Thị trường hồi phục chỉ mang tính chất kỹ thuật?

Thanh khoản giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy dòng tiền có nỗ lực hỗ trợ và hấp thu nguồn cung ở vùng giá thấp. Tín hiệu hỗ trợ hiện tại có thể giúp thị trường tiếp tục diễn biến hồi phục trong thời gian gần tới...

Sau diễn biến giảm nhanh, mạnh bất ngờ cuối phiên trước, VN-Index trong phiên giao dịch ngày 16/4 phục hồi nhẹ trong phiên sáng lên vùng 1.220 điểm. Áp lực bán sau đó tiếp tục gia tăng mạnh đến từ nhu cầu giảm tỷ trọng đầu cơ, margin... dẫn đến VN-Index giảm về vùng 1.192 điểm, dưới vùng giá hỗ trợ mạnh 1.200 - 1.211 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018.

Lực cầu ngắn hạn có xu hướng gia tăng trở lại trong phiên chiều kéo VN-Index phục hồi trở lại. Kết phiên VN-Index giảm 0,93 điểm (-0,93%) về mức 1.215,68 điểm, duy trì trên vùng giá tâm lý 1.200 điểm dưới ảnh hưởng phục hồi tốt hơn của VN30.

HNX-Index giảm 0,88 điểm (-0,38%) về mức 228,83 điểm. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch vẫn tiêu cực khi có 490 mã giảm giá (16 mã giảm sàn), 207 mã tăng giá (7 mã tăng trần) và 103 mã giữ giá tham chiếu.

Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 32.976,99 tỷ đồng, giảm 10,98% so với phiên trước, vượt mức trung bình. Áp lực bán vẫn mạnh đột biến ở rất nhiều mã, trong khi các mã đa số phục hồi kém, thanh khoản giảm khi phục hồi.

Khối ngoại gia tăng giao dịch, mua ròng nhẹ trong phiên hôm nay trên HOSE với giá trị 63,59 tỷ đồng; mua ròng trên HNX với giá trị 29,95 tỷ đồng, tập trung nhiều ở cổ phiếu IDC và SHS.

Với diễn biến phục hồi tốt của VN30 trong đó các cổ phiếu ngân hàng có mức độ phục hồi tốt sau phiên giảm mạnh, thanh khoản suy giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình như LPB (+4,01%), BVB (+2,83%), TCB (+2,48%), MBB (+2,14%)... ngoài các mã vẫn chịu áp lực điều chỉnh như NVB (-5,00%), OCB (-2,85%), MSB (-1,45%)...

Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán một số mã cũng phục hồi tương đối tốt sau phiên giảm mạnh hết biên độ trước, mức độ phân hóa mạnh, thanh khoản vẫn duy trì vượt mức trung bình như CTS (+5,44%), CSI (+2,96%), MBS (+2,15%)... trong khi đa số vẫn chịu áp lực điều chỉnh với IVS (-7,38%), TCI (-5,91%), PSI (-4,88%), VDS (-3,67%)...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có mức độ phục hồi mạnh khi đa số có những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý 1/2024, giá dầu vẫn duy trì ở mức cao như PVT (+4,58%), PVC (+2,70%), PVS (+2,57%), PVP (+2,42%).... ngoài PSH (-6,99%), POS (-6,51%), CNG (-3,18%)...

Trong khi đó các cổ phiếu bất động sản đa số vẫn tiếp tục chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản đột biến kém tích cực như ASM (-6,20%), NHA (-6,05%), ITC (-5,14%), NVL (-4,55%).... ngoài QCG (+4,33%), NTL (+2,89%), HDC (+2,30%)... phục hồi khá tích cực.

Chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Tránh mua đuổi khi thị trường tăng điểm Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Đóng cửa là một thân nến rút chân với thanh khoản ở mức cao sau khi đã thủng mốc 1.200 điểm. Điều này cho thấy lực cầu vào khá mạnh khi VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ kỳ vọng 1.180-1.200 điểm.

Mặc dù vậy, tín hiệu đảo chiều tăng điểm chưa được xác nhận nên chúng ta tiếp tục thận trọng trong chiều hướng mua mới, đặc biệt tránh mua đuổi trong phiên tiếp theo khi thị trường chung tăng điểm.

Chúng tôi khuyến nghị mở vị thế mua trong phiên hôm nay khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ trên sau nhiều tuần đứng ngoài quan sát.

Việc mua thăm dò cần chờ cổ phiếu về tài khoản để xác định vị thế lợi nhuận nên việc mở thêm vị thế mua mới cần thận trọng và chỉ nên thực hiện khi VN-Index điều chỉnh tiếp về quanh vùng hỗ trợ 1.180 điểm.

Hồi phục trong phiên kế tiếp Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm chứng lại vùng 1.230 – 1.235 điểm trong những phiên giao dịch tới. Đồng thời, kỳ vọng thị trường sẽ còn xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật trong những phiên giao dịch tới, đặc biệt chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn đang trong trạng thái bi quan quá mức. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao trong phiên tăng cho thấy cầu giá thấp tỏ ra khá tích cực.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng bán ở giai đoạn này và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp. Đồng thời, nếu nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao và chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

Nhịp hồi phục mang tính chất kỹ thuật Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường được hỗ trợ và hồi phục trở lại sau trạng thái quá bán dưới ngưỡng 1.200 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy dòng tiền có nỗ lực hỗ trợ và hấp thu nguồn cung ở vùng giá thấp. Tín hiệu hỗ trợ hiện tại có thể giúp thị trường tiếp tục diễn biến hồi phục trong thời gian gần tới.

Tuy nhiên, tạm thời nhịp hồi phục này đang mang tính chất kỹ thuật và kiểm tra lại nguồn cung, vùng cản cần lưu ý là vùng 1.240 điểm.

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng hồi phục của thị trường nhưng vẫn cần thận trọng do rủi ro vẫn còn tiềm ẩn. Hiện tại nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ, đồng thời tiếp tục cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Áp lực điều chỉnh gia tăng trở lại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số hình thành mẫu nến “Dragonfly doji” cho thấy lực cầu đã có phản ứng trở lại, nỗ lực đẩy giá về sát ngưỡng tham chiếu dưới áp lực bán lớn trên nhóm Mid Cap, đưa trạng thái thị trường bớt tiêu cực hơn. Mặc dù vậy, sự phục hồi vẫn còn tương đối phân hóa và nhiều khả năng áp lực điều chỉnh sẽ gia tăng trở lại quanh kháng cự gần 1,22x.

Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế mua mới đối với các vị thế đang nắm giữ, ưu tiên quản trị rủi ro và bán giảm vị thế, cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục sớm.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Bảo Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/thi-truong-hoi-phuc-chi-mang-tinh-chat-ky-thuat-post551617.html