Làm chủ sinh, tử qua Milinda vấn Đạo

Milinda vấn đạo chỉ ra tập hợp các quan điểm tái sinh, luân hồi khá đầy đủ thông qua cuộc vấn đáp của vua Milinda và tỳ kheo Na Tiên (Nagasena) là hai nhân vật có thật, đồng thời bản kinh này được các bộ phái cả Nam Tông và Bắc Tông chấp nhận.

Mục lục bài viết

Milinda vấn đạo chỉ ra tập hợp các quan điểm tái sinh, luân hồi khá đầy đủ thông qua cuộc vấn đáp của vua Milinda và tỳ kheo Na Tiên (Nagasena) là hai nhân vật có thật, đồng thời bản kinh này được các bộ phái cả Nam Tông và Bắc Tông chấp nhận.

Mở đầu
1. Giới thiệu chung về Milinda vấn đạo
2. Thuật ngữ “Tái sinh”
3. Làm chủ sinh tử qua Milnda vấn đạo
Kết luận

Milinda vấn đạo chỉ ra tập hợp các quan điểm tái sinh, luân hồi khá đầy đủ thông qua cuộc vấn đáp của vua Milinda và tỳ kheo Na Tiên (Nagasena) là hai nhân vật có thật, đồng thời bản kinh này được các bộ phái cả Nam Tông và Bắc Tông chấp nhận.

Tác giả: Thích Đàm Uyên
Học viên thạc sĩ Phật học Khóa 3, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

Tóm tắt: Ai ai trong chúng ta đều nghe qua sự tái sinh hay con người sau khi chết sẽ được nghiệp dẫn dắt đến một cuộc sống khác theo một vòng lặp đi lặp lại không bao giờ dứt tức vòng luân hồi (Samsara). Không chỉ vậy, ngay cuộc sống thực tại chúng ta luôn bị bao vây bởi lo lắng, khổ đau về trang phục, thức ăn, cô đơn, đau đớn, tuyệt vọng, học hành, việc làm, vật chất, tinh thần, bệnh, chết …

Chúng ta cũng nhận thấy rằng cuộc sống hồng trần này là chuỗi khổ đau bất tận, bản thân phải đối diện với khổ đau về thể xác và tinh thần. Chúng ta sẽ không thể tìm ra bất kỳ ai không vướng một nỗi đau nào dù là A La Hán đã đoạn dứt phiền não, không còn tái sinh, nhưng vẫn còn tồn tại uẩn. Nếu như chúng ta cố tạo ra những niềm vui thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhưng theo quy luật thành, trụ, hoại, không thì khổ đau liền có mặt ngay sau đó.

Thực tế cho thấy đa số chúng hữu tình đều lo sợ buồn đau, tan hoại, chết… mà không chấp nhận nguyên nhân sinh ra nó. Chính sự sinh ra rồi diệt đi của từng khổ đau này cũng tạo ra một vòng lặp tái sinh ngay khi còn sống không chỉ khi sinh tử mới gọi là tái sinh. Vậy chúng ta cần làm gì để làm chủ sinh tử của mình hay sự tái sinh? Trong Milinda Vấn đạo có một khía cạnh chỉ ra cho mỗi cá nhân thấy và thể nhận, vận dụng vào cuộc đời chính mình.

Từ khóa: tái sinh, Milinda vấn đạo, Mi tiên vấn đáp, Kinh Mi Tiên, Tỳ kheo Na Tiên

Mở đầu

Phật giáo cũng là một nền triết học, Milinda vấn đạo lại chứa đựng nhiều tư tưởng triết học sâu sắc trong đó có tư tưởng tái sinh, luân hồi là cơ bản cho bước đầu học pháp được nhắc đến nhiều lần, đồng thời đây cũng là bước ngoặc cho sự giao thoa giữa tư tưởng nguyên thủy và Phật giáo phát triển sau này.

Milinda vấn đạo chỉ ra tập hợp các quan điểm tái sinh, luân hồi khá đầy đủ thông qua cuộc vấn đáp của vua Milinda và tỳ kheo Na Tiên (Nagasena) là hai nhân vật có thật, đồng thời bản kinh này được các bộ phái cả Nam Tông và Bắc Tông chấp nhận. Tư tưởng tái sinh được chỉ ra trên nhiều góc độ nhưng bài viết này người viết chỉ đề cập khía cạnh làm chủ tái sinh qua Milinda vấn đạo.

