Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) - Những điều ít biết - Bài 2: Phẩm chất anh hùng

Sau chiến thắng ném bom đánh chìm tàu khu trục Mỹ, 2 phi công Nguyễn Văn Bảy (B) và Lê Xuân Dị được gặp Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Cấp trên sau đó có chủ trương giữ biên đội này chỉ để dành đánh trên biển. Nhưng do thiếu người, chiến tranh ngày càng ác liệt, biên đội của Dị - Lục - Bảy (B) lại được cắt trực.

Anh dũng hy sinh trong trận chiến không cân sức

Ngày 6/5/1972, biên đội MiG-17 gồm Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Văn Bảy (B) không chiến với 24 máy bay cường kích của Mỹ tại bầu trời Thanh Hóa, nhằm ngăn chặn không quân Mỹ bắn phá miền Bắc (Mỹ sử dụng các loại máy bay A6, A7, F4 - là những máy bay chiến đấu hiện đại, trong khi MiG-17 là máy bay đời cũ, tốc độ chậm).

Nguyễn Văn Bảy (B) đã chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 1 chiếc A6, rồi tiếp tục tả xông hữu đột trong vòng vây máy bay địch. Cuộc chiến không cân sức, máy bay bị trúng đạn, Nguyễn Văn Bảy (B) đã anh dũng hy sinh.

Từ vùng trời huyện Bá Thước, máy bay lao xuống ngọn núi Pu Ví, xã Tân Thành, vùng núi hiểm trở của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hài cốt ông được chôn cất ở chân núi Lê Lai (bên dãy Trường Sơn).

Nguyễn Văn Bảy (B) đã dâng hiến trọn cuộc đời thanh xuân cho Tổ quốc ở tuổi 29.

Ðể ghi nhận chiến công xuất sắc trong chiến đấu, Nguyễn Văn Bảy (B) - người phi công ưu tú của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam, đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1994.

Nguyễn Văn Bảy (B) (thứ 2 từ trái sang), bên bạn lái. (Ảnh tư liệu, gia đình cung cấp)

Nguyễn Văn Bảy (B) trong mắt đồng đội

Bay biển là rất khó, đọc trong quyển sổ ông Sơn ghi chép, nhiều phi công thời đó cũng thừa nhận việc này.

Ðại tá Nguyễn Văn Lục (cùng phi đội bay biển với Nguyễn Văn Bảy (B), ngụ tại Hà Nội), cho biết:

“Bay bờ nhìn rõ đủ thứ, nhiều vật chuẩn để phân biệt mặt đất - bầu trời, kể cả đêm và ngày, có sự cố gì thì dễ xử lý. Bay biển không có các điều đó, cảm giác đơn độc, không hiểu nó đang bay bằng hay bay nghiêng”.

“Bay ở độ cao 50 m so với mặt biển, đòi hỏi máy bay phải song song tuyệt đối với mặt nước. Phi công không giỏi, tâm lý không vững, dễ bị rơi vào tình trạng không song song.

Có 2 tình huống xảy ra: Nếu đầu máy bay hơi chúi về phía trước, thì máy bay sẽ lao ngay xuống biển; nếu đầu máy bay hơi nghếch lên, thì máy bay sẽ bay lên, dễ bị pháo từ tàu bắn hạ, ta thì công kích không trúng mục tiêu”.

“Thia lia, nghĩa là bắn bom cho nhảy trên mặt nước rồi lao thẳng vào tàu ngay từ bước nhảy thứ nhất”.

“Nói thật, Bảy (B) được phong anh hùng là quá xứng đáng, bởi vì khi đánh hạm đội thì cả cụm tàu ở dưới bắn lên rất dữ, Bảy (B) bất chấp điều đó. Nhờ bay thấp nên pháo không trở tay kịp. Có 1 ảnh cho thấy, tàu bị thủng 1 lỗ to như cái giếng. Ðiều này thực lòng, trong chiến đấu không phải ai cũng làm được như Bảy (B).

Bị tên lửa bắn như mưa, Nguyễn Văn Bảy (B) vẫn bình tĩnh, mưu trí, chọn góc đánh tối ưu để tiêu diệt tàu địch. (Ảnh tư liệu, gia đình cung cấp)

Nếu bay biên đội thì số 2 chỉ ném bom theo lệnh của số 1, có thể trúng hoặc không trúng mục tiêu, hiệu quả không cao. Ðằng này Bảy (B) phát hiện mục tiêu thứ 2 nhưng gần quá, nếu cắt bom thì hiệu quả có thể rất ít hoặc không. Bảy (B) bay vọt qua luôn rồi quay lại, ngắm - chỉnh đường bay chính xác hơn, vuông góc hơn. Bản lĩnh là ở chỗ, bất chấp hệ thống phòng không dày đặc với đủ loại súng - pháo phòng không của địch, Bảy (B) bay rất thấp, rất bình tĩnh ngắm mục tiêu và cắt bom trúng đích”.

Thượng tá Ðoàn Hồng Quân, đồng hương Cà Mau (hiện sống ở TP Hồ Chí Minh), cùng học lái máy bay chung, cũng thán phục sự tài giỏi của Nguyễn Văn Bảy (B) trong trận đánh này:

“Muốn ném thia lia phải tính thật chính xác: từ lúc bom chạm nước lần 1, nhảy khỏi mặt nước, rồi chạm nước lần 2 là bao nhiêu mét để cắm vào mạn tàu.

