Nâng chất lượng đội ngũ lao động ngành công nghiệp bán dẫn

Giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Các chuyên gia tham dự "Ngành công nghệ bán dẫn ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội cho phát triển lực lượng lao động". Ảnh: VLU

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia thảo luận tại hội thảo "Ngành công nghệ bán dẫn ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội cho phát triển lực lượng lao động", do Trường Đại học Văn Lang tổ chức vào ngày 23/1.

Theo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, ngành công nghiệp bán dẫn đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng đáng chú ý, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của đất nước trong việc nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ toàn cầu.

Trường Đại học Văn Lang tổ chức sự kiện này nhằm nhấn mạnh mục tiêu chung của Chính phủ và cam kết trong việc nâng cao hiệu quả của lực lượng lao động trong ngành bán dẫn tại Việt Nam, thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia và các trường đại học.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: VLU

Bà Nguyễn Bích Yến, chuyên gia cao cấp hãng Soitec nhấn mạnh tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường công nghệ bán dẫn và tầm quan trọng của ngành trong bối cảnh toàn cầu.

Bà nhận định, thị trường này có cơ hội và tiềm năng lớn trong nhiều lĩnh vực như năng lượng sạch, kết nối, bảo mật thông tin, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo với mức tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Từ Huấn, đại diện nhóm tư vấn NCG (công ty cung cấp dịch vụ chiến lược cho khách hàng tìm kiếm cái nhìn đổi mới, dịch vụ tư vấn và ứng dụng công nghệ ở Mỹ và toàn cầu) và ông Nguyễn Hồng Quang của NATRA (đơn vị phát triển dự án phát triển bền vững của nền kinh tế và văn hóa địa phương) có chung nhận định: Hiện có nhiều thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo dục và đào tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo ra đội ngũ kỹ sư chuyên môn cao, tạo ra cơ hội cho ngành này trong tương lai.

Các chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn tại hội thảo cũng chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đó, bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số đã tạo ra xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng (supply chain).

Sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đang mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Với cơ sở hạ tầng được Chính phủ quyết tâm đầu tư mạnh mẽ, nguồn nhân lực trẻ, đầy tiềm năng đang tăng trưởng mạnh, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn trên thế giới dịch chuyển các trung tâm sản xuất, R&D đến Việt Nam.

Chuyên gia tham luận tại hội thảo. Ảnh: VLU

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023, hai nước đã nâng mối quan hệ thành đối tác toàn diện. Một trong những nội dung hợp tác được thống nhất là đẩy mạnh hợp tác ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là trong việc đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này.

Với định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực để hình thành 50.000 kỹ sư cho ngành này vào năm 2030. Sự đầu tư này mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam để xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn cạnh tranh.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-chat-luong-doi-ngu-lao-dong-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post669711.html