1. Giới thiệu chung về Milinda vấn đạo

Milinda Vấn Đạo là một trong năm tên bản dịch bằng tiếng Việt do Indacanda (Trương Đình Dũng) dịch và được xuất bản bởi NXB Tôn Giáo. Ngoài ra bản gốc có tên Milindapañha (tiếng Pali), tiếng Hán là 那先比丘經, tiếng Anh là Milinda and Nāgasensa Refl on Their Questions and Answers; “Milinda’s Questions” hay “Questions of King Milinda”.

Tác phẩm này hàm chứa ý nghĩa và giá trị tư tưởng triết học, Phật học thâm sâu nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ ban đầu, chưa bị pha trộn bởi tư tưởng của sự phân chia bộ phái sau thời đức Phật nhập diệt. Ngoài sự kế thừa tư tưởng ban đầu, Milinda vấn đạo còn mang luồng sinh khí mới, sự giao thoa tư tưởng nguyên thủy và đại thừa.

Tuy có nhiều giả định về thời gian xuất hiện của bản kinh nhưng qua nhiều tư liệu khác nhau ta có thể chấp nhận bản kinh ra đời khoảng 500 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn và được ghi lại ở Tích Lan, nhưng có nguồn gốc xuất xứ tại Ấn Độ.(1,2)

2. Thuật ngữ “Tái sinh”

Cuộc sống sau khi chết thường được gọi là tái sinh. Theo Từ điển Phật học phổ thông (1984) định nghĩa: “Tái sinh là một học thuyết của Ấn Độ mà đức Phật thị hiện trong giáo lý của chính mình trong một hình thức cải biến. Ở đây, tái sinh khác với luân hồi. Bởi vì, luân hồi có nghĩa sẽ trở lại địa cầu với cơ thể mới riêng biệt hay gọi là linh hồn.

Quan điểm của Phật giáo cho rằng tái sinh là kết quả của nghiệp nghĩa là không có thực thể bất tử chuyển từ đời này sang đời khác, nhưng kiếp sau là hệ quả của kiếp trước và là nhân cho kiếp về sau nữa. Humphereys cho rằng nghiệp thúc đẩy con người trở lại thế giới theo vòng luân hồi và là kết quả của dục vọng”.(3)

Từ điển Phật Học Huệ Quang định nghĩa: “Tái sinh nghĩa là đã chết mà sống lại hoặc bắt đầu một cuộc sống mới sau khi gia nhập một tín ngưỡng nào đó hoặc chỉ cho việc sinh trở lại thế gian. Phật giáo sử dụng tư tưởng luân hồi vốn có của Ấn Độ và thuyết nghiệp báo làm nền tảng để thiết lập thuyết luân hồi đặc biệt của mình. Thuyết này chủ trương nếu tạo ác nghiệp sẽ sinh vào trong các đường ác địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh … nếu tạo thiện nghiệp như giữ gìn ngũ giới,… thì tái sinh trong nhân gian hoặc sinh lên cõi trời.

Riêng Đại thừa thì chủ trương tư tưởng lợi tha, cho rằng Bồ tát tự lợi, lợi tha đã viên mãn, vì cứu độ chúng sinh mà thị hiện các hình tướng, tái sinh vào thế gian để dẫn dắt loài người mê vọng, khiến họ đạt đến cảnh giới giác ngộ. Ngoài ra, tái sinh cũng chỉ cho tỳ kheo, vì khi vị này sinh vào cõi người thì gọi là sơ sinh, sau khi thụ đại giới là sinh ra lần thứ hai, nên gọi là tái sinh.” (4)

Qua hai luận điểm trên cho thấy nghiệp tác động tới tái sinh. Quá trình này con người vẫn có thể làm chủ theo ý muốn khi đạt sự giác ngộ. Mặt khác, khi sống như một vị sa môn vừa xuất gia là sơ sinh, khi thụ đầy đủ giới pháp thành một tăng chúng chính thức cũng gọi tái sinh. Tương tự như vậy, trong mỗi hơi thở, ý nghĩ, việc làm đều tồn tại sự sinh khởi và hoại diệt, mỗi lần như vậy cũng là tái sinh. Nói chung, tái sinh là sự sinh khởi, sự sắp thành hiện hữu và sự tồn tại của chúng sinh trong tương lai.

