Những thảm họa lớn nhất mọi thời đại do... lỗi kỹ thuật

Ai cũng có thể mắc sai lầm và các kỹ sư cũng không ngoại lệ. Trên thực tế, một số sai sót về thiết kế hay lỗi kỹ thuật đã gây ra những hậu quả tai hại, thậm chí trở thành thảm họa lớn nhất mọi thời đại.

Vụ chìm tàu Titanic - con tàu được cho là “không thể chìm” vào ngày 14-4-1912 sẽ mãi nhắc nhở chúng ta về tính kiêu ngạo của con người.

Nhiều yếu tố góp phần khiến con tàu bị chìm, trong đó có sai sót trong thiết kế. Chẳng hạn, các tấm thép về phía mũi và đuôi tàu liên kết quá yếu, khiến con tàu bị xé toạc quá nhanh sau khi va chạm với tảng băng trôi.

Thảm họa Chernobyl là vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân thảm khốc nhất trong lịch sử xảy ra từ ngày 25 đến 26-4-1986, gần thị trấn Pripyat hiện đã bị bỏ hoang, phía bắc Kiev, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, nguyên nhân của vụ tai nạn được cho là do thiết kế lò phản ứng sai sót và nhân viên được đào tạo kém

Tháp nghiêng Pisa - điểm du lịch hấp dẫn nhất Italia - được xây dựng trên nền đất yếu gồm bùn, cát và đất sét. Công trình đã trải qua nhiều lần can thiệp để giữ được độ nghiêng ổn định.

Vụ tràn dầu trên giàn khoan Deepwater Horizon năm 2010 là vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử và là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Mỹ. Tình trạng nứt xi măng là thủ phạm chính.

Thảm họa khác là vụ cháy khinh khí cầu Hindenburg của Đức ngày 6-5-1937 khiến 36 người thiệt mạng.

Thảm họa xảy ra ở New Jersey, Mỹ do hiện tượng phóng tĩnh điện. Ngoài ra còn có hiện tượng rò rỉ hydro nên tia lửa đủ để gây cháy.

Ngày 17-7-1981, tại thành phố Kansas, Missouri, Mỹ, khách sạn Hyatt Regency có một lối đi bị sập. Sai sót về thiết kế là nguyên nhân.

Các kỹ sư chịu trách nhiệm thiết kế đã bị buộc tội sơ suất, thiếu năng lực và thiếu chuyên nghiệp. Họ được trắng án, nhưng đã mất giấy phép hoạt động ở một số bang và mất tư cách thành viên của Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ.

Tương tự, năm 2004, mái nhà ga 2E tại sân bay Charles De Gaulle ở Pháp bị sập.

Nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật, vì về cơ bản, mái nhà không đủ chắc chắn để chịu lực từ các cột kim loại nặng.

The Vasa - tàu chiến Thụy Điển được trang bị vũ khí hạng nặng và thiết kế kém đến mức bị chìm ngay sau khi rời cảng Stockholm vào năm 1626.

Thảm họa trong lịch sử xây dựng Trung Quốc phải kể đến vụ vỡ đập Bản Kiều năm 1975. Thiết kế kém, bảo trì kém, xây dựng kém và tác động của bão đã khiến con đập bị vỡ, 230.000 người thiệt mạng và khoảng 11 triệu người phải di dời.

Cầu Quebec, Canada bị sập đến 2 lần: năm 1907 và 1916. Điều này là do các tính toán sơ bộ trong kế hoạch ban đầu không được kiểm tra chính xác. Về cơ bản, cây cầu vượt quá khả năng chịu tải, dẫn đến hậu quả tai hại.

Năm 1984, một vụ rò rỉ khí gas tại Cơ sở Union Carbide ở Bhopal, Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Thiết kế thiết bị bị lỗi và bảo trì kém là nguyên nhân chính của vụ việc.

Skylab - trạm vũ trụ đầu tiên do Mỹ vận hành được thiết kế để bay lên vũ trụ nhưng không quay trở lại Trái đất. Tuy nhiên, vào năm 1979, các mảnh vỡ của trạm đã rơi xuống, chủ yếu rơi xuống Ấn Độ Dương và Australia.

Tàu vũ trụ Apollo 13 được phóng lên không gian chỉ 2 ngày thì một bình oxy phát nổ. Các phi hành gia cuối cùng đã quay trở lại Trái đất an toàn.

Trong vụ nổ khí gas ở Cleveland Đông Ohio, Mỹ vào ngày 20-10-1944, khí hóa lỏng rò rỉ vào cống và trộn lẫn với khí thoát nước và không khí. Kết quả là một vụ nổ thảm khốc và hơn 130 người thiệt mạng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-tham-hoa-lon-nhat-moi-thoi-dai-do-loi-ky-thuat-post560257.antd