Kỳ thi riêng vào đại học: Tạo cơ hội hay thêm áp lực?

Từ cuối tháng 12, các trường đại học bắt đầu tổ chức kỳ thi riêng, chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2024. Liên tiếp các kỳ thi được tổ chức thêm nhiều cơ hội cho các em học sinh, nhưng lại khiến cho các thí sinh và phụ huynh thêm áp lực.

Vượt đường xa dự thi

Đi tàu xuyên đêm từ Hà Nội, mẹ con thí sinh Bùi Hồng Nam (Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên) đến Trường Đại học Vinh (Nghệ An) lúc 7 giờ sáng để tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì lịch thi của Nam vào buổi chiều, họ quyết định không thuê nhà trọ gần trường mà nghỉ tạm tại khuôn viên của Trường Đại học Vinh. Bữa sáng của hai mẹ con đơn giản với vài món thức ăn mang theo từ nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tại điểm thi Trường Đại học Vinh (Nghệ An).

Dấu hiệu mệt mỏi do vượt quãng đường hơn 300 km hiện trên khuôn mặt, Bùi Hồng Nam cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra trong 6 đợt. "Trong đợt đầu tiên, em canh liên tục 3 ngày nhưng không thể đăng ký thi ở Hà Nội. Vì vậy, em buộc phải đến Nghệ An thi dù vất vả tốn kém hơn rất nhiều lần", em Bùi Hồng Nam chia sẻ.

Trước đó, dù là học sinh trường chuyên, có học lực tốt nhưng năm nay Nam đặt mục tiêu vào Khoa công nghệ thông tin (Đại học quốc gia Hà Nội), một trong những khoa có điểm chuẩn cao nhất trường. Tuy nhiên, chỉ tiêu cho khoa này dành cho thí sinh lấy điểm xét tốt nghiệp chưa đến 20% nên em không thực sự tự tin vào bản thân. Vì thế, việc tham gia kỳ thi đánh giá năng lực sẽ cho em thêm cơ hội để trúng tuyển.

Cũng từ Hà Nội vào dự thi, mẹ con chị Đinh Thị Lam Giang may mắn hơn vì quê chồng chị ở phường Hưng Dũng, ngay trung tâm TP Vinh. Vì lịch học con trai lớp 12 khá dày đặc nên mẹ con chỉ kịp đến Vinh trước 3 tiếng đồng hồ. Sau khi hoàn thành buổi thi, mẹ con chị lại phải vội vàng khăn gói quay trở lại Hà Nội, để không bị lỡ các buổi ôn tập.

Thí sinh xem thông tin sơ đồ phòng thi tại điểm thi Trường Đại học Vinh (Nghệ An).

"Thương các con vì áp lực quá lớn trong năm cuối cấp 3. Ở trường cháu học 2 buổi/1 ngày. Nếu đăng ký học thêm ở ngoài nữa các con không có thời gian nghỉ ngơi", chị Giang nói.

Để chuẩn bị cho kỳ xét tuyển đại học năm nay, con trai chị Giang tham gia kỳ thi để lấy chứng chỉ IELTS, kỳ thi đánh giá năng lực và sắp tới là kỳ thi tốt nghiệp THPT. "Mỗi kỳ thi đều quan trọng, vì vậy các con phải học hành cật lực, đặc biệt là với kỳ thi đánh giá năng lực. Ngoài 3 môn thi để xét tuyển đại học là Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh, các con còn phải học thêm Lý - Hóa - Sinh, Địa lý - Lịch sử với kiến thức tích lũy trong suốt 3 năm THPT," chị Giang chia sẻ. Theo chị Giang, việc đăng ký dự thi cũng gặp nhiều khó khăn vì thí sinh quá tải. Nhiều thí sinh phải "canh" đến 3 ngày mới có một suất cuối cùng đăng ký thi tại TP Vinh.

Càng nhiều cơ hội, càng tăng áp lực

Năm 2024, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó có 2 kỳ thi được phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Vinh vào tháng 4 và tháng 5.

Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tại Nghệ An, với sự tham gia của khoảng 2.000 thí sinh trong đợt thi diễn ra vào ngày 20-21/4.

Mặc dù đây là kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều trường đại học sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Vì thế, rất đông thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi để tăng lựa chọn và cơ hội trúng tuyển vào trường, ngành học mình yêu thích. Trong đợt thi tổ chức tại Nghệ An, không chỉ thí sinh trong tỉnh, mà nhiều em đến từ các tỉnh thành khác nhau trên cả nước.

Nhiều thí sinh cho biết, dù quy định mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 lần, nhưng hầu hết các em chỉ thành công trong một lần duy nhất. Năm nay, cả nước có khoảng 95.000 thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi này. Bên cạnh kỳ thi của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, còn có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực và tư duy do các trường đại học tổ chức. Tham gia các kỳ thi này mang lại cho thí sinh nhiều cơ hội vào các trường đại học. Tuy nhiên, áp lực cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba do mỗi kỳ thi mang một đặc điểm riêng. Thêm vào đó, thí sinh còn phải đối mặt với chi phí thi, chi phí di chuyển và chi phí ăn ở trong những ngày thi.

Ngoài ra, các thí sinh khi tham gia kỳ thi này phải đăng ký một khóa học trực tuyến học liên tục 7 ngày/1 tuần và tìm thêm nhiều tư liệu ở ngoài. Có những buổi học lên đến 1000 học sinh tham gia, nếu không tập trung sẽ khó hiệu quả.

Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi bước vào phòng thi.

Nói về những áp lực này, em Hồng Anh, Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) cho biết, em theo khối A (Toán - Lý - Hóa) nên việc học các môn xã hội để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực là một thách thức lớn. "Em quyết định tham gia kỳ thi riêng từ cuối lớp 11 và dành phần lớn thời gian để tập trung cho 7 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn. Nhiều kiến thức của các môn xã hội em học từ năm lớp 10, lớp 11 nên bị hổng rất nhiều. Hơn nữa, cấu trúc của đề thi cũng khác biệt đáng kể so với các đề truyền thống. Vì không có điều kiện tham gia ôn thi trực tuyến, nên chủ yếu là tự học", em Hồng Anh cho biết.

Trước đó, trong chương trình Tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2024, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới. Định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng năng lực cá nhân. "Chúng tôi nhấn mạnh bài thi đánh giá năng lực không đố mẹo, không đánh đố. Vì vậy, thí sinh có học lực trung bình khá nếu biết hệ thống hóa kiến thức, ôn tập một cách bài bản và nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa thì thí sinh vẫn có thể tham gia kỳ thi này và đạt kết quả tốt", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-thi-rieng-vao-dai-hoc-tao-co-hoi-hay-them-ap-luc-169240422102927357.htm