Khi cơ thể vật lý không còn khả năng hoạt động nữa, năng lượng không chết theo nó mà tiếp tục mang một số hình dạng khác mà chúng ta gọi là một cuộc sống khác. Nghiệp lực biểu hiện dưới hình thức con người cũng có thể biểu hiện dưới hình thức động vật. Lực lượng này, được gọi là sự thèm muốn, ham muốn, ý muốn, khát sống, không kết thúc với sự không hoạt động của cơ thể mà tiếp tục biểu hiện dưới một hình thức khác, với sự hợp tác của các năng lượng vũ trụ hiện có, tạo ra sự tái tồn tại, gọi là tái sinh.

Những người khác nhau có quan điểm và niềm tin khác nhau về những gì xảy ra sau khi chết. Mặc dù tất cả các trường phái Phật giáo đều nhất trí chấp nhận rằng cái chết đánh dấu sự kết thúc của đời này và sự bắt đầu của những đời sau đối với những người vẫn còn bị ràng buộc trong vòng luân hồi (luân hồi), nhưng không phải tất cả đều có chung quan điểm và cách giải thích khi nói đến quá trình thực tế của cái chết và sự tái sinh.

3. Làm chủ sinh tử qua Milnda vấn đạo

Sinh tử luân hồi vì đâu sinh ra? Đó là vì tham ái mà tái sinh: “Do sự sinh khởi của luyến ái đã được tạo ra trước đó, do sự chạm vào mà hội tụ được sinh lên. Do sự hội tụ mà có sự nhập thai.”(5) Do chấp thủ (ngã mạn): “Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ tôi sẽ tái sinh. Nếu tôi không còn chấp thủ thì tôi sẽ không đi tái sinh?”(6) Do tà kiến: “Đối với kẻ đã tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ, đối với kẻ có tà kiến ….cho dầu đã thực hành tốt đẹp cũng không có sự lĩnh hội giáo pháp.”(7)

Do nghiệp nhân mà có danh sắc, các hành đi tái sinh: “Tái sinh không phải là chuyển sang.… giống như người nào đó thắp sáng cây đèn từ cây đèn khác, tâu đại vương, phải chăng cây đèn ấy được chuyển sang từ cây đèn kia. Thưa ngài, không phải. Thưa ngài Nagasena, nếu không có việc từ thân này được chuyển sang thân khác, không lẽ sẽ được thoát khỏi các nghiệp ác? Tâu đại vương, đúng vậy. Nếu không tái sinh thì sẽ được thoát khỏi các nghiệp ác.

Tâu đại vương, chính vì tái sinh mà không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác. … người tạo nghiệp tốt đẹp hoặc không tốt đẹp với danh sắc này, do nghiệp ấy danh sắc khác tái sinh. Vì thế mà không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác.” (8)

Do vô minh: “Tâu đại vương, đối với vị A La Hán tất cả cảnh giới tái sinh đã bị chặt đứt, nguồn sản xuất đã bị tiêu hoại, sự nối liền với việc tái sinh đã bị hủy diệt, khung sườn đã bị phá vỡ, tất cả các điều kiện của hữu đã bị tiêu hủy, tất cả các hành đã bị trừ tuyệt, thiện và bất thiện đã bị thủ tiêu, vô minh đã bị tiêu tan, thức không còn chủng tử đã được tạo lập, tất cả phiền não đã được đốt cháy, các pháp thế gian đã được vượt lên; vì thế vị A La Hán không run sợ đối với tất cả các nỗi sợ hãi.”(9)

Như vậy, người chết mà không biết về sự tham ái, dục vọng, bản ngã của mình, chấp vào cái của tôi, tạo nhiều hành vi bất thiện dẫn tới tích chứa nghiệp đen sẽ được tái sinh hoặc trở lại trạng thái tiến hóa thấp hơn do nghiệp nhân đã tạo tác quyết định. Những người chết trong sự nhận thức rõ về các căn nguyên trên cuối cùng sẽ được giải thoát khỏi vòng sinh tử. Họ có được sự bình yên viên mãn. Khi nhận thức được như thế, họ thực hành các điều thiện, dứt ái, tham, chấp ngã, và làm chủ cả cuộc sống thực tại của mình.

