Toan tính lâu dài

Cùng với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5, toàn bộ Chính phủ Nga từ chức.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Quy trình pháp lý thông thường phải như vậy. Ông Putin thành lập chính phủ mới và trên thực tế chỉ có một sự thay đổi nhân sự đáng được chú ý đến nhất.

Đó là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, từ năm 2012, được điều chuyển đi làm Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia, nhường chỗ cho Phó Thủ tướng Andrey Belousov. Cả hai người này đều thuộc diện cộng sự thân cận nhất của Tổng thống Putin.

Trong Hội đồng An ninh quốc gia, ông Shoigu sẽ phụ trách mảng công nghiệp - quân sự của nước Nga. Ông Belousov từng có thời làm Bộ trưởng kinh tế Nga. Cho nên việc ông Putin thay bộ trưởng quốc phòng như thế hoàn toàn không phải vì ông Shoigu bị thất sủng, hay ông này phải chịu trách nhiệm về những mục tiêu không được như Tổng thống Putin mong đợi.

Tuy nhiên, sự bố trí lại nhân sự nói trên đương nhiên liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine nhưng nó không đơn thuần chỉ có như thế. Sự thay đổi này là Nga muốn có sự chuẩn bị nền kinh tế và ngành quân sự - quốc phòng cũng như dư luận xã hội cho cuộc chiến lâu dài ở Ukraine và cuộc đối địch trường kỳ với các địch thủ trong khối phương Tây.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng xác định trọng tâm cầm quyền trong nhiệm kỳ tổng thống Nga thứ 5 với chú trọng vào cấu trúc lại sự phát triển kinh tế - xã hội để vừa phát triển vừa phục vụ chiến tranh trong bối cảnh tình hình đất nước có chiến tranh và bị khối phương Tây tìm mọi cách cô lập và trừng phạt. Ở đây, ông Putin xem ra toan tính cho lâu dài chứ không phải nhằm vào thời gian trước mắt.

Điều này không có gì là khó hiểu. Những địch thủ của ông Putin đều bắt đầu trù liệu và chuẩn bị đối phó với nhiệm kỳ 6 năm tới và thậm chí còn cả đến năm 2036.

Mỹ, EU, NATO và các nước khác trong khối phương Tây hiện cho thấy quyết tâm đổ tiền của, vũ khí và bom đạn ra cho Ukraine, bằng mọi giá không để cho ông Putin chiến thắng ở Ukraine.

Một số thành viên NATO thậm chí còn đã sẵn sàng đưa binh lính sang tham chiến trực tiếp ở Ukraine. Ngoài ra, phe này sẽ còn tiếp tục gia tăng mức độ và phạm vi những biện pháp chính sách trừng phạt Nga.

Để ứng phó hiệu quả thì ông Putin phải thay đổi định hướng và cách vận hành nền kinh tế và kinh tế đối ngoại của Nga, đồng thời phải hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả thiết thực của nền công nghiệp quân sự - quốc phòng cũng như bộ máy, cơ cấu quân sự và quốc phòng của Nga.

Tổng thống Putin vẫn bố trí cộng sự thân cận và tin cậy vào những cương vị quyền lực chủ chốt nhưng để cho một người không phải là tướng lĩnh quân đội đảm trách cương vị bộ trưởng quốc phòng.

Sự thay đổi nhân sự này chắc chắn là toan tính của ông Putin từ những bài học và kết luận rút ra được sau hơn hai năm chiến tranh ở Ukraine và đối địch với khối phương Tây.

Cho dù sự thay đổi nhân sự này đặc biệt và đáng được chú ý đến mức độ nào thì nó cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến chủ định chung của ông Putin là thành lập chính phủ mới cho nhiệm kỳ cầm quyền mới nhưng vẫn bảo tồn được sự ổn định. Đa số thành viên trong chính phủ cũ vẫn tại nhiệm, trong đó đặc biệt có Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov.

Phù Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/toan-tinh-lau-dai-post683157.html