Lớp học của cô Ba vé số

Tuy đã nghỉ hưu 13 năm nhưng vì thương các em nhỏ không có điều kiện đến trường, cô giáo Nguyễn Thị Ba đã tình nguyện trở lại bục giảng của lớp học tình thương, gieo những con chữ đầu đời cho trẻ suốt 8 năm nay

Lớp học tình thương của cô Ba rất đặc biệt khi chỉ rộng vỏn vẹn 15 m2, nằm trên tầng 2 của Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập Cộng đồng phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Bà giáo của trẻ bán vé số

Lớp học có 23 học sinh từ 8 đến 18 tuổi, trải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp thường bắt đầu vào lúc 17 giờ vì cả cô lẫn trò đều bận đi bán vé số hay bưng bê, dọn dẹp hàng quán để mưu sinh.

Cô Ba nay bước sang tuổi 75 xưa nay hiếm, lưng đã còng mắt đã mờ, hàm răng chỉ còn vài chiếc. Song, từ khi gắn bó với lớp học vào tháng 4-2016 đến nay, cô chưa bỏ buổi dạy nào cho dù mưa bão hay đau ốm.

Lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Ba đã duy trì được 9 năm

Thời trẻ, cô Ba học Trường Sư phạm Sài Gòn, sau đó về công tác tại Trường Tiểu học Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một), đến năm 2003 thì về hưu. Cô Ba độc thân nên sau khi bố mẹ qua đời, cô về sống với anh trai ở Vĩnh Long một thời gian trước khi quay lại Thủ Dầu Một và đi bán vé số cho khuây khỏa tuổi già.

"Một hôm, tôi gặp 3 bé khoảng 6-7 tuổi đi bán vé số. Tôi hỏi thì các em nói không được đi học, ba mẹ ở quê lên nghèo lắm, đang đi mướn nhà trọ, đi làm thuê, không có tiền cho đi học. Tôi mới hỏi có muốn đi học không thì các em bảo rất thích" - cô Ba nhớ lại.

Hằng ngày, cô Ba đi bộ từ nhà trọ nằm trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Tiết, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một đến lớp học khoảng 2 km, mất 45 phút. Hôm nào trời mưa, cô gọi xe ôm nhưng cũng có hôm xe ôm ngại chở, cô lại lội nước, khi đến được lớp thì người ướt sũng. Khi thấy cô giáo đến, học trò chạy ra đỡ túi, lau tóc ướt khiến cô rất xúc động và hạnh phúc.

Ngoài dạy con chữ, cô Ba còn đề cao dạy đạo đức, lễ nghĩa cho các em. Một số trẻ từ chỗ chưa chăm học, thói quen sinh hoạt chưa nề nếp đã được cô Ba uốn nắn, nay biết chào hỏi lễ phép, học tập nghiêm túc và sắp xếp thời gian khoa học trong ngày.

Bền bỉ suốt 8 năm

Một ngày với cô Ba bắt đầu từ 6 giờ sáng và có hôm kết thúc vào lúc 23 giờ, khi trên tay không còn tấm vé số nào. Từ tinh mơ, cô lẳng lặng rời nhà trọ đi bán vé số đến khoảng 11 giờ rồi trở về nhà. Buổi chiều, cô lại đi bán đến hơn 16 giờ để kịp giờ lên lớp từ 17 đến 19 giờ.

Sau giờ học, dù đã muộn nhưng bà giáo già vẫn đi mời khách mua những tờ vé số của ngày hôm sau. Đêm vào khuya, cô Ba lại chong đèn soạn giáo án, chấm bài như một thói quen nghề nghiệp gắn bó suốt cuộc đời.

Cô Ba nói cô không xấu hổ hay mắc cỡ khi đi bán vé số. Ngược lại, cô cảm thấy rất hãnh diện vì đồng tiền làm ra bằng công sức của mình. Mỗi ngày cô Ba bán được khoảng 240 tờ vé số. Đặc biệt, cô chia lời thành 3 phần, một phần dùng để mua đồ dùng học tập, tặng quà cho học sinh; một phần dành cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu trọ và phần còn lại dành cho sinh hoạt cá nhân.