Mặt khác, “Đức vua đã nói rằng: Thưa ngài Nagasena, có người nào chết mà không tái sinh? Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, có người tái sinh, có người không tái sinh. Người nào tái sinh? Người nào không tái sinh? Tâu đại vương, người còn phiền não tái sinh. Người không còn phiền não không tái sinh. Thưa ngài, có phải ngài sẽ tái sinh? Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ, tôi sẽ tái sinh. Nếu tôi không còn chấp thủ, tôi sẽ không tái sinh.”(10)

Đồng thời, Đức Phật cũng dạy rằng: “Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi!”(11)

Do đó, nếu mỗi cá nhân nhận diện được nguồn gốc của khổ, phương pháp diệt khổ và thực hành rốt ráo thì sẽ không phiền não, không chấp đồ vật, người này, người khác… là của mình nữa, không bám víu vào hình thức bên ngoài tức đã làm chủ được cuộc sống an vui trong từng sát na của mình, khi cận tử cũng không lo lắng mà bình thản đón nhận, nghĩ nhớ điều lành và làm điều phúc thiện sinh tới những cảnh giới tịnh thanh như mình họa trong lời Phật từng dạy: “Tâu đại vương, các chúng sinh có thiện căn dồi dào sinh lên theo như ước muốn ở gia tộc Sát Đế Lỵ giàu có, hoặc ở gia tộc Bà La Môn giàu có, hoặc ở ở gia tộc người tại gia giàu có, hoặc ở giữa chư Thiên, hoặc từ nguồn gốc noãn sinh, hoặc từ nguồn gốc thai sinh, hoặc từ nguồn gốc thấp sinh, hoặc từ nguồn gốc hóa sinh. Sự nhập vào bào thai của chúng sinh do tác động của nghiệp nghĩa là như vậy.”

Vậy, hành động thiện lành là như thế nào? Chúng ta có thể hiểu qua ví dụ, một phật tử thuần thành có thể nhớ lại cách mình đã giúp đỡ người nghèo khó, cúng dường những vật dụng cần thiết cho các thành viên của tăng đoàn, cách mình đã cứu mạng một người, thực hành thiền định trong các khóa nhập thất chuyên sâu, v.v…

Trong trường hợp một người độc ác hoặc vô lương tâm, ký ức của anh ta nhớ lại việc anh ta đã lên kế hoạch bỏ tù bạn mình để trả thù, lạm dụng tiền với tư cách là người quản lý của một hiệp hội tôn giáo, cách anh ta lừa gạt nhân viên của mình hoặc ngoại tình với người giúp việc của mình…

Nhưng nếu người sắp chết phạm phải một trong những tội ác ghê tởm (anantariya kamma) tức là giết mẹ, giết cha mẹ, giết Arahanta, làm tổn thương đức Phật và ác ý tạo ra sự chia rẽ trong tăng đoàn và cố định tà kiến (niyata micchāditthi) trong trường hợp tạo bất thiện nghiệp; và phát triển các thiền trong trường hợp thiện nghiệp, người đó chắc chắn sẽ kinh nghiệm nghiệp như vậy trước khi chết.

Chúng ta có thể hiểu thêm qua đối thoại: “Tâu đại vương, đối với vị A La Hán tất cả cảnh giới tái sinh đã bị chặt đứt, nguồn sản xuất đã bị tiêu hoại, sự nối liền với việc tái sinh đã bị hủy diệt, khung sườn đã bị phá vỡ, tất cả các điều kiện của hữu đã bị tiêu hủy, tất cả các hành đã bị trừ tuyệt, thiện và bất thiện đã bị thủ tiêu, vô minh đã bị tiêu tan, thức không còn chủng tử đã được tạo lập, tất cả phiền não đã được đốt cháy, các pháp thế gian đã được vượt lên; vì thế vị A La Hán không run sợ đối với tất cả các nỗi sợ hãi.”(13)

Ta có thể thấy bậc chứng ngộ dù là cái chết hay bất cứ điều gì đều không run sợ mà rất bình tĩnh. Để đạt được như vậy các vị đã nỗ lực tu tập nhận diện căn nguyên mà đoạn diệt chấp thủ, ngã, kiến, vô minh, ái dục v.v… Con người bình thường như chúng ta ai ai cũng có thể làm được như vậy.

