Phú Thọ: Huyên Lâm Thao nâng cao chất lượng giáo dục cấp học mầm non

Các trường mầm non trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều đổi mới sáng tạo, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

Cô trò trường Mầm non Cao xá 2

Để giúp cho 90 học sinh với 3 nhóm lớp 5 tuổi làm quen với môi trường lớp 1, trường mầm non Cao Xá 2 đã chuẩn bị các điều kiện, giúp trẻ tự tin thích nghi với môi trường học mới với những nội quy và kỷ luật dành cho học sinh tiểu học như lồng ghép rèn luyện kỹ năng cần thiết khi trẻ vào lớp 1 như ngồi đúng tư thế khi vào bàn học, cầm bút đúng cách, biết đọc tốt 29 chữ cái, 10 con số và tập trung chú ý hơn khi học tại trường. Ngoài ra, các cô giáo trường mầm non Cao Xá 2 còn tổ chức rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự lập, tự phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày: tự chuẩn bị quần áo đi học, sắp xếp đồ dùng học tập, tự thực hiện những việc giáo viên giao...
Cô giáo Hoàng Thị Hồng Liên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Xá 2 cho biêt: Trẻ rất cần sự định hướng và động viên của gia đình, thầy cô. Vì vậy, để trẻ 5 tuổi có thể tự tin khi bước vào lớp 1, Phòng Giáo dục và Đào tạo Lâm Thao đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn trang bị kỹ năng, tâm thế bước vào lớp 1 cho trẻ theo chương trình chuẩn phổ cập giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các hoạt động được cụ thể hóa theo từng chủ đề, chuyên đề phù hợp với năng lực, nhận thức của trẻ trong từng giai đoạn.

Bé tham gia chương trình giao lưu "Bé tập làm chú bộ đội" trường mầm non Cao Xá 1

Việc triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” ở trường mầm non Cao Xá 1, thời gian qua đã tạo điều kiện giúp trẻ phát huy tư duy, sáng tạo, tính tự lập. Trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh cải tạo, quy hoạch, bố trí tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp nhằm tạo điều kiện cho trẻ được thỏa mãn nhu cầu học tập và khám phá, trải nghiệm. Bên trong các lớp học, trường đã chỉ đạo các lớp trang trí lớp học, bố trí góc chơi hợp lý, cô và trẻ đã làm thêm nhiều đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học. Bên ngoài lớp học đã làm mới thêm khu vui chơi với các trò chơi dân gian, khu vui chơi với cát sỏi nước, khu hoạt động nghệ thuật, đồng thời làm và mua sắm thêm thiết bị đồ chơi ngoài trời để tạo cơ hội cho trẻ được chủ động tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá. Cô giáo Cao Thị Thanh Lý, Hiệu trưởng trường Mầm non Cao Xá 1, chia sẽ: Từ khi triển khai thực hiện chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm, bản thân tôi và giáo viên đã nhận thấy được sự đổi thay trong việc dạy học, đối với giáo viên đã có kinh nghiệm xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm biết sắp xếp bố trí, các góc khu vực chơi, sao cho hợp lý, biết tổ chức các hoạt động theo hướng sáng tạo linh hoạt để cho trẻ tích cực trong việc xây dựng môi trường. Đối với trẻ bản thân tôi nhận thấy được những kết quả rất đáng mừng như sau trẻ tích cực hứng thú tham gia các hoạt động, trẻ biết thực hành khám phá trãi nghiệm, những gì mà trẻ thích.

Góc thư viện theo chủ đề STEM của trẻ Trường mầm non Sơn Vi 1

Để thực hiện tốt được giáo dục STEM ở bậc học Mầm non, Trường Mầm non Sơn Vi 1, đã thực hiện một cách khoa học. Từ việc thống nhất xây dựng kế hoạch đến việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đến kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ việc xây dựng môi trường trong, ngoài lớp học sao cho đúng với chuyên đề “Lấy trẻ làm trung tâm” tạo điều kiện tốt nhất để cho trẻ thực hành, trải nghiệm, vui chơi, học tập ở mọi nơi, mọi lúc đến việc tổ chức các hoạt động sao cho hợp lý, đồng bộ. Từ việc thống nhất trong tổ, nhóm chuyên môn đến việc huy động sự kết hợp, ủng hộ của cha mẹ học sinh. Tất cả các bước đều được trường thực hiện nghiêm túc và thực sự hiệu quả.
Theo cô giáo Dương Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Vi 1 trao đổi: Nếu như trước kia việc trang trí trong lớp học, giáo viên mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí trong việc mua nguyên liệu cắt dán màu mè, thì giờ đây công việc này lại thật đơn giản. Các góc chơi ở trong lớp bây giờ được các cô giáo khéo tay trang trí theo hướng mở, là nơi sắp xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng ngăn nắp để cho trẻ tự tìm, tự lấy, tự cất, tự trang trí bằng chính bàn tay và các sản phẩm của mình,là nơi để cho trẻ trưng bày các sản phẩm. Làm như vậy vừa giáo dục ý thức, nền nếp gọn gàng ngăn nắp vừa tạo sự say mê, hứng thú cho trẻ mà lại đỡ tốn kém. Cho nên nhiêu sản phẩm, trang trí thật đẹp mắt, thật ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Đình Thơm

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phu-tho-huyen-lam-thao-nang-cao-chat-luong-giao-duc-cap-hoc-mam-non-a24623.html