Tăng năng suất để giảm giờ làm

Xu hướng của các quốc gia trên thế giới là giảm giờ làm, tuy nhiên ở Việt Nam, thu nhập của người lao động phụ thuộc chủ yếu vào năng suất lao động. Do đó, giảm giờ làm sẽ kéo theo giảm thu nhập của người lao động.

Công nhân may Tập đoàn may mặc TAL Vĩnh Phúc. Ảnh: Anh Dũng.

Công nhân muốn làm thêm giờ

“Chúng tôi muốn giảm giờ làm nhưng lại lo thu nhập thấp” - đây là chia sẻ của nhiều công nhân khi được hỏi về việc có nên siết, giảm giờ làm thêm hay không.

Bày tỏ quan điểm của mình, chị Lê Thị Tân, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, chị làm ở khu công nghiệp mỗi ngày 8 giờ đồng hồ, tuần làm 6 ngày, được nghỉ duy nhất Chủ nhật. Thời gian làm việc khá áp lực nhưng chị Tân vẫn có nguyện vọng được làm thêm. “Tôi làm ở bộ phận may hoàn thiện nên mỗi ngày đi làm hầu như chỉ một tư thế ngồi và phải rất tập trung vào máy may, chỉ cần chút sơ sẩy là sẽ làm lỗi sản phẩm, khi đó sẽ bị trừ vào chi phí ngày công. Thế nên mỗi ngày đi làm tôi đều phải căng mình ra để làm việc. Dù mệt mỏi, muốn được giảm giờ làm nhưng do thu nhập chỉ 8 triệu đồng/tháng, nên tôi vẫn gắng đi làm thêm mỗi khi có việc để trang trải cuộc sống” - chị Tân giãi bày.

Cũng vì áp lực cuộc sống nên trung bình mỗi tuần anh Lê Đại Nghĩa - công nhân cơ khí khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội phải làm từ 50 đến 60 giờ/tuần. Là công nhân cơ khí lại có tay nghề nên thu nhập của anh Nghĩa thuộc top cao ở công ty với mức 15 - 20 triệu đồng/tháng. “Mức thu nhập này cộng với thu nhập của vợ thì cũng đủ lo việc học hành, sinh hoạt cho 2 đứa con. Tuy nhiên, để có được căn hộ thu nhập thấp tại Hà Nội tôi buộc phải làm thêm. Có đi thuê nhà mới thấu nỗi khổ chạy đôn đáo xin học cho con vì không có hộ khẩu thường trú” - anh Nghĩa chia sẻ.

Số liệu từ các cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và một số tổ chức khác cho thấy, ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động rất lớn. Ví dụ như: mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. Tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn người lao động không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái sản xuất sức lao động…

Xuất phát từ thực tế này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kiến nghị giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần theo Nghị quyết số 101/2019 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tại Khoản 5, Điều 1, Nghị quyết số 101/2019 quy định: giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Cần đánh giá kỹ lưỡng các tác động

Phản hồi về kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, việc giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Hiện Bộ luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày, và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động…

Thực tế, đề xuất giảm giờ làm việc đã nhiều lần được các tổ chức, chuyên gia nhiều lần đề cập trước đó, cả trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động 2019. Đây cũng là một trong những nội dung kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam hồi tháng 12 năm 2023.

Tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa cũng đề cập đến giảm giờ làm việc. Theo ông Nghĩa, người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ xuống 44 giờ 1 tuần, tiến tới 40 giờ 1 tuần như trong khu vực công đã được thực hiện từ năm 1999, đây cũng là xu hướng tiến bộ của các quốc gia trên thế giới.

Xung quanh câu chuyện có nên giảm giờ làm người lao động, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, giờ làm việc khu vực doanh nghiệp do Bộ luật Lao động điều chỉnh, duy trì quy định 48 giờ mỗi tuần sau nhiều lần sửa đổi luật. Chính sách được các nhà làm luật cân nhắc kỹ trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp, phải kéo dài thời giờ làm việc.

Cũng theo ông Huân, hiện nay khu vực tư, lao động làm tính lương theo sản phẩm, năng suất. Trong khi đó, năng suất lao động còn thấp, nếu lại giảm giờ làm thì nhiều khả năng thu nhập giảm theo. “Giảm giờ làm là xu hướng của thế giới, nhưng muốn cắt giảm giờ làm thì cần chuẩn bị các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng cao hơn mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động” - ông Huân nói.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-nang-suat-de-giam-gio-lam-10277185.html