cô lập với thế giới nhưng súng và ma túy vẫn tràn lan

Trong hơn 2 tháng qua, Thủ đô Port-au-Prince của Haiti đã bị cô lập với thế giới, cảng biển và sân bay quốc tế của thành phố này cũng đóng cửa sau loạt vụ tấn công của băng đảng. Nhưng súng, đạn và ma túy vẫn tiếp tục tràn đến quốc gia đang bị bao vây này, phần lớn vũ khí đều có nguồn gốc từ Mỹ.

Các băng đảng Haiti kiểm soát nhiều khu vực kho bãi và cảng biển để dễ dàng nhập khẩu súng đạn từ nước ngoài

Các băng đảng Haiti kiểm soát nhiều khu vực kho bãi và cảng biển để dễ dàng nhập khẩu súng đạn từ nước ngoài

Giữa bao vây cấm vận

Trong khu vực Caribe, bao quanh Haiti là một vành đai khép kín do các nước láng giềng tạo ra. Cộng hòa Dominica đã phong tỏa biên giới và không phận chung với Haiti; Hải quân Bahamas cũng ngăn chặn người Haiti bỏ trốn khỏi cuộc khủng hoảng bằng thuyền; bang Florida của Mỹ đã tăng cường tuần tra trên biển và trên không. Ngay tại Thủ đô Port-au-Prince, tất cả các con đường chính đều bị chặn bởi các trạm kiểm soát của băng đảng. Hầu hết người dân luôn trong tình trạng thiếu thốn thực phẩm và thuốc men cần thiết. Thế nhưng, súng đạn và ma túy vẫn tiếp vượt qua vùng biển và vùng trời quốc tế để vào Haiti.

“Haiti không sản xuất súng và đạn dược, tuy nhiên các thành viên băng đảng dường như không gặp khó khăn gì khi tiếp cận những thứ đó”, ông Pierre Esperance, Giám đốc điều hành Mạng lưới bảo vệ nhân quyền quốc gia của Haiti cho biết. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, kể từ đầu năm đến nay, hàng nghìn người Haiti đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến băng đảng và hàng trăm người bị bắt cóc, trong đó có ít nhất 21 trẻ em. Theo cảnh sát và các chuyên gia nhân quyền, thực trạng đó có thể giảm nếu ngăn chặn được dòng chảy của vũ khí vào Haiti. “Chúng ta phải cắt đứt đường cung cấp vũ khí của các băng đảng. Đây chắc chắn là điều quan trọng nhất hiện nay”, nguồn tin cảnh sát cho biết.

18 tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Haiti, cấm xuất khẩu vũ khí cho bất kỳ ai ở nước này, ngoại trừ chính phủ. Mỹ cũng đã thực hiện các bước độc lập để trấn áp hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp, bổ nhiệm một điều phối viên khu vực Caribe để giám sát việc này và một đơn vị đặc biệt để điều tra tội phạm xuyên quốc gia ở Haiti.

Tuy nhiên, vào tháng 1-2024, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã cảnh báo rằng, súng và đạn dược xuất khẩu sang Haiti “thường xuyên được đưa vào các chuyến hàng gửi đi tại các nhà kho gần cảng biển và sân bay” ở Florida. Và trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc bổ sung kho vũ khí cho các băng đảng dễ dàng hơn bao giờ hết, vì giờ đây chúng kiểm soát các tuyến đường và cơ sở hạ tầng chính.

Dòng chảy của vũ khí và ma túy

Qua phân tích của các chuyên gia của Liên hợp quốc, các loại súng mà các băng nhóm Haiti sử dụng là súng ăn trộm và buôn lậu, có nguồn gốc từ Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Czech, Brazil và phần lớn là từ Mỹ. Tất cả đều là một phần của hiện tượng mà các chuyên gia ở Mỹ Latinh và Caribe gọi là “dòng sông sắt” - làn sóng súng được mua ở các bang của Mỹ với luật lỏng lẻo, sau đó chuyển khắp khu vực cho các nhóm tội phạm. Tương tự, Chính phủ Mexico hiện đang có một vụ kiện đòi bồi thường 10 tỷ USD chống lại một số nhà sản xuất súng của Mỹ có sản phẩm hỗ trợ các tập đoàn ma túy nước này.

Đường biển và đường hàng không là phương tiện vận chuyển chính cho những kẻ buôn lậu súng và ma túy ở Haiti. Dù chính quyền Haiti đã đạt được một số thành công trong việc thu giữ hàng hóa bất hợp pháp trong những năm qua, nhưng địa hình phức tạp gây thêm khó khăn cho lực lượng cảnh sát và cơ quan hải quan vốn đã thiếu nhân lực. Báo cáo của UNODC vào tháng 4-2024 cho biết, miền nam Haiti đã nổi lên như một địa điểm chiến lược cho những kẻ buôn lậu để trung chuyển cocaine từ Nam Mỹ, cần sa từ Jamaica và súng từ khắp khu vực. Phương tiện phổ biến để vận chuyển các sản phẩm bất hợp pháp đó là “xuồng chuối”, phóng nhanh vào ban đêm, đổ bộ vào các đồn điền trồng chuối ven biển và sau đó bị phá hủy sau khi dỡ hàng xuống.

Buôn lậu ma túy và vũ khí đã có lịch sử từ lâu ở Haiti, khi phần lớn hoạt động này được các cơ quan chính phủ tạo điều kiện thông qua các kênh chính thức. Thậm chí, 4 cựu Thượng nghị sĩ Haiti đã bị Mỹ xét xử vì cáo buộc buôn bán ma túy, cũng như nhiều Tổng thống và Thủ tướng trước đây của Haiti bị cáo buộc tài trợ cho các băng đảng. Vì lẽ đó, kế hoạch triển khai lực lượng cảnh sát quốc tế để khôi phục lại sự bình yên cho Haiti chỉ thành công khi chính quyền mới phải xây dựng được khuôn khổ quản trị tốt, thu hẹp các lỗ hổng pháp lý và chống tham nhũng. “Đã đến lúc người dân Haiti phải được sống trong hòa bình để con cái họ trở lại trường học và có cơm ăn hàng ngày. Điều đó có nghĩa là phải đảm bảo rằng chính quyền quốc gia được đào tạo bài bản, trang bị tốt, sẵn sàng đối mặt và kiềm chế mức độ bạo lực”, bà Sylvie Bertrand, đại diện khu vực của UNODC nói.

Theo CNN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghich-ly-o-thanh-pho-co-lap-voi-the-gioi-nhung-sung-va-ma-tuy-van-tran-lan-post576381.antd