Nhà vệ sinh trở thành không gian vui chơi trong giờ giải lao của học sinh Trung Quốc

Các trường học ở Trung Quốc lo ngại về trách nhiệm nếu học sinh bị thương nên họ hạn chế các hoạt động trong giờ giải lao và việc này có thể khiến ký ức tuổi thơ của một thế hệ được xác định bằng thời gian đi vệ sinh.

Học sinh chọn đi vệ sinh để tránh sự theo dõi của giáo viên. Ảnh: Sixth Tone

Nhà vệ sinh - không gian vui chơi trong giờ giải lao của học sinh

Mặc dù trường học cấm học sinh ăn vặt nhưng Jia Ziyu - cô học sinh lớp 3 ở Thượng Hải vẫn lén lút nhét một vài viên kẹo vào ba lô và lên kế hoạch thưởng thức chúng trong giờ giải lao cùng với người bạn thân của mình trong phòng vệ sinh.

Khi giờ ra chơi buổi sáng bắt đầu, cô bé 9 tuổi và bạn của cô lao tới phòng vệ sinh, nơi các em có thể thoải mái trò chuyện và trao đổi đồ ăn trước khi tiết học tiếp theo bắt đầu.

"Em chọn đi vệ sinh để tránh sự theo dõi của giáo viên. Nếu bị giáo viên bắt gặp, chúng em sẽ bị trừ điểm thi đua", Jia nói.

Theo Jia, nhà vệ sinh đã trở thành một sân chơi không chính thức ở trường, nơi cô và các bạn cùng lớp có thể tham gia vào các trò chơi do chính họ sáng tạo.

Các trường học đưa ra những quy định nghiêm ngặt trong giờ giải lao

Trên mạng xã hội, hiện tượng này được gọi là "xã hội hóa nhà vệ sinh", diễn ra trong bối cảnh các trường học trên khắp Trung Quốc đưa ra những quy định ngày càng nghiêm ngặt nhằm hạn chế các hoạt động sân chơi truyền thống trong giờ giải lao.

Theo đó, những quy định này xuất phát từ những lo ngại về tai nạn và thương tích cho học sinh cũng như những hậu quả pháp lý tiềm ẩn đối với các trường học. Sự thay đổi đáng chú ý trong môi trường học đường, thoát khỏi bầu không khí nhộn nhịp truyền thống của các sân chơi trường học, đã làm dấy lên cuộc tranh luận rộng rãi.

Bất chấp quy định của Trung Quốc về bảo vệ trẻ vị thành niên trong trường học, cấm những hạn chế không cần thiết đối với việc giao tiếp, trò chơi và hoạt động bên ngoài lớp học của học sinh trong giờ giải lao, "việc giao lưu trong nhà vệ sinh giữa các học sinh" vẫn tồn tại.

Học sinh chơi trong lớp trong giờ ra chơi tại một trường tiểu học ở Bắc Kinh, ngày 17/11/2023. Ảnh: VCG

Trong một cuộc họp thường niên của các nhà hoạch định chính sách và cố vấn của đất nước vào tháng 3, Li Guohua, thành viên cố vấn của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã nêu ra vấn đề "xã hội hóa nhà vệ sinh".

Li đã đưa ra đề xuất các cơ quan giáo dục, trường học và gia đình nên phối hợp để đảm bảo an ninh tốt hơn trong khuôn viên trường và ký ức tuổi thơ của thế hệ này không nên bị định nghĩa bởi thời gian đi vệ sinh.

Mẹ của Jia, bà Wang Jia, hiện đã ngoài 40 tuổi, nhớ lại một nền văn hóa học đường khác, khi giờ ra chơi ở trường tiểu học tạo cơ hội để vui chơi với các bạn cùng lớp và thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Bà nhớ lại câu đồng dao kinh điển hàng chục năm tuổi về giờ ra chơi:"Ồ! Giải lao 10 phút".

Mặc dù bài đồng dao vẫn được hát trong trường học, nhưng hình ảnh vui tươi về những giờ giải lao hiếm xuất hiện đối với thế hệ con gái bà.

Theo China Youth Daily, hơn 75% trong số 1.908 phụ huynh học sinh tiểu học và trung học được khảo sát năm 2019 đồng ý rằng, việc nghỉ giải lao 10 phút ở trường đã được kiểm soát chặt chẽ hơn so với trước đây.

Trung Quốc có 100 triệu học sinh tiểu học vào năm 2023. Theo khảo sát, các quy định phổ biến nhất trong giờ giải lao là cấm cười lớn hoặc trò chuyện trong lớp học, yêu cầu học sinh ở trong lớp hoặc hạn chế hoạt động ngoài trời.

Làn sóng phản đối

Cindy Zhu, mẹ của một học sinh lớp 2 ở Thượng Hải, không đồng tình với quy định hạn chế hoạt động của trẻ em trong giờ giải lao. Bà Cindy Zhu nói: "Trường học rất căng thẳng đối với giới trẻ, việc nghỉ giải lao là cần thiết để đảm bảo sức khỏe của chúng".

Ngoài ra, học sinh nhỏ tuổi có xu hướng có thời gian tập trung ngắn nên khoảng thời gian thư giãn sau mỗi giờ học rất quan trọng. Zhu cho biết ngày học của con trai bà kéo dài từ 8 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều, bao gồm 8 tiết học, mỗi buổi 40 phút.

