Khai thác lợi thế, hạn chế mặt tiêu cực của AI

Trí tuệ nhân tạo là động lực cho sự đổi mới nhưng nó cũng tạo ra nhiều rủi ro về an toàn thông tin.

Trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra tiềm năng cho Việt Nam trong các lĩnh vực như y học, môi trường, giáo dục, phúc lợi công cộng. Nó cũng giúp người lao động rút ngắn thời gian làm việc, giúp nhà kinh doanh nâng cao hiệu suất, thúc đẩy kinh doanh và vận hành, đảm bảo an toàn dữ liệu…

Tiến bộ vượt bậc so với tưởng tượng

Một bản nhạc giao hưởng thính phòng, một ý tưởng đầy tính gợi mở cho lời bài hát, một bức tranh nghệ thuật hay ý tưởng về kịch bản sân khấu… đều có thể tạo nên nhờ trí tuệ nhân tạo. Đó là nhận xét của anh Trần Thủy, nhân viên IT của một đơn vị sản xuất trò chơi âm nhạc nổi tiếng tại Việt Nam, khi nói về khả năng của trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào công việc của mình.

Theo anh Thủy, công nghệ AI đang cho thấy sự sáng tạo vượt bậc so với khả năng tưởng tượng của con người. Vì vậy, AI đem lại nhiều lợi ích trong công việc và cuộc sống.

Các bạn trẻ thích thú trải nghiệm công nghệ mới tại Tuần lễ chuyển đổi số tại TP.HCM. Ảnh: MINH HOÀNG

TS Nguyễn Thị Thủy, giảng viên cao cấp chương trình thạc sĩ trí tuệ nhân tạo, ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá AI đang giúp các ngành nghề nâng cao năng suất, hiệu quả, giảm thiểu chi phí và mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Cùng với đó, AI sẽ mở ra thêm nhiều lĩnh vực mới, như việc xây dựng các ứng dụng AI chuyên biệt, địa phương cho thị trường 100 triệu dân… Đây là những mảng có tiềm năng lớn cho người Việt.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Trọng Nghĩa, nhà sáng lập Công ty TNHH Bizzi Việt Nam, cũng nhìn nhận chỉ tính riêng việc ứng dụng ChatGPT, DALL-E/Mid Journey đã giúp công ty tạo ra các mẫu quảng cáo ấn tượng, hỗ trợ viết nội dung tài chính chuyên sâu... Qua đó giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu suất 20%-30% so với trước đó, đồng thời cắt giảm gần như hoàn toàn các nguồn lực thuê ngoài. Chưa kể, với việc ứng dụng Github Copilot - một sản phẩm của AI, đã giúp đội ngũ kỹ sư tăng hiệu suất làm việc lên 20%-30%.

“Các kỹ sư của chúng tôi đã ứng dụng Google Bard, ChatGPT để tham khảo các quyết định về sản phẩm cũng như hỗ trợ viết tài liệu liên quan, nhờ vậy mà hiệu suất làm việc tăng 10%-20%” - ông Nghĩa khẳng định.

Đặc biệt, hiện công ty đang phát triển các ứng dụng AI để tự động hóa, đơn giản hóa quy trình quản lý, kiểm soát chi phí. “Chúng tôi còn ứng dụng chính công nghệ do mình phát triển vào các hoạt động hằng ngày, nhất là trong lĩnh vực tài chính - kế toán, giúp loại bỏ các công việc thủ công như kiểm tra, đối chiếu bằng mắt hay gom nhặt từng hóa đơn, giấy tờ để lập bộ chứng từ hoàn thiện” - nhà sáng lập Vũ Trọng Nghĩa thông tin thêm.

Cũng trong góc nhìn tích cực, ông Chu Võ Kim Long, Giám đốc điều hành Tablet Plaza, cho rằng bất cứ đơn vị kinh doanh nào ứng dụng AI đều đem lại lợi ích nhất định. Bản thân đơn vị ông đang ứng dụng AI để tăng hiệu suất tư vấn khách hàng trong bán lẻ, cũng như xử lý các dữ liệu về hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Robot thông minh quản lý thông tin sinh viên, dữ liệu sách, theo dõi hoạt động quản lý… trong thư viện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: MINH HOÀNG

“Với việc ứng dụng ChatGPT vào việc soạn thảo, tư vấn bán lẻ cho khách cũng như ứng dụng các phần mềm AI khác đã giúp chúng tôi tăng hiệu suất làm việc lên 30%-40%. Riêng đối với bộ phân soạn thảo nội dung, hợp đồng, báo giá… đã tăng gần 50% hiệu suất công việc” - ông Long nói.

Cơ hội cho các công ty tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận

Ông Đặng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh Phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam, nhìn nhận trong năm 2023, các lĩnh vực sáng tạo nội dung như viết văn, tạo ảnh, sản xuất video… có tốc độ phát triển và ứng dụng AI nhanh đến chóng mặt.

