Cách nào được ngân hàng áp dụng để khách hàng tránh mất tiền oan?

Trước loạt thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ, nhiều ngân hàng triển khai loạt giải pháp bảo mật mới.

Ngân hàng số Cake by VPbank vừa tăng cường bảo mật bằng tính năng mã khóa mới. Theo đó, tính năng tăng cường bảo mật tiền gửi bằng mã khóa như một lớp bảo mật đa tầng, cho phép khách hàng chủ động gia tăng sự an toàn, có thêm lựa chọn trong việc bảo vệ khoản tiền gửi của mình.

Cụ thể hơn, với mỗi sổ tiết kiệm trên Cake, khách hàng được tùy chọn bật nút "tăng cường bảo mật tiền gửi" ngay trên ứng dụng. Hệ thống sẽ tạo ra một mật mã riêng. Chủ tài khoản cần chủ động lưu lại mật mã và không chia sẻ cho bất kỳ ai. Lúc này, mỗi khi muốn tất toán sổ tiết kiệm trước hạn, chủ tài khoản cần phải nhập được mật mã chính xác, bên cạnh việc nhập mã PIN, SmartOPT hay các phương thức xác thực sinh trắc học khác.

Người dùng có thể bật tính năng tăng cường bảo mật tiền gửi trên ứng dụng ngân hàng số

"Tính năng này hỗ trợ khách hàng chủ động tăng cường lớp bảo vệ cho tài khoản tiết kiệm của mình, giúp hạn chế hậu quả các truy cập trái phép nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị, đánh cắp thông tin. Đây cũng là tính năng chủ động bảo vệ tiền gửi trên ứng dụng ngân hàng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam", đại diện Cake by VPBank nói.

Tăng cường bảo mật tiền gửi bằng mã khóa là giải pháp công nghệ thuần số, cho phép khách hàng thao tác sử dụng 100% online.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng vừa triển khai tính năng xác thực giao dịch chuyển khoản bằng khuôn mặt. Giải pháp này nhằm triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, người dùng app MBBank có thể chủ động lựa chọn mức giao dịch cần xác thực trên ngân hàng số này. Với tính năng bảo mật hai lớp, xác thực sinh trắc học trên app MBBank, người dùng có thể an tâm khi chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với những giao dịch lớn.

Người dùng có thể cài đặt bảo mật cho giao dịch trên ứng dụng ngân hàng số

Theo MB, trong bối cảnh tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng tăng cao như hiện nay, việc áp dụng tính năng bảo mật 2 lớp, xác nhận sinh trắc học trước khi chuyển khoản sẽ có tác động tích cực đến trải nghiệm người dùng. Việc yêu cầu xác thực sinh trắc học trước khi chuyển khoản giúp tăng cường bảo mật, ngăn chặn việc truy cập trái phép và hạn chế tối đa khả năng bị lừa đảo…

Tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), từ đầu tháng 4-2024, ngân hàng cho biết đã chủ động thực hiện thu thập dữ liệu sinh trắc học để triển khai Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, nhằm tăng cường an toàn giao dịch trực tuyến cho khách hàng.

Tính năng cập nhật dữ liệu sinh trắc học từ thẻ CCCD gắn chip của Techcombank giúp khách hàng cập nhật và bổ sung dữ liệu sinh trắc học nhằm bảo vệ an toàn tài khoản và phục vụ bước xác thực khi thực hiện giao dịch (chuyển tiềnvà thanh toán) vượt hạn mức trên kênh ngân hàng số theo quy định.

Theo quy định tại Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-7, khi chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng CCCD gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng). Mục tiêu quan trọng của Quyết định 2345 QĐ/NHNN là để bảo vệ khách hàng trên nền tảng giao dịch số.

Các ngân hàng nhận định quyết định được xem là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hóa quy trình định danh khách hàng.

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cach-nao-duoc-ngan-hang-ap-dung-de-khach-hang-tranh-mat-tien-oan-196240428104848578.htm