Nhiều 'ông lớn' công nghệ rót hàng tỷ USD vào Việt Nam

Thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam có chiều hướng tăng lên, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao với nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD. Việt Nam đang trở thành cái tên gây chú ý với những 'ông lớn' công nghệ trên thế giới.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tài chính, giáo dục, trí tuệ nhân tạo dẫn đầu

Năm 2013, từ chỗ chỉ có vài thương vụ đầu tư với tổng giá trị khoảng 10 triệu USD, số vốn FDI bắt đầu tăng mạnh ở các năm tiếp theo. Đáng kể đến nhất là giai đoạn từ năm 20219 và đạt đỉnh vào năm 2021 với 165 thương vụ tổng giá trị lên tới 1,442 tỷ USD.

Nhìn vào con số này có thể thấy trong 10 năm qua, hoạt động đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, FDI rót vào Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại, nhất là trong 2 năm vừa qua khi bối cảnh kinh tế toàn cầu bấp bênh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ đã giảm 13%, chỉ đạt 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ hơn ở mức giảm mạnh 40% trong số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận.

Theo Giám đốc điều hành của Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy: “Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với cả nền kinh tế nội địa và toàn cầu hiện nay, việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư rất thận trọng với quyết định giải ngân. Khi đánh giá một công ty, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến bài toán đơn vị kinh tế thay vì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt với các công ty ở giai đoạn đầu”.

Nhận xét về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2024, đại diện của Quỹ đầu tư AVV Nguyễn Ngọc Hương Thảo cho rằng, nước ta vẫn là một thị trường còn non trẻ, vì vậy tất cả các ngành đều mở ra nhiều cơ hội cho startup phát triển và thu hút vốn đầu tư.

Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới có 405 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% về số dự án và gấp hơn 2 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2023.

Kết quả này đã cho thấy, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên. Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư của cả khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Hương Thảo, các startup không nên chủ quan, cần cẩn trọng tìm hiểu kỹ hơn những lĩnh vực mà các quỹ đầu tư hướng đến và ưu tiên.

Phải kể đến công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, cũng như các startup sử dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa các ngành truyền thống, đều là những mảng tiềm năng sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các quỹ đầu tư trong năm 2024 và cả trong thời gian tới.

Ngoài vấn đề nêu trên, các startup còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất định trong năm nay. Theo Giám đốc quốc gia của Genesia Ventures Vietnam Hoàng Thị Kim Dung, startup cần phải tối ưu chi phí và đa dạng hóa các nguồn thu, để đảm bảo dòng tiền của DN. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải tập trung vào sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục khách hàng tới và ở lại sử dụng, thay vì theo đuổi chiến lược “đốt tiền” để có được khách hàng bằng mọi giá.

Dự án xanh, sạch, có hàm lượng công nghệ cao là xu hướng

Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) Lê Hữu Quang Huy chia sẻ, FDI đầu tư vào Việt Nam cũng xuất hiện xu thế mới, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn.

Tiêu biểu là hàng loạt các dự án FDI chất lượng cao như: sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip đã tới đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor, đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10 năm ngoái.

Trước đó 1 tháng, Hana Micron Vina (DN sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác của Hàn Quốc) cũng chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Lãnh đạo Hana Micron Vina cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Tại Hải Phòng, tháng 6/2023, TP này đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD, để xây dựng nhà máy V3 sản xuất modul camera xuất khẩu; tạo thêm 2.600 việc làm cho người lao động, lợi nhuận dự kiến đạt 400 triệu USD/năm và nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm. Tập đoàn LG là nhà đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn FDI toàn TP (tính tới thời điểm giữa năm 2023).

Có thể thấy, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước, hạ tầng xã hội và đặc biệt là nhân lực nội địa chất lượng cao.

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-ong-lon-cong-nghe-rot-hang-ty-usd-vao-viet-nam.html