Ai mua điện hôn?

Hôm 15-4, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo lần 2 Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Bộ này nói nghị định nằm trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ.

Trước khi xây dựng dự thảo, một số tổ chức, tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Google, Nike… đã gửi thư tới Thủ tướng, Bộ Công Thương để thể hiện sự ủng hộ đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế mua bán điện kiểu này như Samsung, Heineken, Nike, tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng của họ đều lớn hơn 1.000.000 kWh/tháng. Một số cơ sở của Heineken ở Quảng Nam và Hà Nội có sản lượng tiêu thụ khoảng từ 500.000 đến 800.000 kWh/tháng và các cơ sở này đều đấu nối ở cấp 22 kV trở lên, tức cấp điện áp dành cho nhà máy lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bộ Công Thương cho biết bên bán (đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo) thì bộ đã gửi phiếu khảo sát tới 95 dự án và có 67 dự án phản hồi như sau: 24 dự án (công suất 1.773 MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng; và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.

Bên mua điện phục vụ cho sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên, bộ đã gửi phiếu khảo sát tới 41 khách hàng, trong đó có 20 khách hàng trả lời mong muốn tham gia với tổng nhu cầu 996 MW (ước tính). Đây chỉ là khảo sát nhỏ của bộ, bởi theo tìm hiểu của người viết, chỉ riêng trên địa bàn TPHCM đã có 2.010 khách hàng mua điện lớn, hơn 1 triệu kWh/năm.

Dự thảo này cho phép đơn vị phát điện (nhà máy điện gió hoặc mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia) có công suất từ 10 MW trở lên được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn là các tổ chức, cá nhân đang mua điện cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên theo hai cách: Có thể nối dây trực tiếp giữa bên mua và bán; hoặc gián tiếp thông qua truyền tải của lưới điện quốc gia.

Một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói với người viết rằng EVN sẽ có khung giá truyền tải điện và khung giá năm 2024 phải chờ Luật Giá sửa đổi có hiệu lực ngày 1-7 năm nay. Theo tìm hiểu của người viết thì các năm trước, giá truyền tải điện trong khoảng 75-80 đồng/kWh.

Giám đốc một dự án điện gió ở ĐBSCL than phiền rằng Bộ Công Thương và Chính phủ quá chậm trong việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh, lẽ ra phải cho phép mua và bán điện trực tiếp từ nhiều năm trước khi Nhà nước thu hút đầu tư nhiều thành phần kinh tế vào phát điện, nhất là chục năm trở lại đây khi hàng trăm dự án điện từ năng lượng tái tạo ra đời.

Khi được hỏi dự án đăng ký bán cho EVN 3-4 năm nay, nếu nghị định trên ra đời, “anh có tìm khách hàng mới không?” và câu trả lời của chủ dự án điện gió là “dù sao nhiều người mua vẫn tốt hơn một người mua”.

Vậy là rất có thể dự án điện gió nói trên thời gian tới sẽ rao “ai mua điện hôn?” nhưng dưới hình thức cao cấp hơn nhiều. Và để có giá đầu vào rẻ, các nhà máy sản xuất cũng có thể sẽ rao “ai bán điện hôn?”.

Hồng Văn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ai-mua-dien-hon/