Thay van tim qua da cho cụ ông 83 tuổi

Cụ ông 83 tuổi bị hẹp van tim nặng buộc phải can thiệp phẫu thuật nhưng do tuổi cao, sức khỏe kém không thể mổ hở.

Cụ ông 83 tuổi được các bác sĩ can thiệp thay van tim qua da giúp tránh biến chứng, nhanh hồi phục

Chiều 21-12, Bệnh viện Pháp – Việt (FV) TP HCM cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật thành công phương pháp thay van động mạch chủ qua da (TAVI) cho cụ ông N.V.H (83 tuổi, ngụ TP HCM) bị hẹp van tim nặng.

Theo bệnh sử, ông H. từng đặt stent. Tuy nhiên, khoảng 4 tháng nay, ông bị khó thở, tức ngực, di chuyển, sinh hoạt khó khăn. Do đó, ông đến Bệnh viện FV thăm khám.

Tại bệnh viện, sau thăm khám cùng các kết quả xét nghiệm cho thấy van động mạch chủ của bệnh nhân bị hẹp rất nặng, can thiệp bằng thuốc không còn đáp ứng nữa.

TS-BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch Bệnh viện FV, cho biết trường hợp này bệnh nhân cần phải thay van tim mới có thể giữ được tính mạng. Phương pháp an toàn nhất đối với ca bệnh này là can thiệp thay van tim bằng kỹ thuật TAVI, vì tiên lượng tỉ lệ tử vong cao nếu chọn phương pháp mổ hở.

Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng, ekip tim mạch của bệnh viện cùng sự hỗ trợ của bác sĩ Datuk Rosli Mohd Ali - cựu Giám đốc Trung tâm Tim mạch quốc gia Malaysia, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện CVSKL Kuala Lumpur.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ dùng ống thông nhỏ để đưa một van mới tới tim thông qua một động mạch ở chân, thay thế van động mạch chủ tự nhiên của bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm tim và hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) tiên tiến. 3 ngày sau phẫu thuật, ông H. đã tự đi lại, tập thể dục như bình thường và có thể xuất viện.

Theo bác sĩ Tuấn, hẹp van động mạch chủ là tình trạng van tim không thể mở ra hoàn toàn, gây cản trở lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể. Đây là một bệnh lý tim mạch phổ biến, chiếm khoảng 2-5% ở người từ 65 tuổi trở lên và 30% người trên 75 tuổi. Bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ có nguy cơ tử vong sau 1 năm lên tới 40% nếu như không được can thiệp thay van nhân tạo.

Trước đây, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh hẹp van động mạch chủ là phẫu thuật tim hở: bệnh nhân được mở ngực, dừng tim, sau đó các bác sĩ sẽ thay thế van động mạch chủ tự nhiên bằng một van nhân tạo. Tuy nhiên, với phương pháp TAVI chỉ cần gây tê tại chỗ và can thiệp qua da, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị và hồi phục cho bệnh nhân, tránh nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết, hoặc suy tim… Đặc biệt, với người lớn tuổi, nhiều bệnh nền, không thể thực hiện bằng phương pháp thay van tim truyền thống.

Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thay-van-tim-qua-da-cho-cu-ong-u80-196231221161542935.htm