Mở ra cơ hội cho các công ty

Ông Đặng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh Phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam, dự đoán trong năm 2024, AI sẽ tác động mạnh mẽ vào lĩnh vực lập trình, với các công nghệ lập trình không cần mã và AI tự lập trình dựa trên mục tiêu không cần nhân sự.

“Điều này mở ra cơ hội cho các công ty tinh gọn bộ máy, tăng lợi nhuận nhưng đồng thời đây cũng là thách thức cho nguồn lao động. Vì vậy, điều quan trọng là người lao động cần nhanh chóng nâng cấp kỹ năng, biết cách ứng dụng AI trong công việc để không bị thay thế mà vẫn có thể làm chủ công nghệ” - ông Sơn đánh giá.

Ông lấy ví dụ một số công ty khởi nghiệp công nghệ như LovinBot đã ứng dụng mạnh mẽ AI để tạo ra các công cụ viết nội dung có thể tiết kiệm thời gian, chi phí gấp ba lần so với trước để sản xuất các nội dung truyền thông, marketing. Đặc biệt, đơn vị này dựa trên sự hiểu biết về khách hàng, phát triển các giải pháp về nền tảng tạo trợ lý ảo AI thế hệ mới, giúp giảm chi tiết, tăng hiệu quả bộ phận chăm sóc khách hàng và hoạt động 24/7.

Đáng chú ý, có những doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm được gần 50 triệu đồng/tháng chi phí thuê ngoài nhân sự sau khi ứng dụng GenAI. Hay một số tập đoàn lớn như TH, AIA cũng đã đưa vào các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân sự để nhanh chóng làm quen và làm chủ công nghệ AI trong công việc.

“Đây là những tín hiệu rất tích cực, thể hiện sự chủ động của các nhà kinh doanh trong việc ứng dụng AI tăng năng suất, hiệu quả công việc của nhân viên” - ông Sơn nhận xét.

Phát triển AI có đạo đức

Không thể phủ nhận “cú nổ ChatGPT” trong năm 2023 đã làm rung chuyển thị trường công nghệ, mở ra cuộc đua chinh phục AI tạo sinh giữa các doanh nghiệp và nhiều quốc gia. Nhưng cũng chính cú hích này mà nhiều cuộc tranh cãi về mức độ khả dụng cũng như rủi ro của AI đã diễn ra.

Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) ví AI như con dao hai lưỡi, nếu công cụ này được trao cho người dùng không đúng, rất khó hình dung hết mức độ ảnh hưởng. Bằng chứng là một số lĩnh vực AI đang bị lợi dụng để làm những việc có tính phá hoại như công nghệ giả mạo khuôn mặt, tấn công an ninh mạng, hack website, đánh cắp thông tin người dùng...

Nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu của hãng bảo mật Kaspersky cũng đưa ra dự đoán các hacker APT (tấn công mạng có chủ đích) sẽ khai thác nhiều lỗ hổng mới để thâm nhập các thiết bị di động, thiết bị đeo thông minh…

Cũng theo Kaspersky, các công cụ AI mới nổi dễ dàng soạn thảo những tin nhắn lừa đảo trực tuyến, thậm chí cho phép bắt chước các cá nhân cụ thể. Vì vậy, việc bảo vệ các thiết bị của cá nhân và doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Ông Đào Trung Thành, chuyên gia công nghệ Hiệp hội Blockchain Việt Nam, khuyến nghị để quản lý rủi ro tấn công mạng trong thời đại AI cần một chiến lược toàn diện. Điều này liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo mật mạnh mẽ cho hệ thống AI và thường xuyên cập nhật chúng.

“Phát triển AI có đạo đức là rất quan trọng, tập trung vào sự công bằng, bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Đặc biệt, phát triển khung pháp lý để giải quyết các rủi ro an ninh mạng của AI và phải có nghiên cứu liên tục để chuẩn bị cho các mối đe dọa dành riêng cho AI như các cuộc tấn công bất lợi” - ông Thành nhấn mạnh.

Robot giao hàng tận cửa cho khách hàng

Theo tờ New York Times, mới đây Google đã tích hợp AI tạo sinh cho phép người dùng nhanh chóng tạo nội dung mới dựa trên nhiều loại dữ liệu đầu vào khác nhau - như ChatGPT hay Bard vào Robot RT-2 để trao cho chúng bộ não thông minh. Robot RT-2 có kỹ năng hiểu biết, khả năng điều chỉnh cử chỉ theo lệnh bằng ngôn ngữ, đơn cử như nhặt trái banh hay ném lon rỗng vào thùng tác.

Ở Hàn Quốc, tờ The Korea Times cho hay robot hiện đã được áp dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khác nhau, từ dịch vụ nhà hàng đến đóng gói và giao hàng.

Ví dụ, Công ty Woowa Brothers đã triển khai robot giao hàng, với khả năng tránh người và tương tác với hệ thống quản lý tòa nhà để sử dụng thang máy và giao hàng tận cửa cho khách hàng.

Việc đầu tư mạnh vào tự động hóa đã giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như đối phó với các thách thức về lao động và chi phí.

THU HÀ - MINH HOÀNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/khai-thac-loi-the-han-che-mat-tieu-cuc-cua-ai-post772371.html