Diễn giả đội mưa tham dự talkshow 'Chuyển đổi việc làm - Cơ hội, thách thức cho người lao động và doanh nghiệp'

Talkshow 'Chuyển đổi việc làm - Cơ hội, thách thức cho người lao động và doanh nghiệp' đã diễn ra sáng 24/3 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là sự kiện thuộc chuỗi chương trình 'Ngày hội việc làm - Kết nối nhà tuyển dụng 2024' được tổ chức thường niên từ năm 2023.

“Trân trọng quá khứ - Nắm giữ tương lai”

Tham dự talkshow bao gồm: nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong; bà Hồng Nguyễn, CEO công ty Pinky House Việt Nam, tác giả sách Phụ nữ và Tự do; ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Phát triển mạng lưới kiêm Giám đốc đối ngoại Công ty thời trang YODY; bà Thương Vũ, Giám đốc Sconnect Academy of Media Arts, Founder và Giảng viên Học viện đào tạo lãnh đạo Link Power Việt Nam; và ca sĩ/diễn viên/MC Duy Khoa, Giám đốc công ty AN Media.

Các diễn giả tại talkshow “Chuyển đổi việc làm - Cơ hội, thách thức cho người lao động và doanh nghiệp”.

Về phía trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tham dự của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Và đặc biệt có sự tham dự của TS. Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại chương trình, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nhắc tới trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhiều người sẽ nghĩ đây là nơi có tính hàn lâm, kinh điển rất cao.

Ông khẳng định bản sắc cốt lõi của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính là giá trị hàn lâm và kinh điển. Định hướng nghiên cứu và chất khoa học cơ bản sẽ luôn được gìn giữ và phát huy, đồng thời nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho định hướng này.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định tầm quan trọng của việc tạo môi trường học tập và làm việc gắn kết với thực tế cho sinh viên (Ảnh: Nguyễn Liên).

Tuy nhiên, xã hội ngày càng năng động, thị trường lao động cũng liên tục thay đổi với những đòi hỏi mới. Do đó, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cần tạo ra môi trường học tập và làm việc năng động, gắn kết hơn với thực tế để đáp ứng nhu cầu của sinh viên.

“Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có một câu slogan là “trân trọng quá khứ”. Chúng tôi vẫn nghĩ đến những yếu tố kinh điển, hàn lâm, học thuật chuyên sâu, nhưng phải “nắm giữ tương lai”. Đó là xu hướng mà sinh viên nhà trường phải tiếp nhận và phải chuẩn bị hành trang. Trách nhiệm của nhà trường là làm sao tạo ra môi trường, không gian tốt nhất để sinh viên làm được điều này”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.

Chìa khóa “vàng” mở cửa thành công từ các diễn giả

Mở đầu talkshow, diễn giả Hồng Nguyễn đã đề cập đến vấn đề mặc cả thu nhập với nhà tuyển dụng, một chủ đề nóng hổi và thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên mới ra trường.

Các diễn giả đội mưa tham dự talkshow “Chuyển đổi việc làm - Cơ hội, thách thức cho người lao động và doanh nghiệp” (Ảnh: Phạm Dinh).

Theo diễn giả, thay vì tập trung vào việc mặc cả để có mức lương cao ngay từ đầu, sinh viên mới ra trường nên đề cao việc học hỏi và tích lũy kinh nghiệm: “Nếu một trong hai năm đầu đề cao được việc này và tăng tốc hơn với một thái độ tích cực, chắc chắn sinh viên không cần mặc cả với doanh nghiệp mà sẽ được đề xuất một mức lương cao hơn mong đợi rất nhiều.”

Về thực trạng "nhảy việc" của sinh viên, diễn giả Hồng Nguyễn đã chia sẻ quan điểm từ góc độ của nhà tuyển dụng. Theo đó, chị đánh giá cao những ứng viên có nhiều trải nghiệm sâu rộng trong công việc. Tuy nhiên, điều quan trọng là ứng viên phải có thời gian nghiên cứu và làm việc chuyên sâu tại mỗi vị trí, không nên "nhảy việc" quá thường xuyên.