Đối với học sinh từ 7-10 tuổi, khoảng thời gian chú ý thông thường là khoảng 5-20 phút. Ở độ tuổi 10-12, sự tập trung thường được duy trì trong khoảng 25-30 phút. Các nghiên cứu cho thấy việc ngồi lâu trong lớp học có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như cận thị, béo phì và lo lắng.

Theo các chuyên gia giáo dục và giáo viên, hiện tượng "xã hội hóa nhà vệ sinh" diễn ra là do các trường học lo ngại về khả năng yêu cầu bồi thường trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc thương tích cũng như việc họ miễn cưỡng chịu trách nhiệm.

"Không thể bỏ ăn vì sợ nghẹn"

Nhà nghiên cứu Chu Zhaohui tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc cho biết, sự mơ hồ về mặt pháp lý liên quan đến trách nhiệm, quản lý và quyền kỷ luật liên quan đến tai nạn học đường khiến trường học dễ bị tổn thương.

"Việc phân định trách nhiệm không nhất quán thường dẫn đến việc áp dụng kỷ luật nghiêm khắc như là lựa chọn khả thi duy nhất để loại bỏ mọi nguy cơ tai nạn", nhà nghiên cứu Chu nói.

Học sinh chơi nhảy dây trong giờ giải lao tại một trường tiểu học ở Bắc Kinh, ngày 17/11/2023. Ảnh: VCG

Giáo viên tiểu học Lin Ying'er cho biết các trường học rất thận trọng về vấn đề an toàn cho học sinh - một chủ đề được nhấn mạnh trong các cuộc họp thường xuyên. Ngay cả những vết thương nhỏ như va chạm giữa các học sinh cũng có nguy cơ gây ra sự phản đối của phụ huynh.

Lin, cũng là mẹ của một học sinh tiểu học, nói: "Tôi thương những học sinh bị buộc phải ở trong lớp học ở độ tuổi năng động nhất. Cả nhà trường và phụ huynh phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện tại".

Sandy Wu, một giáo viên ở tỉnh Quảng Đông, cho biết giáo viên đang dàn mỏng việc giám sát hoạt động của học sinh để đảm bảo an toàn. Cô nói: "Thật khó khăn cho giáo viên vì họ phải giám sát học sinh cả ngày. Nếu một học sinh bị thương, điều đó sẽ dẫn đến rất nhiều rắc rối".

Trước tình trạng này, nhiều học sinh cũng phấn khích với những cuộc gặp gỡ "bí mật" trong nhà vệ sinh.

Trường của Sandy Wu đã trang trí các hành lang bằng các trò chơi như mê cung, Sudoku và câu đố bằng dây tiếng Trung để giải trí cho học sinh. Trong giờ giải lao, cô thường thấy học sinh trò chuyện, vui chơi cùng nhau ở đó.

Các bài tập được tăng cường, dù nhằm mục đích nâng cao thành tích học tập hay chỉ đơn giản là quản lý lịch học của học sinh, cũng đóng một vai trò quan trọng trong mong muốn thoát khỏi áp lực ở trường của trẻ em.

Ding Shan, một bà mẹ sống ở Thượng Hải, cho biết con trai mình phải đối mặt với khối lượng bài tập khổng lồ bắt buộc phải hoàn thành trong giờ học, buộc cậu bé phải học trong thời gian nghỉ giải lao.

Chuyên gia giáo dục Chu gợi ý rằng cần có một định nghĩa rõ ràng hơn về "chấn thương nhẹ" trong trường học và giáo dục trẻ nhận thức tốt hơn về an toàn học đường.

Năm 2008, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã triển khai chương trình bảo hiểm trách nhiệm trường học trên toàn quốc, được chính phủ tài trợ hoàn toàn, với mức phí bảo hiểm hàng năm giới hạn ở mức 5 nhân dân tệ (0,7 USD) cho mỗi học sinh.

Mặc dù bảo hiểm này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giải quyết một số vấn đề nhất định nhưng vẫn còn tồn tại những lo ngại về phạm vi bảo hiểm không đầy đủ và phạm vi trách nhiệm hữu hạn.

Do đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc được khuyến nghị nên tối ưu hóa việc bảo vệ bảo hiểm hoặc giới thiệu thêm các loại bảo hiểm để trang trải cho các hoạt động trong thời gian nghỉ giải lao.

Zhou Qingqing, 38 tuổi (ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc) cho biết, con gái cô không được phép xuống sân chơi sau khi lớp học của bé được chuyển từ tầng 1 lên tầng 3 vào năm ngoái.

Cô Zhou nói: "Chơi đùa vốn là một phần trong cuộc sống của trẻ em. Cũng như chúng ta không thể bỏ ăn vì sợ nghẹn, chúng ta không nên tước đi cơ hội vui chơi của chúng."

Zhou Qingqing đã tự mình giải quyết vấn đề này. Cô đã hủy các tiết học học ngoại khóa tại trường và thay vào đó khuyến khích con gái chơi ngoài trời trong 1 giờ sau khi tan học. "Tôi tin rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ quan trọng hơn điểm số", Zhou nói.

Nguồn: Sixth Tone

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-ve-sinh-tro-thanh-khong-gian-vui-choi-trong-gio-giai-lao-cua-hoc-sinh-trung-quoc-179240503152215973.htm