Bay thấp thì tầm nhìn rất hạn chế và thấy máy bay bay rất nhanh, do đó rất khó quan sát mục tiêu. Vì vậy khi thấy mục tiêu thì đã trễ, Bảy (B) đành vọt qua rồi quay lại. Quay lại không song song với đường cũ mà chéo với đường cũ, lấy tàu làm tâm điểm và lao vào trong lúc súng đủ loại trên 2-3 tàu bắn xối xả vào mình. Có đức tính dũng cảm và bình tĩnh mới đủ can đảm tìm lại mục tiêu cũ để tiêu diệt”.

“Trong tác chiến, nếu chỉ hành động theo lệnh của số 1 thì rất nhiều khi không chính xác, vì có thể không nhìn thấy mục tiêu. Trường hợp trận đánh ngày 19/4/1972 của Bảy (B), số 1 không chỉ huy được, rađa cũng không chỉ huy được, Bảy (B) phải tự tìm kiếm mục tiêu khi quay trở lại, vì bay quá thấp. Trong trường hợp này, phi công phải “tự đi - tự đánh - tự về” và phải làm cả 4 nhiệm vụ: “bay - cảnh giới trên không - hoa tiêu - dẫn đường”.

Nói về đức tính, phẩm cách của Nguyễn Văn Bảy (B), Ðại tá Lê Xuân Dị (nguyên Ðội trưởng Ðội bay 4) bộc bạch:

“Sống và chiến đấu chung với nhau, tôi quý Bảy (B) các đức tính như: trầm tĩnh, ít nói, sống rất chan hòa với mọi người, ai cũng như ai. Với bạn bè, đồng đội, rất chân tình, sẵn sàng giúp đỡ. Thẳng thắn trong đấu tranh, xong rồi thì không để bụng. Chính vì vậy mọi người đều quý mến”.

“Tóm lại, Bảy (B) khá về kỹ thuật, nhưng cũng rất bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu thật kiên cường, đáng nể”.

Ðại tá Nguyễn Văn Lục: “Trong luyện tập, Bảy (B) gan lì, có bản lĩnh, không ẩu. Anh Bảy (A) và Bảy (B) bay với động tác dứt khoát, mãnh liệt. Những phi công được bay thia lia là phi công phải giỏi”. “Tóm lại, Bảy (B) là một phi công giỏi, rất hiền, cục và thẳng tính, chưa đánh nhau với ai bao giờ. Không biết đi xe đạp, hay thăm bạn và chỉ đi bộ đến”.

Thượng tá Ðoàn Hồng Quân: “Bảy (B) học lý thuyết loại tốt, bay MIG loại giỏi”. “Bảy (B) bay giỏi, ít nói, khi lên trời thì nhanh nhẹn như mãnh hổ, năng động, linh hoạt, một mất một còn. Mà phải như vậy mới là anh hùng”.

Anh hùng, Ðại tá Nguyễn Văn Bảy (A), nguyên Phó tư lệnh Không quân, nói về Nguyễn Văn Bảy (B):

“Bảy (B) có trình độ, tiếp thu nhanh nhưng hay hỏi, hay tranh luận. Sau 2 tháng tập bay biển, ném bom thử mục tiêu, Bảy (B) thuộc loại khá giỏi. Bảy (B) có những đức tính mà tôi thích nhất: đằm tính, ít nói, nóng tính nhưng chân tình. Quan tâm tới bạn bè, anh em. Nhiệt tình, hăng say với công việc. Tiếp thu nhanh, nhớ dai, khi hành động là quyết liệt. Chơi bóng chuyền, bóng rổ tốt”.

Ông Ðỗ Khắc Hùng (TP Hồ Chí Minh), người cùng tập kết ra Bắc tại bến Sông Ðốc và học chung cấp 1 và 2 tại các trường học sinh miền Nam cùng Nguyễn Văn Bảy (B), kể:

“Ở chung nhiều năm, tôi quý tính cách của Bảy (B) là hiền, ít nói, hay cười, học lực rất khá; không có tính “hay làm sếp” thiên hạ, có sao nói vậy, nói là làm. Rất thật, hay giúp mọi người. Luôn tìm cách cải thiện bữa ăn, như rủ bạn đi mò trai ở Sông Ðáy về nấu cháo. Tích cực chăm lo tự túc, chăm lo vườn rau của lớp. Năng nổ trong công việc của lớp”.

Ngoài những câu chuyện kể về Nguyễn Văn Bảy (B), gia đình còn lưu giữ một số thư của bạn bè, của thầy cô giáo từ thuở ông còn học phổ thông. Qua nội dung các bức thư, có thể thấy được phần nào tâm tư, tình cảm, lối sống, sinh hoạt của Nguyễn Văn Bảy (B) và tuổi trẻ thời ấy, nhất là thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Họ luôn đau đáu nỗi niềm hướng về quê hương đang trong lửa đạn chiến tranh; luôn rèn giũa mình; sống có lý tưởng, có trách nhiệm, tràn đầy khát vọng cống hiến cho đất nước, quê hương, cho những điều lớn lao, cao đẹp; như lời thơ Tố Hữu:

Nếu được làm hạt giống để mùa sau

Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa

Vui gì hơn làm người lính đi đầu

Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!

(Chào Xuân 67)

Trang Thăm

Bài cuối: Gia đình ở đâu, nơi đó là quê hương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/anh-hung-phi-cong-liet-si-nguyen-van-bay-b-nhung-dieu-it-biet-bai-2-pham-chat-anh-hung-a32320.html