Mức xử phạt chưa đủ răn đe

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều hình phạt với những nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng (KOLs) vì có những hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội (MXH). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe.

Liên tiếp các vi phạm, bất chấp quy định

Thời gian qua, với sự phát triển nhanh chóng của internet và MXH, nhiều nghệ sĩ, KOLs đã có những cách thức đến gần hơn với công chúng thông qua việc chia sẻ hoạt động nghệ thuật, thậm chí cả cuộc sống cá nhân, nổi bật là hình thức livestream (tính năng phát video trực tiếp).

Người nổi tiếng quảng cáo trên MXH. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có một số nghệ sĩ, KOLs đã lợi dụng MXH để có những hành vi ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử mà người nghệ sĩ cần có, như việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ, KOLs trên MXH. Ngay từ đầu năm 2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo. Tháng 6/2021, Bộ TT&TT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH dành cho các tổ chức, cá nhân. Tháng 12/2021, Bộ VHTT&DL cũng đưa ra Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh sự thượng tôn pháp luật, không làm tổn hại uy tín của tập thể, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; giữ gìn phẩm chất đạo đức của người hoạt động nghệ thuật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Quy định thì có nhiều, vậy mà những vụ việc vi phạm pháp luật khi sử dụng MXH vẫn tiếp tục xảy ra. Đơn cử, ngày 9/4, cùng với việc xử phạt Nam Em 10 triệu đồng vì tiếp tục vi phạm về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang dư luận, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã báo cáo, kiến nghị Bộ TT&TT xem xét, xử lý ngăn chặn đối với tài khoản Facebook Nguyễn Lệ Nam Em và tài khoản TikTok Nguyễn Lệ Nam Em.

Trước đó, người mẫu Ngọc Trinh nổi tiếng trong giới showbiz Việt cũng bị tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo về hành vi "biểu diễn" trên xe phân khối lớn, thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, đăng clip lên MXH, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, đặc biệt là giới trẻ.

Tại Hội thảo về “Văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday”, người mẫu Hạ Vy cho rằng, cần có những giải pháp mạnh hơn chứ không nên chung chung đối với người nổi tiếng vi phạm. “Nếu nghệ sĩ có những ứng xử thiếu chuẩn mực trên MXH như Facebook hay TikTok, chúng ta có thể báo với các đại diện của họ ở Việt Nam để khóa tài khoản đó lại. Không cần phong sát bất kỳ ai nhưng rất cần những chế tài mạnh để hạn chế sự tác động xấu của họ đến MXH”- Hạ Vy chia sẻ.

Chưa đủ răn đe

Vừa qua, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2024, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, theo quy định, mức xử phạt đối với hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên MXH là 5-10 triệu đồng; các sở TT&TT thường lựa chọn mức xử phạt 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này chưa đủ răn đe với một số đối tượng như nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs, những người kinh doanh thu lời trên MXH, trang thương mại điện tử.

Hiện tại, Bộ TT&TT đang làm đồng thời hai việc để khắc phục tình trạng này. Thứ nhất, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 72 bổ sung một loạt quy định đối với các hoạt động trên MXH, không gian mạng. Thứ hai, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai thêm giải pháp hạn chế hình ảnh trên sóng, báo đài, trên các sân khấu. Đồng thời, đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh, trong một số trường hợp dù có tăng đến mức nào vẫn không đủ; cần phải có những hình thức xử lý cao hơn xử lý hành chính.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội: “Có những nguyên nhân khác khiến cho nghệ sĩ liên tiếp vướng vào scandal chưa hẳn đến sự nuông chiều của khán giả, mà áp lực cạnh tranh quá lớn của ngành công nghiệp giải trí, sự lỏng lẻo trong quản lý MXH, lợi ích quá lớn trong khi xử phạt không đủ sức răn đe, thậm chí do nhận thức chưa đầy đủ của chính nghệ sĩ…. Xem xét một cách toàn diện như vậy, chúng ta mới hiểu rõ hơn về thị trường giải trí, cũng như nghệ sĩ trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ TT&TT ban hành giữa tháng 6/2021, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đó có thể là một biện pháp để tăng cường trách nhiệm của các nghệ sĩ với công chúng và giúp đảm bảo sự chuyên nghiệp trong ngành giải trí, cũng như khiến họ có ý thức tự giác hơn về hành vi của mình trên MXH và trên các chương trình truyền hình, hay ngay cả trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định cấm sóng cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Để giúp các nghệ sĩ nghiêm túc hơn với nghề, cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ để họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/muc-xu-phat-chua-du-ran-de.html