Gần 4 năm qua, cô Ba đã lập một sổ tay với danh sách 12 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như bị tai biến, khuyết tật, người già neo đơn để hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm định kỳ. Còn đối với học trò, cô tặng đồ dùng học tập, quà, bánh liên tục và hỗ trợ mỗi em 5 kg gạo/tháng.

Trong căn nhà trọ của cô Ba, ngoài những tập sách và các bức ảnh đã nhuốm màu thời gian thì luôn có sẵn sữa, bánh kẹo để mang đến cho học sinh hằng ngày. Mấy năm gần đây, cô Ba còn cùng những người bạn quyên góp kinh phí nấu cơm hoặc cháo phát miễn phí cho người lao động nghèo vào ngày rằm.

Cô Ba luôn mang theo chiếc túi xách to đùng bên người. Trong túi ngoài vé số thì có những quyển giáo án từ lớp 1 đến lớp 5 cùng quyển sổ liên lạc của học sinh.

Thông thường, vào buổi chiều, các em nhỏ khác được bố mẹ đón về nhà, vui chơi rồi ăn cơm nhưng trẻ ở đây tranh thủ thời gian đó để học chữ. Do cuộc sống mưu sinh, một số em đến lớp mệt quá nên ngủ hoặc đau bụng, nhức đầu, cô Ba sẽ gọi phụ huynh đến đón về. Ngoài ra, cuốn sổ còn giúp cô quản lý danh sách để phát quà.

Học sinh tặng hoa tri ân cô Ba - người lái đò thầm lặng

Cứ thế bền bỉ suốt 8 năm qua, kể cả thời gian dịch bệnh, lớp học cũng không bị gián đoạn. Điều cô Ba tự hào nhất là cô cho các em biết chữ. Con chữ đó sẽ giúp các em thay đổi cuộc đời. "Những tập vở tôi phát luyện chữ viết, nhiều em ngồi cho tôi rèn luyện. Khi thấy em nào viết đúng chữ nét đẹp thì tôi mới cho ra về" - cô Ba cười.

Em Doãn Thị Yến Nhi (18 tuổi) xúc động: "Từ nhỏ em không được đi học. Mãi đến năm 14 tuổi, em mới theo lớp cô Ba. Từ lúc đến đây học, em biết chữ và đọc rất nhanh, đúng chính tả. Nếu em phải viết những bài văn thì bài đầu tiên sẽ viết về cô Ba, người em rất yêu mến và kính trọng".

Nhiều phụ huynh rất đồng cảm với cô Ba. Nhiều lần cô bệnh, phụ huynh đến thăm và tặng quà. Cô rất vui nhưng không nhận vì điều kiện phụ huynh còn rất khó khăn. "Song, phụ huynh nói đó là tấm lòng của họ, tôi nhận họ mới vui. Tôi cảm thấy mình rất được trân trọng" - cô Ba tâm sự.

Tính đến nay, lớp học tình thương đã dạy hơn 100 lượt học sinh. Các em đã hoàn thành chương trình từ lớp 1 đến lớp 5, có thể đọc viết trơn tru và thực hiện được những phép tính cơ bản. Cô Ba cũng như Đoàn phường Phú Cường mong muốn sẽ kết nối để giúp các em được học nghề, có một công việc ổn định trong tương lai…

Người phụ nữ "rất giàu có"

Anh Phạm Minh Cường, cán bộ UBND phường Phú Cường - phụ trách lớp học tình thương, cho biết lớp học do Đoàn phường thành lập từ năm 2015. "Lúc cô Ba đến đề xuất dạy cho các em, chúng tôi rất bất ngờ vì không nghĩ một bà cụ đi bán vé số lại có thể đứng lớp do khi ấy, cô cũng chưa nói từng là giáo viên tiểu học. Chúng tôi rất hoan nghênh và mời cô dạy luôn" - anh Cường nhớ lại.

"Chúng tôi biết ơn cô Ba sâu sắc vì cô đã bỏ hết thời gian, công sức của mình để chăm lo cho các em nhỏ và rèn luyện nhiều trẻ nên người. Tôi thường hay trêu rằng, cô Ba rất giàu có - giàu tình yêu thương, giàu có học trò" - anh Cường chia sẻ.

Năm 2020, cô Ba được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Tình nguyện quốc gia.

Bài và ảnh: Bách Khoa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lop-hoc-cua-co-ba-ve-so-196240414211756331.htm