Những trường hợp nào không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án?

Bạn đọc Mai Văn Tuấn ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, theo quy định của pháp luật thì những trường hợp nào không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Cụ thể, những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án như sau:

1. Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

2. Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

3. Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.

4. Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

5. Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.

6. Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Kiều Thị Loan ở xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, hỏi: Những đối tượng nào không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 80 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Cụ thể như sau:

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;

2. Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;

4. Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/nhung-truong-hop-nao-khong-tien-hanh-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-767423