Nỗi lo giá dầu và lạm phát tăng cao từ xung đột lan rộng ở Trung Đông

Rủi ro giá dầu tăng cao và niềm tin bị ảnh hưởng có nguy cơ tạo thêm một đợt bùng phát lạm phát mới cho các nền kinh tế mới chỉ bắt đầu phục hồi sau một loạt cú sốc giá cả. IMF tin rằng, giá dầu tăng 10% sẽ làm tăng lạm phát toàn cầu khoảng 0,4 điểm phần trăm.

Cuộc xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lan rộng không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin mà còn tạo thêm một đợt bùng phát lạm phát mới cho các nền kinh tế. Ảnh: Mahmud Hams/AFP/Getty Images

Kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái

Các bộ trưởng tài chính và quan chức ngân hàng cảnh báo về một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông sẽ gây ra mối đe dọa mới cho nền kinh tế toàn cầu, ngay khi thế giới vừa thoát khỏi những cú sốc do Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine gây ra.

Họ cho biết, căng thẳng lan rộng trong khu vực sẽ gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể khi kết thúc các cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới tại Maroc trong tuần này.

Các quan chức tài chính đã nhấn mạnh đến bối cảnh của cuộc xung đột xảy ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng mong manh. Nền kinh tế toàn cầu hiện được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức tương đối yếu trong trung hạn, chỉ đạt 3,1% vào năm 2028. Con số này thấp hơn so với triển vọng 5 năm là 3,6% ngay trước đại dịch và 4,9% ở thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói: “Nếu chúng ta phải đối mặt với bất kỳ sự leo thang hoặc xung đột lan rộng nào ra toàn khu vực, chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả lớn”.

Kristalina Georgieva - người đứng đầu IMF, đã cảnh báo về một “đám mây mới không phải là nơi nắng đẹp nhất đối với nền kinh tế toàn cầu”, gói gọn nỗi lo ngại của các đại biểu ở Marrakech rằng, triển vọng trung hạn của nền kinh tế toàn cầu là không mấy khả quan.

Bên kia Đại Tây Dương, Jamie Dimon - giám đốc điều hành của JPMorgan, gọi đây là “thời điểm nguy hiểm nhất thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ”.

Trước các cuộc họp, các quan chức đã bày tỏ sự nhẹ nhõm khi các ngân hàng trung ương đã tìm cách kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái hoàn toàn - tránh được rủi ro mà IMF đã cảnh báo vào tháng 4 khi nói về khả năng “hạ cánh cứng” của nền kinh tế toàn cầu.

Pierre-Olivier Gourinchas - kinh tế trưởng của IMF cho biết trước sự kiện này, các ngân hàng trung ương dường như đã thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế tăng trưởng tín dụng và hạ nhiệt thị trường lao động. Tuy nhiên, khi các đại biểu triệu tập, tâm trạng trở nên u ám hơn khi những tác động lớn hơn của cuộc xung đột Israel-Hamas xen lẫn nỗi lo lắng tiềm ẩn về những lỗ hổng dai dẳng trong nền kinh tế toàn cầu.

Phân tích của IMF chỉ ra xu hướng tăng trưởng dài hạn đang xấu đi, khi các nền kinh tế nỗ lực nâng cao năng suất, các rào cản đối với thương mại tự do ngày càng gia tăng trong bối cảnh căng thẳng chính trị ngày càng tồi tệ và nợ công gia tăng trên toàn thế giới.

Điều đáng chú ý trong các dự báo ngắn hạn của IMF - được chuẩn bị trước khi bạo lực ở Trung Đông bùng phát - là thiếu những điểm sáng rõ ràng ngoài một số quốc gia như Mỹ hay Ấn Độ.

Hiệu ứng gợn sóng lan rộng

Các quan chức lập luận mối nguy hiểm của kinh tế chủ yếu sau sự kiện ngày 7/10 là sự leo thang giao tranh ở Israel và Gaza thành một cuộc xung đột khu vực rộng hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin mà còn tạo thêm một đợt bùng phát lạm phát mới cho các nền kinh tế mới chỉ bắt đầu phục hồi sau một loạt cú sốc giá cả.