Chỉ cần mỗi người luôn chính niệm, tỉnh giác trong từng ý nghĩ, hành vi, thực hành phương pháp tám đúng tức bát chính đạo, hiểu và vận dụng tứ diệu đế vào cuộc sống, khi làm biết rõ đang làm gì, khi đi, đứng, nằm, ngồi v.v… đều rõ; đồng thời luôn huân tập ý thiện, làm lành, giúp người không mong cầu, không tham lam, ái nhiễm, dục vọng, chấp vào cái này của tôi v.v… thì chắc chắn làm chủ được đời mình, không bị sinh tử chi phối, não hại thân tâm nữa.

Kết luận

Nhìn chung, tư tưởng tái sinh luân hồi chứa đựng nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, căn nguyên cốt lõi đưa đến tiến trình này đều do tham ái, vô minh, tà kiến, ngã mạn, chấp thủ, nghiệp; từ đó phiền não, khổ đau.

Vì vậy, con người chúng ta cần nhận diện rõ và có phương pháp tu tập, suy nghĩ, hành động thiện lương để ngay từng giây phút thực tại bản thân an vui, làm điều thiện lành, không rơi vào đoạn kiến hay thường kiến, không quá bám chấp vào các uẩn, thân xác, vật chất nữa, từ đó làm chủ cuộc đời, không bị sinh tử chi phối, xã hội, gia đình được bao phủ bởi tình yêu thương, giúp đỡ, đạo đức, nhân văn.

Tác giả: Thích Đàm Uyên
Học viên thạc sĩ Phật học Khóa 3, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Christmas Humphreys (1984), A Popular Dictionary of Buddhism, Nxb London: the Buddhist Society, tr.156

2. Indacanda (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.xx, xxi

3. Giới Nghiêm (2010), Mi Tiên Vấn Đáp, Nxb Văn Học, Hà Nội, Lời Nói Đầu, tr.12.

4. Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.46, 47 Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.75

5. Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.114, 115

6. Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.207

7. Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.207, 208

8. Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.235

9. Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.494

10. Kinh Tương Ưng 3, Thích Minh Châu (dịch, 1991), Thiên Uẩn, Chương I Tương Ưng Uẩn B. Năm Mươi Kinh Ở Giữa V. Phẩm Hoa, Nxb Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.267

11. Thích Minh Cảnh (2007), Từ điển Phật Học Huệ Quang, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, tập 5, tr. 4040, mục 15477

CHÚ THÍCH:
(1) Giới Nghiêm (2010), Mi Tiên Vấn Đáp, Nxb Văn Học, Hà Nội, Lời Nói Đầu, tr.12.

(2) Indacanda (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.xx, xxi

(3) “Rebirth an Indian doctrine which the Buddha embodied in his own teaching in a modifi form. To be distinguished from transmigration, for the latter implies the return to earth in a new body of a distinct entity which may be called a soul. In Buddhism rebirth is the corollary of kamma (q.v.); i.e., no immortal entity passes from life to life, but each life must be considered the kammic effect of previous life and the cause of following life. The Kainma which causes men to return to this world in a cycle of rebirths is the result of desire”
[Christmas Humphreys (1984), A Popular Dictionary of Buddhism, Nxb London: the Buddhist Society, tr.156.]

(4) Thích Minh Cảnh (2007), Từ điển Phật Học Huệ Quang, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, tập 5, tr. 4040, mục 15477.

(5) Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.207

(6) Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.75

(7) Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.494

(8) Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.114, 115

(9) Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.235

(10) Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.46, 47

(11) Kinh Tương Ưng 3, Thích Minh Châu (dịch, 1991), Thiên Uẩn, Chương I Tương Ưng Uẩn B. Năm Mươi Kinh Ở Giữa V. Phẩm Hoa, Nxb Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.267.

(12) Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.207, 208

(13) Indacanda (Trương Đình Dũng) (2015), Milinda Vấn Đạo, Nxb Tôn Giáo, tr.235

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/lam-chu-sinh-tu-qua-milinda-van-dao.html