Kiếm hơn 10 triệu đồng nhờ làm việc xuyên lễ 30/4

Mức lương tăng gấp 3 hay thu nhập hơn 10 triệu đồng trong 5 ngày lễ hấp dẫn nhiều nhân sự trẻ. Họ hủy bỏ kế hoạch về quê hay đi du lịch để làm việc trong dịp 30/4 - 1/5.

Nhân sự trẻ gia tăng thu nhập nhờ đi làm trong dịp lễ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Khác với nhiều người chọn về quê sum họp gia đình hay tận hưởng những chuyến du lịch trong dịp lễ 30/4-1/5, Nguyễn Uyên (25 tuổi) quyết định nán lại thành phố du lịch Đà Lạt để làm việc và nhận mức lương gấp 3 so với ngày thường.

“Làm việc trong 5 ngày nghỉ lễ giúp tôi có thêm gần 5 triệu đồng, bằng nửa tháng lương bình thường”, nhân viên tại cửa hàng đồ lưu niệm dành cho du khách Hàn Quốc chia sẻ.

Theo Nguyễn Uyên, chủ cửa hàng của cô cũng là người Hàn Quốc. Mặc dù không nghỉ ngơi vào dịp này, sếp của Uyên vẫn tuân thủ Luật Lao động Việt Nam, có chính sách tăng lương cho nhân viên trong lễ, Tết.

Nhiều người trẻ dành toàn bộ thời gian dịp lễ 30/4 - 1/5 cho công việc, dự định nghỉ bù sau đó. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Giống với Nguyễn Uyên, nhiều người trẻ cũng quyết định làm việc trong suốt kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhằm gia tăng thu nhập. Mức lương gấp 2-3 lần hấp dẫn nhân sự trẻ.

Họ gác lại kế hoạch đi du lịch hoặc về thăm gia đình vì đặc thù công việc. Một số dự định xin nghỉ phép sau 5 ngày lễ để về quê hoặc đi chơi xa.

Làm việc xuyên lễ

Thay vì đi du lịch trong dịp nghỉ lễ dài ngày, nhiếp ảnh gia tự do Tống Anh (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chọn “cày cuốc” để kiếm thêm thu nhập.

Nhân dịp 30/4-1/5, khách hàng tiềm năng của Tống Anh dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động giải trí, tụ tập bạn bè, từ đó phát sinh nhu cầu chụp hình.

Đặc biệt, mùa kỷ yếu bắt đầu “nóng” dần. Nhiều bạn trẻ lựa chọn dịp lễ để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của tuổi học trò.

Với mỗi bộ ảnh chụp từ sáng đến chiều, freelancer này kiếm được khoảng 1,8 triệu đồng. Buổi tối, thu nhập thấp nhất cũng không dưới 350.000 đồng. Chỉ trong 5 ngày lễ, nếu mọi việc thuận lợi, chàng trai 23 tuổi có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng.

Hà An tranh thủ kiếm thêm khi nhận dẫn đoàn du khách nước ngoài trong dịp lễ.

Là phiên dịch viên chuyên phục vụ khách du lịch, thương nhân đến từ châu Âu, Hà An (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên phải làm việc trong kỳ nghỉ lễ. Dịp Tết Âm lịch 2024, An cũng không về quê nhà Nam Định.

Với mục đích gia tăng thu nhập để chuẩn bị thuê căn hộ chung cư mới, cô nhận khách trong dịp 30/4-1/5 này với mức lương gấp đôi. Khi hỗ trợ các đoàn khách trong những ngày lễ, Hà An cũng được tip thêm một khoản.

“Hồi Tết, tôi được một vị khách mừng tuổi hơn 2 triệu đồng. Kỳ nghỉ lễ này cũng là cơ hội để kiếm thêm”, phiên dịch viên 26 tuổi nói.

Khác với Tống Anh và Hà An, trưởng bộ phận quầy bar Hoàng Anh (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) không được tăng lương, song vẫn phải túc trực tại quán trong suốt dịp lễ 30/4-1/5. Anh không thể về quê nhà Thái Bình hay đi du lịch với bạn bè dịp này.