IMF tin rằng, giá dầu tăng 10% sẽ làm tăng lạm phát toàn cầu khoảng 0,4 điểm phần trăm. Gita Gopinath - Phó giám đốc IMF cho biết, thế giới đang phải đối mặt với “rất nhiều cú sốc” bao gồm xung đột ở Trung Đông và những tác động tiềm tàng của nó đối với giá năng lượng. Cùng với đó là các khoản nợ toàn cầu cũng đang ở mức kỷ lục “trong môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn”.

Dầu gần 100 USD là dấu hiệu đỏ cho cuộc chiến chống lạm phát. Ảnh: WSJ

Trong tuần qua, những lo ngại về xung đột tại Trung Đông đã ảnh hưởng đến giá tài sản, góp phần khiến giá cổ phiếu giảm điểm vào ngày thứ Sáu (13/10), với chỉ số S&P 500 giảm 0,5%. Trong các tài sản trú ẩn an toàn, vàng chứng kiến lực mua tăng hơn 3% vào thứ Sáu và đồng Đô la Mỹ chạm mức cao nhất trong một tuần.

IMF dự báo, lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 6,9% trong năm nay xuống mức cao 5,8% trong năm tới. Các ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu sẵn sàng chấm dứt tăng lãi suất nếu tình hình cho phép, đồng thời hy vọng lạm phát cuối cùng có thể được kiềm chế mà không cần phải hạ cánh quá khó khăn.

Giá dầu tăng gần 6% vào thứ Sáu, khi các nhà đầu tư đánh giá xung đột có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ các quốc gia lân cận trong khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới.

“Nếu như xung đột tiếp tục lan rộng, giá dầu sẽ tăng hơn nữa” - Michael Englund, kinh tế trưởng tại Action Economics LLC ở Boulder, Colorado, Mỹ nói. Còn Bernard Baumohl - kinh tế trưởng toàn cầu tại The Economic Outlook Group ở Princeton, New Jersey, cho biết, xung đột ngày càng lan rộng cũng có thể gây ra lạm phát và do đó, lãi suất trên toàn thế giới sẽ tăng tốc.

Các loại nhiên liệu khác cũng có thể bị ảnh hưởng, như đã thấy trong những diễn biến gần đây như việc Chevron tạm dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên thông qua đường ống ngầm lớn giữa Israel và Ai Cập. Cahill của CSIS cho biết: “Rủi ro lớn hơn đối với thị trường dầu mỏ là cuộc xung đột này kéo theo các nước láng giềng”.

Paschal Donohoe - người đứng đầu Eurogroup cho rằng, câu hỏi lớn với kinh tế toàn cầu là liệu xung đột có tác động đến kỳ vọng lạm phát hay không và điều đó có nghĩa là tiếp tục làm gì để giảm áp lực giá cả vào năm 2024.

Cũng theo IMF, hơn 80% nền kinh tế hiện đang phải đối mặt với triển vọng tồi tệ hơn so với 15 năm trước vì nhiều lý do khác nhau, từ năng suất chậm hơn đến tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại. Thêm vào đó là sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu thành các khối cạnh tranh - một quá trình khó đảo ngược và càng dễ xảy ra do căng thẳng địa chính trị.

Phát biểu tại một trong những phiên thảo luận cuối cùng của cuộc họp thường niên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde đã nhấn mạnh những tình huống khó khăn mà những cơn gió ngược này đặt ra. “Có tất cả những quả bóng này trong không khí. Chúng tôi không chắc chắn chính xác nơi nó sẽ rơi xuống” - bà nói./.

Hoàng Lê (theo The Financial Times/Reuters)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/noi-lo-gia-dau-va-lam-phat-tang-cao-tu-xung-dot-lan-rong-o-trung-dong-137639.html