Giao dịch tiền mặt và thị trường tại vùng chiến sự Gaza bị 'thế lực ngầm' thao túng

Thị trường nói chung và tiền mặt nói riêng đang bị một bộ phận người giàu thao túng khiến người dân ở vùng chiến sự Gaza càng gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo những nhu cầu cần thiết để duy trì sự sống.

Cuộc khủng hoảng tiền mặt càng khiến người dân ở Dải Gaza khốn khổ đủ đường

Từ sự khan hiếm tiền mặt

Ngay cả khi có kha khá tiền dành dụm để duy trì cuộc sống, nhiều người ở Gaza vẫn không thể sử dụng tiền trong tài khoản của mình để mua thực phẩm và nhiên liệu hoặc có được khoản tiền mặt lớn cho chuyến đi di tản ở nước ngoài. Đó là do tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng trên toàn khu vực. Heba Ahmed, một cư dân 25 tuổi của thành phố Gaza, đã mất 3 ngày liên tục lùng sục các cửa hàng đổi tiền ở Rafah để có được 8.100 USD tiền mặt. “Tôi đã nhận được tiền từ những người bạn bên ngoài Gaza thông qua chuyển khoản ngân hàng nhưng phải trả bằng tiền mặt cho cơ quan điều phối để có thể xử lý việc xin tị nạn ở Ai Cập. Chi phí cao nhưng đó là cách nhanh nhất trong tình huống cấp bách này”.

Trong khi đó, Majdi Adham, một nhân viên 45 tuổi của một tổ chức phi chính phủ nhân đạo quốc tế cũng khó khăn lắm mới rút được tiền lương. Ở trung tâm Rafah có 2 chiếc máy ATM duy nhất không phải trả thêm phí, nhưng có lúc Adham buộc phải dùng đến các kênh “chợ đen” để rút tiền. “Tôi phải gửi tiền từ tài khoản ngân hàng của mình sang tài khoản của người giàu có sẵn tiền mặt và mức chiết khấu là 10%. Tôi buộc phải tìm cách này vì trên toàn bộ Rafah chỉ có 2 máy ATM hoạt động trong vài giờ. Điều đó không thể đủ để cho đám đông xếp hàng dài rút tiền”, Majdi Adham nói. Adham cho biết, phí giao dịch tiền mặt ở “chợ đen” ban đầu chỉ ở mức 2% nhưng trong 2 tháng qua đã tăng lên đáng kể và lên tới 12% ở một số cửa hàng.

Tình cảnh của Ahmed và Adham là ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng tiền mặt rộng lớn hơn đang bao trùm Dải Gaza. Theo những người Palestine ở thành phố Gaza, không có máy ATM nào hoạt động, trong khi chỉ một số ít hoạt động ở phía Nam khiến người dân có rất ít lựa chọn khả thi để tiếp cận tiền của họ. Các nhân viên của chính quyền Palestine, các tổ chức quốc tế khác, các tổ chức phi chính phủ, thương nhân và công dân bình thường đều thấy mình bị cuốn vào cuộc đấu tranh để có tiền mặt.

Đến thị trường bị thao túng

Kể từ khi chiến sự bắt đầu, Cơ quan tiền tệ Palestine (PMA) khó có thể gửi tiền mặt mới bằng shekel, USD hoặc đồng dinar của Jordan vào Dải Gaza, càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm vốn. Một nguồn tin giấu tên tại PMA cho rằng, có một số yếu tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng này, đó là dòng tiền chảy ra đáng kể khi người dân di tản đi qua cửa khẩu Rafah hoặc thông qua các đại lý chuyển nhượng, khiến thanh khoản từ các ngân hàng bị cạn kiệt. Thành phố Gaza cũng đang phải vật lộn với sự mất kết nối giữa thị trường và khách hàng do các hạn chế di chuyển được áp đặt trong cuộc xung đột.

Abdallah Solaiman, 31 tuổi, một chủ cửa hàng cho biết, chính quyền không kiểm soát được các thương nhân lớn đang thao túng tỷ giá hối đoái, giá lương thực và các mặt hàng khác. “Các nhà giao dịch lớn nắm quyền kiểm soát giá cả gần như không bị giám sát. Họ là thành viên các gia tộc hoạt động như mafia ở Rafah, đưa ra những mức giá cắt cổ mà người nào cần vẫn phải chấp nhận. Đôi khi, chúng tôi thậm chí còn chứng kiến bạo lực khi mọi người tranh nhau mua những thứ cần thiết như thịt gà hiếm khi được đưa vào qua cửa khẩu Rafah”, tiểu thương này nói.

Đến gần đây, cảnh sát Hamas vẫn duy trì được trật tự ở chợ Rafah nhưng sau vụ ám sát người đứng đầu văn phòng khẩn cấp Hamas ở phía Bắc và phía Đông Rafah, sự hiện diện của họ đã giảm dần, cho phép các nhà buôn lớn một lần nữa độc quyền về giá cả cũng như khả năng tiếp cận các mặt hàng thực phẩm cơ bản như đường, thịt và dầu.

Trong tuần qua, nhiều Mukhtar - các thủ lĩnh gia tộc truyền thống, đã bị nhắm mục tiêu tấn công ở Rafah, Nussierat và thành phố Gaza, được cho là vì họ tham gia vào các ủy ban địa phương do cảnh sát Hamas tổ chức để điều phối phân phối viện trợ. Nhưng thực tế, các bộ lạc Palestine không thể đóng vai trò thay thế chính quyền. Khi cơ quan thực thi pháp luật và chính quyền địa phương sụp đổ sau gần 6 tháng bị Israel ném bom, không còn ai giám sát các tập đoàn buôn bán, giá cả hay duy trì luật pháp và trật tự giữa đống đổ nát. Ông Hassan Al-Mughni, người đứng đầu Ủy ban Bộ lạc Tối cao ở Dải Gaza cho hay: “Mô hình ủy ban bộ lạc cầm quyền ở Gaza là không khả thi vì nhiều gia tộc lớn trong hệ thống này liên kết hoặc ủng hộ các phe phái khác nhau của người Palestine. Việc phân phối viện trợ không công bằng và không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chúng tôi không thể kiểm soát việc phân phối hoặc bắt giữ những người bán hàng viện trợ. Hơn thế, chúng tôi còn bị mắc kẹt trong làn đạn, khi đối mặt với các cuộc tấn công của Israel”.

Theo Daily Beast

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giao-dich-tien-mat-va-thi-truong-tai-vung-chien-su-gaza-bi-the-luc-ngam-thao-tung-post572315.antd