Phát huy hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn tại Việt Nam

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình thực tiễn về trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, phát triển nông lâm nghiệp dựa vào hệ sinh thái, thích ứng với biến đối khí hậu (BĐKH) và tạo sinh kế bền vững, đồng thời cũng sẽ cung cấp các thông tin chính sách, các vấn đề mới liên quan đến quản lý và phát triển rừng, gia tăng giá trị rừng và thị trường tín chỉ các-bon...

Sáng 21/5, tại Hà Nội, Hội thảo “Trồng rừng gỗ lớn, quản lý và phát triển rừng, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và sinh kế bền vững” đã khai mạc.

Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu đến từ 20 tỉnh, thành trong cả nước, đại diện cho các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), Hội Nông dân (HND) các tỉnh; các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, đối tác, các bên liên quan tham dự.

Nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc, ông Mai Bắc Mỹ, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế, Trung ương HND Việt Nam, Giám đốc Chương trình FFF II khẳng định, Việt Nam đang cùng với các quốc gia, cộng đồng quốc tế nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về BĐKH, Thập kỷ của LHQ về khôi phục hệ sinh thái, Công ước LHQ về Đa dạng sinh học… với mục tiêu liên kết, hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu, nỗ lực cùng hành động nhằm xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, bảo đảm cho mọi người ở khắp mọi nơi có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc và thịnh vượng.

Theo ông Mai Bắc Mỹ, để thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH, HND Việt Nam ở các cấp đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, viện khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp và các bên liên quan tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, dự án giúp hội viên nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kết hợp trồng rừng, quản lý và phát triển rừng, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH, đồng thời giúp nông dân thành lập các chi tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX để sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị các sản phẩm từ rừng và trang trại, tăng thu nhập và sinh kế bền vững cho các thành viên và cộng đồng sống dựa vào rừng.

Trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp ứng phó hiệu quả với BĐKH (Ảnh: PV)

Trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp ứng phó hiệu quả với BĐKH (Ảnh: PV)

Cụ thể, từ năm 2015, HND Việt Nam là tổ chức đối tác chính thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn I tại Việt Nam và tiếp tục thực hiện Chương trình FFF giai đoạn II từ 2019 đến nay. Mục tiêu chính của Chương trình là các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPO) trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Chương trình FFF đang được thực hiện tại các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại, tiếp cận thị trường và tài chính cho các THT, HTX, áp dụng các biện pháp giảm thiểu, thích ứng với BĐKH, tiếp cận các dịch vụ các giá trị văn hóa bản địa.

Đồng thời, Chương trình đào tạo, tăng cường năng lực cho HND các cấp để hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, nông dân, vận động và khai thác các nguồn lực, thúc đẩy thực thi chính sách tốt hơn cho nông dân. Các THT, HTX và cộng đồng sống dựa vào rừng tại các vùng dự án FFF đã được đào tạo về kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh nông lâm sản, quản lý rủi ro, nâng cao sinh kế cũng như phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học, các biện pháp canh tác nông lâm nghiệp dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tăng lượng hấp thụ cac-bon, góp phần giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của BĐKH thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên và đa dạng hóa các biện pháp can thiệp.

Giống cây rừng được trưng bày tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Giống cây rừng được trưng bày tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Cũng theo ông Mai Bắc Mỹ, tính đến nay, Chương trình đang hỗ trợ 51 THT, HTX ở 05 tỉnh, với hơn 1.000 hộ thành viên chính thức (41,5% nữ, 61,5% người dân tộc, 11,7% thanh niên) và gần 2.000 hộ thành viên liên kết, hơn 15.000 nông dân sản xuất nông lâm nghiệp và cán bộ HND Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình; 15 chuỗi sản phẩm được kết nối thị trường, doanh nghiệp; hơn 600ha chuyển hóa rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ lớn; hơn 13.000 ha gỗ có chứng chỉ QLRBV; hơn 4000 ha sản phẩm quế, hồi, thảo dược, bí xanh thơm, gạo, rau quả, cam, bưởi, gừng… đã được chứng nhận hữu cơ và đủ tiêu chuẩn xuât khẩu…

Đồng bộ chính sách và thực tiễn trong phát triển trồng rừng gỗ lớn tại Việt Nam

Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cao rằng, tác động của BĐKH đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã được ban hành nhằm giải quyết những thách thức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững.

Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 14,8 triệu hecta rừng, trong đó có gần 10,2 triệu hecta rừng tự nhiên, hơn 4,6 triệu hecta rừng trồng, độ che phủ rừng 42,02%. Hơn 3,1 triệu hecta rừng đã được giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, trồng rừng và phát triển. Khoảng gần 1,5 triệu hộ nông dân đã được giao rừng. Phần lớn các hộ nông dân làm rừng và trang trại gia đình có quy mô nhỏ, có giá trị và thu nhập thấp từ sản xuất nông lâm nghiệp.

Bà Sophie Grouwels, Điều phối viên khu vực Chương trình FFF, Tổ chức FAO thông tin tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Bà Sophie Grouwels, Điều phối viên khu vực Chương trình FFF, Tổ chức FAO thông tin tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Tổng quan về chương trình, bà Sophie Grouwels, Điều phối viên khu vực Chương trình FFF, Tổ chức FAO đã chúc mừng những kết quả ban đầu mà chương trình đạt được tại Việt Nam. Dịp này, bà cũng mong muốn, Việt Nam tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả từ các địa phương để đạt được mục tiêu mà Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “net Zero”vào năm 2050 từ COP 28 vừa qua.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực nhấn mạnh, cần phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, loài cây phù hợp với điều kiện sinh thái của các địa phương để phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn, nâng cao năng suất chất lượng rừng gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; cung cấp nguyên liệu hợp pháp có chất lượng cho chế biến, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Sử dụng hiệu quả kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn theo các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp, đất đai, tín dụng, thuế, thị trường, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Liên quan tới phát triển rừng trồng gỗ lớn theo chuỗi giá trị, lấy kinh nghiệm từ mô hình Hợp tác xã Bình Minh và Hợp tác xã Tân Nguyên, tỉnh Yên Bái, TS Dương Ngọc Phước, Trường Đại học Nông lâm Huế cho biết, Việt Nam đã và đang hoàn thiện chính sách và định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững (SFM), đa dạng sinh học thích ứng với BĐKH. TS đề xuất, đối với các THT/HTX lâm nghiệp, cần trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ quốc tế, quản lý rừng bền vững, đầu tư vào chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi phù hợp, cần được tiếp tục duy trì; tiếp tục nâng cao năng lực quản trị tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, tăng cường liên kết trong và ngoài tổ chức, quản lý tài chính minh bạch, có kế hoạch quản trị rủi ro, có giám sát, đánh giá để điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư vào quảng bá và kết nối thị trường, tận dụng các cơ hội thị trường mới; chủ động trong vận động chính sách để huy động các nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và quốc tế.

Cũng kiến nghị đối với các bên liên quan khác, TS Dương Ngọc Phước cho rằng, sự vào cuộc và hành động của tất cả các bên liên quan (chính quyền cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, các đoàn thể, hệ thống ngân hàng, nhà tài trợ quốc tế) rất quan trọng để thay đổi nhận thức và huy động nguồn lực hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị rừng.

Đáng chú ý, HND cùng Bộ NN&PTNT cần tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại và thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; đặc biệt, HND các cấp cần tiếp tục được nâng cao năng lực tư vấn, dịch vụ , đào tạo “ươm mầm” kinh doanh để hỗ trợ các THT, HTX khởi nghiệp kinh doanh.

Phân tích về lợi ích và giá trị gia tăng từ rừng trồng gỗ lớn, lưu trữ các-bon và các biện pháp đo lường tiềm năng, TS Hoàng Liên Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhìn nhận, tiềm năng hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng trồng lớn và liên tục tăng trưởng. “FFF đã tin tưởng – Tìm đúng chỗ đặt “niềm tin” để mang lại sự “tự tin” cho các chủ rừng, đặc biệt chủ rừng hộ gia đình”- TS Hoàng Liên Sơn nói.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (21-22/5).

Hà Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-huy-hieu-qua-tu-trong-rung-go-lon-tai-viet-nam-665548.html