Không khuyến khích phát điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia

Cục Điều tiết điện lực cho rằng, chỉ nên khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu, không nên khuyến khích (thậm chí nên hạn chế) phát loại điện này vào hệ thống.

Điện mặt trời mái nhà "lấn át" các loại điện khác

Ngay sau văn bản của Bộ Công Thương “phân trần” về việc mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tiếp tục đưa ra một số phân tích về sự ảnh hưởng của loại điện này đối với vận hành hệ thống điện.

Cục Điều tiết điện lực đề nghị không khuyến khích phát điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện Quốc gia. (Ảnh: Moit)

Theo Cục Điều tiết điện lực, hiện nay, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống điện quốc gia, thậm chí còn cao hơn các loại năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện sinh khối.

Đặc biệt, công suất của ĐMTMN còn vượt xa công suất của thủy điện nhỏ và tua-bin khí, đây đều là những nguồn điện đã từng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam trước đây.

Cục Điều tiết điện lực phân tích, ĐMTMN có nhiều ưu điểm, như chỉ đầu tư một lần mà sẽ giảm được chi phí mua điện hàng tháng từ Công ty điện lực, bên cạnh đó là việc đóng góp được vào mục tiêu phát triển xanh, góp phần bảo vệ môi trường.

Do đó, việc phát triển ĐMTMN đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, ĐMTMN có những đặc điểm riêng biệt, cần được lưu ý trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong quá trình xây dựng các chính sách, chiến lược về năng lượng nói chung.

“Ảnh hưởng lớn nhất của ĐMTMN đối với vận hành hệ thống điện là những vấn đề cần sự đánh giá sát sao, do nó trực tiếp ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn của hệ thống điện”, Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.

Hạn chế "mua - bán" điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện

Cục Điều tiết điện lực cho rằng, bên cạnh các ưu điểm, ĐMTMN còn tồn tại một số yếu điểm. Ví dụ, loại điện này có tính bất định, vì phụ thuộc vào bức xạ mặt trời. Do đó, ĐMTMN có tác dụng vào những giờ có ánh nắng mặt trời.

Vào buổi đêm, hay vào những giờ có mây, mưa ban ngày, nguồn điện từ năng lượng mặt trời suy giảm về mức thấp hoặc về 0. Vì vậy, để ổn định nguồn cung cấp điện, sẽ phải đầu tư các nguồn lưu trữ phù hợp.

Ở quy mô nhỏ là các bộ pin lưu trữ. Ở quy mô lớn là các nguồn thủy điện tích năng hoặc phải huy động các nguồn điện truyền thống điều chỉnh tăng giảm theo độ khả dụng của nguồn điện mặt trời.

Bên cạnh các ưu điểm, điện mặt trời mái nhà còn tồn tại một số yếu điểm. (Ảnh: ST)

Đối với các hộ gia đình, công xưởng đã đầu tư loại điện này sẽ thấy tính bất định thể hiện rất rõ.

“Vào những ngày âm u, mưa gió, công suất ĐMTMN giảm hẳn và phải mua điện từ lưới điện. Vào buổi đêm khi nhu cầu sử dụng điện cao thì chắc chắn phải mua điện từ Công ty điện lực nếu như không có phương pháp dự trữ điện”, Cục Điều tiết điện lực cho biết.

Bên cạnh tính bất định, ĐMTMN có tính phân tán ở quy mô nhỏ và rất nhỏ. Tính phân tán của ĐMTMN cũng có nhược điểm, đó là khả năng thu thập dữ liệu, điều khiển phục vụ công tác vận hành hệ thống điện rất khó khăn.

Cục Điều tiết điện lực cho rằng, các nhà đầu tư ĐMTMN sẽ chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư, lắp đặt của hệ thống như: công suất tấm pin là bao nhiêu, inverter, có công suất bao nhiêu, hệ khung đỡ thế nào, kết cấu chịu lực của mái có đủ điều kiện không,...

Nhưng từ góc độ của cơ quan điều độ hệ thống điện và chủ đầu tư của các nhà máy điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí) thì sự phát triển của ĐMTMN lại mang đến nỗi lo lớn về chi phí chung của hệ thống.

Vì vậy, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, với những đặc điểm kể trên dẫn đến việc phải có sự thận trọng trong quá trình phát triển ĐMTMN để có thể phát huy ưu điểm và giảm thiểu nhược điểm của ĐMTMN.

“Các nguồn ĐMTMN chỉ nên phát triển ở mức sẵn sàng tiêu thụ tại phụ tải. Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng cung – cầu của hệ thống điện, gây ra những phí tổn không cần thiết”, Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, mỗi một chính sách đều có tính hai mặt và phụ thuộc vào điều kiện cụ thể ở thời điểm ban hành. Từ bản chất và đặc điểm của ĐMTMN với những điều kiện hiện nay, đối với những nguồn ĐMTMN có nối lưới, chỉ nên khuyến khích ĐMTMN tự sản - tự tiêu, không nên khuyến khích (thậm chí nên hạn chế) việc ĐMTMN phát vào hệ thống.

“ĐMTMN phát vào hệ thống không những không phù hợp với tiêu chí “tự sản- tự tiêu” mà còn gây phát sinh chi phí cho vận hành hệ thống điện như đã phân tích trên đây”, đơn vị này chia sẻ.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-khuyen-khich-phat-dien-mat-troi-mai-nha-vao-he-thong-dien-quoc-gia-post293881.html