Trước đây, khi đảm nhiệm vị trí pha chế, anh chỉ cần có mặt tại quán từ 16h, chuẩn bị cho ca làm buổi tối.

Tuy nhiên, ở chức vụ quản lý, Hoàng Anh phải xuất hiện ở nơi làm việc từ ban ngày, tiến hành xếp lịch, phân ca, điều phối nhân viên. Đến tối, anh lại phải giám sát hoạt động tại quầy bar, sẵn sàng xắn tay áo phụ giúp khi đông khách.

“Sắp xếp một cuộc hẹn cà phê trong những ngày này cũng là bài toán khó”, Hoàng Anh chia sẻ với Tri thức - ZNews.

Với vai trò trưởng bộ phận, anh không được nhận thù lao nhân theo hệ số vào những ngày lễ như khi còn ở vị trí pha chế, vì đã có lương cứng, thưởng doanh thu. Do đó, thu nhập của Hoàng Anh trong dịp này có thể thấp hơn cấp dưới.

Cường độ công việc tăng cao trong kỳ nghỉ lễ nhưng thu nhập không gấp đôi như trước, head bar này không tránh khỏi cảm giác chán nản. Tuy nhiên, anh hiểu rằng đây là trách nhiệm của bản thân, đồng thời cần chứng minh năng lực ở vị trí mới với cấp trên vì vừa nhậm chức 1 tháng.

Nghỉ ngơi, giải trí thế nào?

Nhận thấy cường độ công việc cao trong dịp này, Hoàng Anh không sắp xếp thời gian gặp gỡ bạn bè, sợ lỡ hẹn. Với đặc thù công việc kéo dài đến 2-3h, anh quyết định ngủ bù nửa buổi sáng, rồi đến quán từ trưa để chuẩn bị.

Hoàng Anh định xin nghỉ bù khoảng 3 ngày để đi chơi sau đợt cao điểm này. Anh dự đoán giá vé máy bay “hạ nhiệt” sau mùa lễ, bắt đầu lên kế hoạch đi du lịch một mình.

“Khi tôi được nghỉ, bạn bè đều quay trở lại với guồng quay công việc, nên không thể rủ ai đi chơi cùng. Du lịch một mình cũng là một trong những ước mơ từ lâu của tôi”, Hoàng Anh nói.

Nguyễn Uyên ở lại thành phố Đà Lạt làm việc dịp lễ, dự định về quê sau đó.

Tương tự Hoàng Anh, Nguyễn Uyên dự định sử dụng 4 ngày nghỉ phép để về quê nhà Đắk Lắk vào cuối tháng 5. Với số tiền kiếm được trong dịp lễ này, cô gái trẻ dành một phần cho chi phí đi lại và mua đặc sản Đà Lạt như dâu tây hay hồng sấy về biếu gia đình.

Nhân viên bán hàng sinh sống tại thành phố sương mù cũng chia sẻ rằng vào những ngày lễ, Đà Lạt thường đông đúc và ồn ào. Do đó, sau khi tan làm, cô không đi chơi mà dành thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe cho những ngày làm việc tiếp theo.

Trong khi đó, Hà An và một số người bạn thân quyết định thuê homestay trong thành phố để cùng nhau tận hưởng một đêm trong kỳ nghỉ lễ.

Vì phải dẫn đoàn vào ban ngày, Hà An chỉ có thể đến homestay sau khi đưa khách về khách sạn dùng bữa tối và nghỉ ngơi lúc 18h. Những người bạn của cô nhận phòng trước, chuẩn bị nấu lẩu, chờ cô về rồi liên hoan.

“Chúng tôi dự định quây quần ăn uống, hát karaoke, chơi game cùng nhau vào buổi tối đó”, An chia sẻ về buổi tụ tập cùng bạn bè.

Hà An cũng cho biết cô là người đưa ra ý tưởng thuê homestay trong thành phố. Nữ phiên dịch viên áy náy khi hội bạn muốn đi du lịch, song cô không thể sắp xếp công việc cá nhân.

Linh Vũ - Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/kiem-hon-10-trieu-dong-nho-lam-viec-xuyen-le-304-post1472526.html