Tiếp tục tìm kiếm thuyền viên mất tích trên tàu, sà lan bị chìm

Thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, chiều tối 29/4, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II và Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi chủ trì cuộc họp đưa ra các phương án mới trong công tác tìm kiếm trên biển. Tham dự cuộc họp có Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Công ty TNHH Lý Tuấn và đại diện Công ty TNHH Minh Linh.

Tiếp tục tìm kiếm các thuyền viên mất tích.

Theo báo cáo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, sau khi tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 bị chìm ở vùng biển huyện đảo Lý Sơn, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi; triển khai lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên trên tàu, sà lan bị chìm. Lực lượng chức năng đã huy động 8 tàu chuyên dụng, liên hệ, phát thông báo cùng 300 lượt tàu hàng hoạt động gần khu vực tàu chìm, cùng hàng trăm tàu cá của ngư dân tham gia tìm kiếm, cứu nạn; triển khai hoạt động tìm kiếm từ trên không bằng phương tiện Flycam, rà soát khu vực phía bắc đảo Lý Sơn…

Sau 6 ngày tìm kiếm thuyền viên, đến nay lực lượng chức năng đã tìm thấy 4 thi thể gần khu vực xảy ra tai nạn. Hiện vẫn còn 5 thuyền viên chính thức đi trên tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 mất tích.

Các cơ quan chức năng họp triển khai phương án mới để tìm kiếm nạn nhân.

Để tiếp tục triển khai phương án mới trong công tác tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam bố trí Sở Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn phía trước tại Đà Nẵng.

Sở Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn phía trước tại Đà Nẵng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cảng vụ hàng hải các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại địa phương để triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Thông tin điện tử hàng hải (VISHIPEL) phát thông báo hàng hải với tần suất thích hợp để yêu cầu các phương tiện hoạt động gần khu vực tàu bị nạn tăng cường công tác cảnh giới, quan sát cùng tham gia tìm kiếm thuyền viên còn mất tích.

Trung tâm đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục thông báo cho các lực lượng địa phương ven biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng huy động phương tiện để tăng cường cảnh giới phát hiện các thuyền viên có thể trôi dạt vào bờ hoặc các vùng nước xung quanh vị trí tàu bị nạn.

Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam Bùi Văn Minh cho biết, đến chiều 29/4, tàu SAR 412 đã trở lại hiện trường cùng tàu CSB 6006, tàu Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và các phương tiện tàu thuyền khác tiếp tục tìm kiếm người mất tích.

Ông Bùi Văn Minh đề nghị Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi phối hợp huyện Lý Sơn và cơ quan chức năng điều tra, làm rõ chính xác bao nhiêu thuyền viên trên tàu, sà lan bị chìm. Việc làm rõ để có số lượng người chính xác là yếu tố giúp lực lượng tìm kiếm, cứu nạn có phương án tìm kiếm chính xác.

Bên cạnh đó, các tàu chuyên dụng quay lại hiện trường kiểm tra lại, tìm thêm tình tiết mới, tìm hy vọng cứu người, đưa người bị nạn trở về; Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng liên tục phát thông báo tiếng Anh và tiếng Việt để cùng phối hợp tìm kiếm nạn nhân; huy động tàu hàng khu vực biển tiếp tục phối hợp tìm thuyền viên.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười cho biết, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam vẫn chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tìm kiếm thuyền viên tàu, sà lan bị chìm. “Chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai các phương án, biện pháp tìm kiếm phù hợp. Tìm người còn sống là tốt nhất, nếu không cũng cố gắng tìm thi thể đưa về cho gia đình. Còn nước còn tát, cố gắng tìm người hy vọng sống và tìm người mất để đưa về”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tiep-tuc-tim-kiem-thuyen-vien-mat-tich-tren-tau-sa-lan-bi-chim-post807153.html