Có nhất thiết phải tổ chức ôn thi tốt nghiệp đại trà cho học sinh?

Hiệu trưởng các nhà trường đừng đặt nặng việc thu học phí, hãy căn cứ vào nhu cầu của học sinh để tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông sao cho hiệu quả.

Vào thời điểm cuối tháng 5 và 3 tuần của tháng 6 hàng năm, nhiều trường tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh theo kiểu đại trà.

Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên trung học phổ thông xin có đôi điều bàn về việc dạy ôn thi tốt nghiệp của các nhà trường hiện nay.

Ảnh minh họa.

Học sinh có lực học trung bình, yếu nên tham gia ôn thi tốt nghiệp

Có thể nhận thấy, việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh vào cuối tháng 5 và tháng 6 (sau khi đã nghỉ hè) là cần thiết, nhất là với những em có học lực trung bình, yếu.

Vào giai đoạn ôn thi "nước rút", học sinh có lực học trung bình, yếu đã biết lo lắng trong việc học tập. Các em thường đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc học nên rất cần sự đồng hành của thầy cô giáo bộ môn.

Hơn ai hết, giáo viên bộ môn hiểu rất rõ năng lực của từng học sinh, nhất là học sinh yếu, vì vậy việc tổ chức ôn thi ở trường sẽ giúp thầy cô theo sát các em, giúp ôn tập có hiệu quả.

Cùng với đó, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông là vẫn kì thi "hai trong một" - lấy điểm thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, cho nên vẫn nhiều học sinh có nhu cầu học ôn.

Bên cạnh đó, mức học phí mà các nhà trường thu là khá thấp, nằm trong khả năng chi trả của đa số phụ huynh. Dĩ nhiên, việc thu học phí như thế nào là đã có sự thỏa thuận giữa phụ huynh và hiệu trưởng các nhà trường.

Ví dụ, nhiều trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thu học phí học ôn thi hè dao động khoảng từ 1 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/tháng cho 6 môn thi tốt nghiệp (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội).

Về học phí, một phần dùng để trả thù lao cho lãnh đạo, giáo viên, một phần chi cho cơ sở vật chất như điện, nước.

Ngoài ra, học sinh được học ở trường thì phụ huynh cũng rất an tâm trong việc quản lí con em. Em nào vắng, trễ học đều được giám thị thông báo, nhắn tin cho phụ huynh qua từng từng buổi, từng ngày theo số điện thoại.

Học sinh có học lực khá, giỏi có thể tự ôn thi để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc

Một khía cạnh khác, người viết nhận thấy, hầu hết các nhà trường trung học phổ thông đều tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh theo đơn vị lớp, nghĩa là giáo viên dạy đại trà, việc này là không nên vì một số lí do sau đây.

Thứ nhất, học sinh tham gia ôn tập theo lớp đạt mức 100%, liệu học sinh và phụ huynh có bị nhà trường ép buộc hay không?

Kết quả kì thi tốt nghiệp nhiều năm qua cho thấy, tỉ lệ học sinh ở nhiều tỉnh, thành tốt nghiệp trung học phổ thông đều ở mức tiệm cận 100%.

Cùng với đó, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc cũng rất cao. Ví dụ, tỉ lệ tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc năm 2023 đạt 98,88%, cho nên theo người viết, số lượng 100% học sinh đi ôn thi là không cần thiết.

Ngoài ra, nhiều học sinh đã trúng tuyển đại học, cao đẳng theo một số phương thức như thi đánh giá năng lực, xét tuyển điểm học bạ..., các em chỉ cần đỗ tốt nghiệp là đủ điều kiện vào đại học.

Vì vậy, học sinh có lực học khá, giỏi thì không cần phải ôn thi ở trường. Các em có thể tự học, học nhóm, học trực tuyến để tiết kiệm/không phải mất học phí.

Thứ hai, việc ôn thi tốt nghiệp đại trà không mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, một lớp có 30% học sinh giỏi; 60% học sinh khá; 10% học sinh yếu, nhưng giáo viên chỉ ôn tập theo 1 dạng bài/tiết học là chưa phân hóa được năng lực học sinh.

Ví dụ đối với môn Ngữ văn, học sinh nào học yếu thì giáo viên cần dành nhiều thời gian luyện phần đọc hiểu để giúp các em làm bài thi đạt mức từ 2 điểm - 2,5 điểm/3 điểm.

Còn học sinh học khá giỏi, giáo viên không cần thiết phải ôn tập phần đọc hiểu. Thay vào đó, thầy cô giáo cần tập trung vào phần viết đoạn văn nghị luận xã hội, viết bài văn nghị luận văn học để các em có thể đạt điểm giỏi (trên 8 điểm) toàn bài thi.

Để việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông có hiệu quả, trước hết giáo viên chủ nhiệm lớp 12 cần phổ biến cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ về nội dung chương trình, cấu trúc đề theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiếp đến, hiệu trưởng đừng đặt nặng việc thu học phí (thu càng nhiều học sinh càng tốt) mà hãy căn cứ vào nhu cầu học của học sinh và sự đồng tình của phụ huynh để tổ chức ôn tập sao cho hiệu quả.

Sau cùng, học sinh hãy toàn quyền quyết định việc có tham gia ôn thi tốt nghiệp ở trường hay không. Tránh trường hợp các em đăng kí ôn tập nhưng trong quá trình học chất lượng học tập không được cải thiện thì lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-nhat-thiet-phai-to-chuc-on-thi-tot-nghiep-dai-tra-cho-hoc-sinh-post242616.gd