Hình thành hệ thống 'chuỗi giá trị' phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống 'chuỗi giá trị' phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Tổ hợp tác, Liên hiệp hợp tác xã đóng góp một phần quan trọng trong trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.

Theo Quyết định 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Trong đó khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX đóng góp một phần quan trọng trong trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.

Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống 'chuỗi giá trị' phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châuu)- một trong tám vùng dược liệu trọng điểm của cả nước, nơi đây cũng được biết đến là khu vực có khá nhiều HTX dược liệu.

Theo đó, HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ (bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ) đã có 7 sản phẩm dược liệu đạt chứng nhận OCOP, được chế biến từ vỏ đỗ trọng và hoa, lá, củ cây Actiso trồng tại Sìn Hồ, phân phối toàn quốc.

Bên cạnh diện tích Actiso do HTX tự trồng, đơn vị còn tổ chức thu mua, bao đầu ra cho cây dược liệu của bà con các vùng xung quanh. Sau đó, nguyên liệu Actiso được HTX tiến hành sơ chế, sấy khô, nấu cao, đảm bảo đúng quy trình kĩ thuật và giữ lại được dược tính cao. Sản phẩm được bảo quản, đóng gói đẹp mắt, tiện ích cho người sử dụng.

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách, Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm- Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thành viên Hợp tác xã Vân Đài cho biết: Hiện nay, HTX đã và đang cung cấp hơn được khoảng 12 giống cây giống dược liệu chủ lực phù hợp với sinh thái đồng bằng Sông Hồng và đặc biệt tỉnh Thái Bình, đồng thời hướng dẫn quy trình chăm sóc phù hợp để phát huy giá trị của nguồn dược liệu, góp phần tạo sản phẩm chất lược tốt phục vụ sức khỏe người dân.

TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền khẳng định: Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống "chuỗi giá trị" phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án gấp hai lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo "chuỗi giá trị", đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.

Để các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định ra thế giới rất cần sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân.

Theo đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, dược liệu Việt Nam là tài nguyên quý giá của đất nước và là thế mạnh của kinh tế tập thể HTX. Để các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định ra thế giới rất cần sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh.

Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%. Đây là một trong những cơ hội lớn cho các HTX sản xuất dược liệu tại Việt Nam.

Nam Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hinh-thanh-he-thong-chuoi-gia-tri-phat-trien-duoc-lieu-quy-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-169231119144201335.htm