Gồng mình chống hạn

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Vét nước cứu cây trồng

Hiện nay, hồ Bầu Nai, hồ 18B và hồ 14B ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) đều đã cạn trơ đáy khiến nhiều diện tích cây công nghiệp dài ngày có nguy cơ thiếu nước. Anh Nguyễn Sỹ Thừa (làng Ia Mua, xã Bàu Cạn) cho hay: Gia đình anh có 1,5 ha cà phê ngay sát hồ Bầu Nai. Những năm trước, nguồn nước hồ đủ tưới cho cây trồng. Năm nay, nắng hạn cộng với việc ở gần khu vực này có thêm hàng chục héc ta khoai lang của người dân sử dụng nhiều nước tưới nên khi bắt đầu tưới nước đợt 3 cho cây cà phê thì hồ cạn trơ đáy.

“Hiện tại, tôi và một số hộ dân ở đây phải đầu tư máy bơm, ống trung chuyển nước cách hồ này khoảng 1 km để cứu vườn cà phê. Bình thường để tưới 1 ha cà phê chỉ mất khoảng 1-1,2 triệu đồng tiền dầu thì nay chi phí tăng lên gấp 3 lần. Mọi năm, thời tiết thuận lợi, chúng tôi chỉ tưới 3 đợt. Nhưng năm nay, tôi tưới đến đợt thứ 5 rồi mà vẫn chưa có mưa”-anh Thừa chia sẻ.

Người dân làng Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) đầu tư máy bơm, ống trung chuyển nước cách hồ Bầu Nai khoảng 1 km để cứu cây trồng. Ảnh: L.N

Cũng đang loay hoay đưa nước từ nơi khác về để cứu gần 4 ha cà phê của gia đình, anh Trần Ký (cùng làng) cho biết: 6 tháng trời không có hạt mưa nào. Mấy hộ xung quanh phải góp khoảng 20 triệu đồng để thuê máy múc sâu xuống lòng hồ và sử dụng máy bơm đưa nước về để cứu cây trồng. “Giờ tốn kém bao nhiêu cũng phải cố gắng cứu lấy cây trồng. Chúng tôi phải chuyển nước từ 3 hồ khác về đây nhưng cũng chỉ cầm cự chờ mưa. Bình thường 1 ha cà phê chỉ tốn công tưới khoảng 3 ngày nhưng nay phải mất cả tuần mới xong. Lý do là cứ tưới 2-3 tiếng đồng hồ lại phải nghỉ để chờ đưa nước về”-anh Ký nói.

Tương tự, hồ 14B (thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn) cũng đã trơ đáy khoảng 2 tháng nay. Người dân dùng máy đào một hố sâu hơn 3 m, rộng khoảng 5 m, dài hàng trăm mét ở lòng hồ nhưng cũng không có nước. Ông Phạm Đắc Kiểm (thôn Tây Hồ) thông tin: “Nhà tôi có gần 3 ha cà phê. Mọi năm, tôi vẫn lấy nước từ hồ 14B để tưới nhưng năm nay chưa tưới xong đợt 3 thì hồ đã cạn nước. Chưa năm nào hạn nặng như năm nay. Từ tháng 10-2023 đến nay chưa có hạt mưa nào. Vườn cà phê của gia đình đã gần 2 tháng nay không có nước tưới. Nếu 15-20 ngày tới không có mưa, cây cà phê sẽ héo khô và rụng lá hết. Như vậy, vụ này cầm chắc mất mùa”.

Ông Phạm Đắc Kiểm-thôn Tây Hồ (xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông) chỉ tay về hồ thủy lợi 14B giờ cạn khô đáy. Ảnh: L.N

Tương tự, nhiều hộ dân trồng cà phê gần khu vực hồ thủy lợi Ia Hrung (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cũng đang loay hoay tìm nguồn nước tưới. Ông Lê Văn Thái (làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung) cho hay: “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài nhiều tháng mà không có mưa. Nhà tôi có 5 sào cà phê chuẩn bị tưới nước đợt 4 mà hồ cạn hết nước rồi. Tôi đang tính chắc phải chắt chiu từng giọt nước mạch để cầm cự chờ mưa thôi”.

Hồ thủy lợi Ia Hrung (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) còn rất ít nước. Ảnh: Lê Nam

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 10-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán trên 5,4 tỷ đồng. Trong đó có 229,8 ha cây trồng các loại bị thiệt hại. Cụ thể, mức độ thiệt hại trên 70% có 88,6 ha (gồm 73,2 ha lúa, 4 ha mía, 3,4 ha khoai môn, 3,5 ha bắp, 1,1 ha khoai lang, 0,9 ha đậu đen, 2,5 ha bí đỏ); thiệt hại 50-70% có hơn 89,2 ha (77 ha lúa, 1,5 ha khoai môn, 5,5 ha bắp, 5 ha khoai lang, 0,2 ha ớt); thiệt hại 30-50% có 17,1 ha (15,2 ha lúa, 1,9 ha khoai lang); thiệt hại dưới 30% có khoảng 34,9 ha lúa. Trong đó, thiệt hại nặng nhất do hạn hán là huyện Phú Thiện với khoảng 88,37 ha cây trồng, ước giá trị hơn 4,73 tỷ đồng.