Chị Hồng Nguyễn - CEO công ty TNHH Pink House Việt Nam chia sẻ cùng các bạn sinh viên (Ảnh: Phạm Dinh).

Cũng trong buổi talkshow, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ 5 yếu tố quan trọng để quyết định đầu quân hoặc từ bỏ một công ty, tổ chức, doanh nghiệp: thứ nhất là thương hiệu doanh nghiệp; thứ 2 là sự nghiệp: “Sự nghiệp không phải là lên chức Trưởng phòng hay Phó phòng mà chính là cơ hội để sinh viên có thể học tập và phát triển tại đơn vị đó” - nhà báo nhấn mạnh. Yếu tố thứ ba là ý nghĩa trong công việc, tiếp đó là văn hóa doanh nghiệp và yếu tố cuối cùng mới chính là lương thưởng.

Chị Thương Vũ nhấn mạnh vào 3 loại năng lực để đánh giá sinh viên. Đầu tiên là năng lực hành vi chung như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình. Năng lực thứ hai là năng lực về ngôn ngữ. Theo chị, sinh viên nên biết từ 2 ngoại ngữ trở lên để có thể hòa nhập tốt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Năng lực cuối cùng được đề cập, quan trọng nhất chính là sự tử tế: “Sự tử tế trong công việc được thể hiện thần thái, câu nói, cách ứng xử với nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy thành thật, trung thực trước khi đặt bút viết vào CV”, chị Thương Vũ cho hay.

Các bạn sinh viên tích cực đặt câu hỏi cho các diễn giả (Ảnh: Phạm Dinh).

Các bạn sinh viên tích cực đặt câu hỏi cho các diễn giả (Ảnh: Phạm Dinh).

Buổi giao lưu thu hút rất nhiều các bạn sinh viên hăng hái tham gia đặt câu hỏi, trao đổi với các diễn giả về vấn đề việc làm.

Ca sĩ, diễn viên, MC Duy Khoa: “Việc gác lại những thứ gây xao nhãng trong cuộc sống để tập trung vào điều gì đấy quan trọng sẽ giúp bạn đi đến thành công” (Ảnh: Phạm Dinh).

Chị Thương Vũ chia sẻ, chìa khóa để ứng viên chinh phục nhà tuyển dụng là phải thể hiện nổi bật bản thân mình có những giá trị mà doanh nghiệp cần. Để thể hiện được điều này, từ CV xin việc đến phỏng vấn, các ứng viên cần chuẩn bị từ những thứ nhỏ nhất như cách trình bày, diện mạo, tác phong đến tìm hiểu kỹ về công ty, yêu cầu công việc, trả lời trước các câu hỏi phỏng vấn thường gặp và câu hỏi phỏng vấn chuyên môn.

Các diễn giả xuống sân khấu chia sẻ cùng sinh viên (Ảnh: Phạm Dinh).

Nhà báo Tuấn Anh nhấn mạnh thêm, khả năng chuyên môn chính là nền tảng cốt lõi giúp ứng viên trụ vững tại doanh nghiệp. Với kinh nghiệm của một cựu sinh viên khoa Báo chí, nhà báo đã đưa ra lời khuyên quý giá cho các bạn trẻ: "Trước hết, phải luôn trung thực trong việc trình bày thông tin trong CV. Đây là yếu tố đầu tiên tạo dựng niềm tin với nhà tuyển dụng. Thứ hai, luôn nỗ lực trau dồi, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng chuyên môn. Kỹ năng chuyên môn chính là "vũ khí" giúp sinh viên thành công trong công việc. Lý tưởng nhất là biến mình trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của mình để các nhà tuyển dụng phải chủ động tìm đến", nhà báo nhấn mạnh.

Phạm Dinh - Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/dien-gia-doi-mua-tham-du-talkshow-chuyen-doi-viec-lam-co-hoi-thach-thuc-cho-nguoi-lao-dong-va-doanh-nghiep-post1623080.tpo