Bí ẩn về ma cà rồng khát máu qua các thời kỳ - Kỳ cuối

Khi nỗi sợ hãi về ma cà rồng lan rộng, các nhà lãnh đạo như Giáo hoàng Benedict XIV đã đảm bảo những con quái vật này không có thật. Ông tuyên bố rằng ma cà rồng là hư cấu sai lầm trong trí tưởng tượng của con người. Nhưng những câu chuyện về ma cà rồng vẫn tiếp tục phát triển.

Kỳ cuối: Ma cà rồng trong văn thơ

Trong những thập kỷ sau khi thi thể Blagojević bị đóng cọc vào tim, ma cà rồng bắt đầu xuất hiện trong thơ và văn xuôi. Nhà thơ người Đức Heinrich August Ossenfelder đã viết “Der Vampir” vào năm 1748, kể về một phụ nữ trẻ bị ma cà rồng quyến rũ.

Diễn viên Bela Lugosi trong vai Dracula năm 1931. Ảnh: Wikimedia Commons

Sau ông, các nhà thơ người Anh cũng viết về ma cà rồng, trong đó có John Stagg với bài thơ “The Vampyre” năm 1810 và Lord Byron với bài “The Giaour” năm 1813. Năm 1819, truyện “The Vampyre” của John William Polidori xuất hiện, có lẽ là tác phẩm văn xuôi đầu tiên về ma cà rồng bằng tiếng Anh. Tác phẩm này kể câu chuyện đáng sợ về một quý tộc quyến rũ phụ nữ và uống máu họ.

Giữa năm 1845 và 1847, những câu chuyện về ma cà rồng thậm chí còn lan rộng hơn khi tác phẩm “Varney the Vampire” xuất hiện. Tác phẩm này mô tả một số đặc điểm phổ biến về ma cà rồng, chẳng hạn như có răng nanh dài.

Sau đó, vào năm 1897, tác phẩm Dracula của Bram Stoker ra đời. Các nhân vật trong tiểu thuyết của Stoker mô tả Dracula có hàm răng sắc nhọn và nước da xanh xao lạ thường, vẻ ngoài tàn ác và khoe “nụ cười mà Judas ở địa ngục có thể tự hào”. Dracula có sức mạnh siêu phàm, không có bóng và biến con người thành ma cà rồng bằng cách hút máu họ.

Ngoài ra, hắn ta còn có khả năng biến mình thành một con dơi. Nhưng ma cà rồng của Stoker cũng có những điểm yếu như sợ cây thánh giá và củ tỏi. Các mô tả về Bá tước Dracula đã thay đổi qua nhiều năm. Một số bộ phim mô tả Dracula ngọt ngào và duyên dáng; những phim khác khắc họa nhân vật này là người đáng sợ và khát máu. Mặc dù Stoker không phải là nhà văn đầu tiên mô tả ma cà rồng, nhưng Dracula là nhân vật mà nhiều người nghĩ tới khi hình dung tới hình dáng và hành động của ma cà rồng.

Nói tóm lại, Dracula là một nhân vật hư cấu, nhưng người ta nói rằng nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống. Vậy đã có ví dụ nào về ma cà rồng thực sự chưa?

Một câu hỏi được đặt ra là ma cà rồng có tồn tại không? Với dân làng đã đào mộ Mercy Brown và Petar Blagojević, họ chắc chắn sẽ trả lời là có ma cà rồng. Nhưng câu trả lời thực sự phụ thuộc vào cách chúng ta định nghĩa thuật ngữ ma cà rồng.

Nếu nghĩ ma cà rồng là xác sống hoặc những người có thể biến thành dơi thì câu trả lời là không có loại sinh vật này. Nhưng trong thực tế, đã có những kẻ thống trị bạo lực và những kẻ giết người hàng loạt trong suốt lịch sử loài người.

Vlad the Impaler. Ảnh: Wikimedia Commons

Ví dụ nổi tiếng nhất là nhà cai trị tàn bạo ở Wallachia ở thế kỷ 15 (nay là Romania) có biệt danh Vlad the Impaler (tạm dịch: Vlad người đóng cọc). Nhà cai trị này còn được gọi là Vlad Dracula và thích máu. Ông ta đã đóng cọc vào hàng nghìn kẻ thù, từng viết một lá thư khoe khoang về việc mình và các chiến binh đã giết 23.884 người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông này thậm chí còn được cho là đã gây ra cái chết của trên 60.000 người khác.

Người ta cũng nói rằng Vlad Dracula đã nhúng bánh mì vào máu kẻ thù rồi ăn. Dù vậy, thông tin này rất khó xác minh. Một số người tin rằng nhà văn Bram Stoker đã xây dựng nhân vật Dracula dựa trên Vlad Dracula. Các học giả đã tranh luận về tính xác thực của điều này trong những năm gần đây và tạp chí National Geographic khẳng định rằng Stoker đã dựa trên nhiều nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, trong thực tế, Stoker đã tình cờ thấy cái tên Dracula khi đang đọc một cuốn sách lịch sử. Sau đó, ông viết một ghi chú quan trọng: “Voivode (Dracula): Dracula trong tiếng Wallachia có nghĩa là ác quỷ. Người Wallachia có thói quen lấy Dracula làm họ để gọi những ai được nhiều người biết tới vì lòng dũng cảm, hành động tàn ác hoặc xảo quyệt".

Sau đó, thế giới có những kẻ giết người hàng loạt với khuynh hướng ma cà rồng rõ ràng. Fritz Haarmann là một ví dụ. Hắn là kẻ giết người hàng loạt ở Đức đầu thế kỷ 20 và bị gọi là “Ma cà rồng Hanover”. Hắn ta có biệt danh này vì đã giết một số nạn nhân bằng cách cắn vào khí quản của họ. Hắn mô tả đó là “vết cắn tình yêu”.

Có thể thấy rằng, mặc dù ma cà rồng không thực sự ẩn nấp trong những góc tối, nhưng sự thật là những sinh vật này đã ám ảnh trí tưởng tượng của con người từ thời cổ đại. Những con quỷ ma cà rồng như Lilith lần đầu tiên xuất hiện cách đây vài thế kỷ. Nỗi sợ hãi từ thời Trung cổ về cái chết và bệnh tật chỉ củng cố thêm những huyền thoại rùng rợn về ma cà rồng.

Nhưng chính các tác giả trong lịch sử gần đây đã giúp chúng ta hình dung về ma cà rồng như hiện nay. Bài thơ “Varney the Vampire” và tất nhiên là cả tác phẩm Dracula của Bram Stoker đã khắc họa sống động bóng ma hút máu quen thuộc khiến khán giả khiếp sợ trong thời hiện đại.

Ngày nay, ma cà rồng đã có một bước thay đổi mới thông qua những bộ phim như Twilight và các chương trình truyền hình như True Blood, tiếp tục làm mới huyền thoại ma cà rồng một lần nữa.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo Allthatsinteresting)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi-bi-an/bi-an-ve-ma-ca-rong-khat-mau-qua-cac-thoi-ky-ky-cuoi-20240424105418920.htm