Tăng tốc đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, Đông Nam Bộ được định hướng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số hàng đầu cả nước, khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết, phát triển với các vùng kinh tế khác. Tăng cường đào tạo nhân lực, trong đó có nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội toàn vùng và đất nước.

Thông tin từ Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP Hồ Chí Minh, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm cả nước cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch, riêng tại TP Hồ Chí Minh chiếm trên 50% tổng nhu cầu tuyển dụng.

Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay ghi nhận nhiều cơ sở đào tạo “đứng chân” trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông báo tuyển sinh đào tạo ngành vi mạch bán dẫn hoặc các ngành có lĩnh vực chuyên môn gần ngành này.

Ảnh Báo nhân dân.

Theo Phó Giáo sư Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Muốn phát triển công nghệ vi mạch bằng chính nội lực, “bài toán” đầu tiên là đào tạo nhân lực và có chiến lược cụ thể ở tầm Quốc gia. Kỳ tuyển sinh đại học năm nay, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh tuyển sinh nhóm ngành điện - điện tử - viễn thông - tự động hóa - vi mạch với các chuyên ngành như kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử - viễn thông, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, hệ thống năng lượng, hệ thống thông tin, hệ thống tự động, thiết kế vi mạch.

Cùng thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, năm nay Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh tuyển sinh 2 ngành đào tạo mới là thiết kế vi mạch và khoa học công nghệ bán dẫn.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học khác tại TP Hồ Chí Minh như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh mở các một số ngành học mới trong năm 2024, trong đó có ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch. Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn tuyển sinh 4 ngành học mới, trong đó có ngành công nghệ thông tin với các chuyên ngành như công nghệ thông tin, công nghệ thông tin y tế, thiết kế vi mạch, thiết kế đồ họa.

Đóng tại tỉnh Bình Dương - thủ phủ công nghiệp của cả nước, năm nay, Trường Đại học Việt Đức tuyển sinh các ngành, chuyên ngành đào tạo mới là kỹ thuật giao thông thông minh, kỹ thuật quy trình và môi trường, thiết kế vi mạch (chương trình đào tạo khoa học máy tính) và kỹ thuật hệ thống vi điện tử (chương trình đào tạo kỹ thuật điện và máy tính).

Theo nhiều chuyên gia, lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện đang có nhu cầu nhân lực rất cao. Tuy nhiên, cần lưu ý các thí sinh đăng ký dự tuyển là ngành học này phù hợp với những học sinh có thế mạnh ở các môn khoa học tự nhiên, yêu thích lĩnh vực điện điện tử và máy tính. Đồng thời, để “theo đuổi” lâu dài với lĩnh vực này, đòi hỏi phải có sự đam mê, không ngừng học hỏi, sáng tạo và đổi mới.

Đươc dự báo có nhu cầu nhân lực lớn, song với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, công tác đào tạo cũng đang đặt ra nhiều yêu cầu. Các trường đại học, cao đẳng tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng khung chương trình, kiến thức và đưa sinh viên tham quan, thực tập. Ngược lại, để có nguồn nhân lực đáp ứng mong muốn tuyển dụng, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường qua góp ý chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, thiết bị, học bổng cho sinh viên hoặc cử chuyên gia, công nhân lành nghề tham gia đào tạo, bồi dưỡng,

Đề cập về đào tạo nhân lực lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân cho biết: Chương trình đào tạo tiên tiến về thiết kế vi mạch ở bậc đại học và sau đại học của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh gắn chặt với thực tiễn của doanh nghiệp, kinh nghiệm từ những quốc gia có thế mạnh và kết nối với định hướng chung từ Chính phủ. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Tập đoàn Synopsys (Mỹ) đã ký hợp tác, tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trong đó, hai bên cam kết thực hiện nhiều nội dung hợp tác quan trọng như chia sẻ giáo trình, cấp phép sử dụng các hộ công cụ, phần mềm thiết kế chíp, hỗ trợ bồi dưỡng giảng viên lĩnh vực thiết kế vi mạch, tiếp nhận sinh viên đến thực tập và giới thiệu, tạo cơ hội việc làm...

Thanh Trà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/tang-toc-dao-tao-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-vi-mach-ban-dan-i729934/