Nắng nóng còn kéo dài

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên: Mùa khô năm nay khắc nghiệt hơn so với trung bình nhiều năm, nắng nóng kéo dài từ 15 đến 20 ngày, nền nhiệt cao hơn từ 0,8 đến 1,3 độ C, lượng mưa thâm hụt 10-25%, mùa mưa đến chậm hơn 15-20 ngày so với những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết: Một điểm cần nhấn mạnh là nền nhiệt độ những tháng tới nhiều khả năng vượt ngưỡng lịch sử năm 2020 (tại thị xã Ayun Pa là 41,5 độ C, tại thị xã An Khê là 40 độ C) sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, từ nay đến giữa tháng 5, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 3-5 đợt nắng nóng kéo dài. Trong tháng 5 dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa giông, lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tính mạng người dân.

Người dân làng Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) thuê máy múc hồ và bơm nước từ nơi khác về để cứu cây cà phê. Ảnh: Lê Nam

Ông Nguyễn Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh: Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, nắng nóng tiếp tục kéo dài. Do đó, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, ưu tiên nguồn nước cho những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng gần đến thời kỳ thu hoạch; tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu, thống kê tình hình thiệt hại và báo cáo kịp thời để chủ động biện pháp phòng-tránh nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

“Mùa mưa năm 2024 ở Gia Lai sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm 15-20 ngày. Cụ thể, ở các khu vực phía Bắc và phía Tây, mùa mưa sẽ bắt đầu từ tháng 5; khu vực phía Đông và Đông Nam nửa cuối tháng 5 mới bắt đầu có mưa. Tuy nhiên, trong những tháng mùa mưa (tháng 6 và 7), lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng trong tháng 6 và 7, số ngày mưa sẽ bị gián đoạn (hạn bà chằn) nên khả năng thiếu nước tưới cho cây trồng trong những tháng đầu mùa mưa là rất lớn. Các ngành, địa phương, đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện cần xây dựng phương án cân đối nguồn nước để tích trữ, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo cung ứng điện sinh hoạt, sản xuất”-ông Huấn nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai: Hiện nay, Công ty quản lý 16 hồ chứa. Trong đó, 12 hồ chứa đạt từ 11,68% đến 44,35% dung tích thiết kế; 4 hồ chứa còn lại đạt từ 64,45% đến 94,87% dung tích thiết kế. Còn đối với 18 đập dâng do Công ty quản lý thì 13 đập dâng có mực nước trước cổng 0,28-1,6 m, đảm bảo tưới; 5 đập dâng còn lại (An Phú, Ia Vê, Plei Wâu, An Mỹ, Ia Lâu) mực nước đã cạn.

Ông Nguyễn Năng Dũng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai-cho biết: Dự kiến kết thúc vụ tưới Đông Xuân 2023-2024 là từ ngày 10 đến 20-4 đối với các công trình thủy lợi khu vực phía Tây Trường Sơn; từ ngày 30-4 đến 10-5 đối với các công trình thủy lợi khu vực phía Đông Trường Sơn (Ayun Hạ và Ia Mláh). Một số công trình đập dâng thường xảy ra thiếu nước cuối vụ (từ giữa tháng 3 hoặc đầu tháng 4 hàng năm) do dòng chảy đến công trình suy giảm, diện tích canh tác thượng lưu quá lớn so với nhu cầu. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài thì có thể xảy ra hạn cuối vụ đối với cây công nghiệp dài ngày (cà phê, hồ tiêu). Riêng đối với một số đập dâng cạn nước như: đập dâng An Phú và Plei Wâu, Công ty dự kiến đưa nước từ đập dâng Ia Lôm và Ia Zĩ về để phục vụ người dân sản xuất.

Người dân xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông loay hoay tìm nguồn nước để tưới cho cây trồng. Thực hiện: L.N

Đối với các công trình thủy lợi do địa phương quản lý thì mực nước tại một số hồ đã suy giảm nhưng vẫn đảm bảo tưới cho cây trồng. Cụ thể: huyện Kbang có 2 hồ thủy lợi (Buôn Lưới, Plei Tơ Kơn) dung tích đạt 62,78-74,05% đảm bảo tưới, 3 hồ thủy lợi (Gu Ga, Đak Dăng và Mơ Trai) dung tích đạt 9,45-49,46%; huyện Ia Grai có 9 hồ thủy lợi dung tích đạt 20-35% đã phục vụ tưới xong đợt 3, một số công trình đang tưới đợt 4; thị xã An Khê có 5 hồ thủy lợi dung tích đạt 71,43-80,36%, đảm bảo tưới; huyện Kông Chro có 1 hồ chứa (Tông Pông) dung tích đạt 68%, đảm bảo tưới; huyện Đak Pơ có 4 hồ thủy lợi (Tà Ly 1, Tà Ly 2, Hà Tam, Tờ Đo) dung tích đạt 62-75% đảm bảo tưới, còn hồ Thôn Trang đạt khoảng 18%, không đảm bảo tưới; huyện Đak Đoa quản lý 2 hồ thủy lợi (Đak Nue, hồ đội 8) dung tích đạt 10-30% thiết kế. Ngoài ra, các hồ chứa nhỏ và suối đã cạn gây khó khăn cho việc tưới các cây công nghiệp dài ngày.

Ông Lê Công Phú-Chủ tịch UBND xã Ia Hrung-cho biết: Trên địa bàn xã có 3 hồ đã cạn nước (hồ làng Máih, hồ làng Blo Dung và hồ thủy lợi Ia Hrung). Đối với những diện tích lúa Đông Xuân vẫn đảm bảo nước tưới, lúa đã trổ đòng và chắc chắn không bị hạn. Nếu thời gian tới vẫn nắng nóng kéo dài sẽ có 20-30% diện tích cà phê không có nước tưới. Điều này phần nào ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gong-minh-chong-han-post273685.html