Diễn đàn, tọa đàm: Tránh hình thức, cứng nhắc theo kịch bản

Hằng năm, các đơn vị đều tổ chức nhiều buổi tọa đàm, diễn đàn (sau đây gọi chung là tọa đàm) để lắng nghe, giải đáp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ.

Đây là cách làm rất hay, tuy nhiên, thực tế cho thấy ở không ít đơn vị hiện nay, việc thảo luận, phát biểu ý kiến của bộ đội chưa thực sự sôi nổi, chưa nói lên tâm sự thật, ngược lại, các ý kiến tham gia đóng góp còn chung chung, mang tính chỉ định “theo kịch bản” và đã được “thông qua” từ trước.

Không những thế, tâm lý “ngại ý kiến”, “sợ ý kiến” vẫn là vấn đề tồn tại ở nhiều buổi tọa đàm. Giải pháp nào để nâng cao chất lượng các buổi tọa đàm? Ghi nhận của chúng tôi tại Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Buổi tọa đàm “Cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ khát vọng, bản lĩnh, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Phòng không-Không quân ưu tú” của Trung đoàn 274, Sư đoàn 377.

“Đạo diễn” ý kiến phát biểu

Để làm nên thành công của một buổi tọa đàm, công tác chuẩn bị là khâu cực kỳ quan trọng từ việc lập kế hoạch, xây dựng nội dung, chương trình và chạy chương trình... Tuy nhiên, điểm mấu chốt của một buổi tọa đàm phải là giá trị các ý kiến của đại biểu tham gia nhưng gần như lại “theo kịch bản”.

Như vậy, vô hình trung, buổi tọa đàm trở thành buổi “diễn” ý kiến hơn là trao đổi ý kiến, mất đi sự sôi nổi, sáng tạo và tính dân chủ của tọa đàm. Đối với những đồng chí không tham gia phát biểu ý kiến, thực tế không phải họ không có năng lực mà đôi khi vì thiếu tự tin, sợ mình phát biểu sai ý đồ “đạo diễn” nên dẫn đến tâm lý ngại và không dám phát biểu ý kiến. Thiết nghĩ, trong các buổi tọa đàm, nên khuyến khích bộ đội đưa ra những ý kiến, suy nghĩ, sáng kiến của họ, có thể sẽ có ý kiến trái chiều, nhưng cũng là dịp để lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm bắt, giải đáp, định hướng tư tưởng cho bộ đội.

Đại tá Vũ Cao Thép, Phó chính ủy Sư đoàn 377, cho biết: “Việc định hướng các vấn đề để bộ đội tập trung ý kiến là rất tốt, nhưng phải tránh việc “đạo diễn” ý kiến phát biểu theo ý muốn của ban tổ chức. Đồng thời, cần khuyến khích các ý kiến phát biểu mang tính tự giác, đúng suy nghĩ của bộ đội. Việc trao đổi, bàn luận, tranh luận càng sôi nổi, thu hút được đông đảo bộ đội tham gia càng chứng tỏ nội dung tọa đàm đúng, trúng vấn đề bộ đội quan tâm và sự thành công trong công tác tổ chức”.

Để bộ đội mạnh dạn bày tỏ ý kiến

Không ít đơn vị thường tổ chức tọa đàm theo mô-típ như sau: Đưa nội dung chủ đề, câu hỏi cho một vài đại biểu để chuẩn bị nội dung và phải “thông qua”. Những đồng chí nào đã được chuẩn bị thì... xung phong, hoặc người dẫn chương trình chỉ định. Có đơn vị tổ chức bằng hình thức hái hoa dân chủ, nhưng cách chuẩn bị cũng tương tự, làm mất đi khả năng độc lập, sáng tạo của bộ đội nên không đạt được mục đích của buổi tọa đàm, nơi mà lẽ ra cán bộ, chiến sĩ phải bày tỏ ý kiến đúng với suy nghĩ của bản thân. Vì thế, cần tổ chức các buổi tọa đàm bằng nhiều hình thức, kết hợp hài hòa, tạo được sự mềm mại, không khí sôi nổi, thoải mái, tránh hình thức, khô khan, nhàm chán.

Việc khuyến khích bộ đội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tại các buổi tọa đàm đã tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 377 hăng say lập thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Trong ảnh: Kíp chiến đấu Đại đội 2, Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 377 huấn luyện quan sát, phát hiện mục tiêu trên không.

Tại Sư đoàn 377, để nâng cao chất lượng và sức hấp dẫn của các buổi tọa đàm, đơn vị đã lồng ghép những chủ đề nổi cộm, được nhiều người quan tâm thông qua các video clip dẫn dắt, sau đó mới đưa ra thảo luận, “mổ xẻ”, làm rõ vấn đề.

Thực tế, cách làm này không khác nhiều so với hình thức “truyền thống”, song qua xem video clip, cán bộ, chiến sĩ tham gia đã tư duy tốt hơn về vấn đề họ sẽ thảo luận. Cách làm này mang màu sắc tuổi trẻ, phù hợp hơn với tâm lý, sở thích của đối tượng trẻ, thu hút người xem bằng hình ảnh trực quan sinh động, bằng nội dung cụ thể mà video clip đã truyền tải, như vậy sẽ hay hơn rất nhiều so với cách làm “truyền thống”.

Như tại buổi tọa đàm “Cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ khát vọng, bản lĩnh, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Phòng không-Không quân ưu tú” của Trung đoàn 274 (Sư đoàn 377), trước khi bước vào thảo luận, đơn vị phát một số video clip dẫn dắt có nội dung đề cập đến các vấn đề đang được quan tâm như mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ; thách thức của sĩ quan trẻ trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; những khó khăn ảnh hưởng tới việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...

Từ đó, các đại biểu tham gia không chỉ thảo luận quanh câu hỏi do người dẫn chương trình đưa ra mà còn bàn luận, đi sâu làm rõ nhiều vấn đề liên quan với những ví dụ, dẫn chứng ngay trong thực tế. Ngoài ra, để tăng tính thuyết phục, nhiều câu hỏi của bộ đội còn được trả lời bằng chính những “nhân chứng sống” là các cán bộ trẻ điển hình tiên tiến trong đơn vị đã nỗ lực phấn đấu, lập nhiều thành tích, được tập thể tín nhiệm cao.

Trò chuyện về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Công Thức, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 274, cho biết: “Hình thức tọa đàm có video clip dẫn dắt đem lại hiệu quả khá tốt nhưng sẽ mất nhiều thời gian, công sức trong chuẩn bị nội dung. Điều quan trọng là người chủ trì hay dẫn chương trình phải là người có vốn hiểu biết rộng, khả năng tư duy nhanh nhạy để tổng hợp những vấn đề then chốt nhất mà các đại biểu thảo luận trong buổi tọa đàm, cũng như biết định hướng nội dung để bộ đội thấy được đâu là vấn đề then chốt, tránh tình trạng hiểu chung chung, lan man, không rõ ràng”.

Còn Trung úy Đinh Công Đức, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 114, Trung đoàn 274, chia sẻ: “Nhằm khắc phục tình trạng cán bộ “ngại ý kiến”, “sợ ý kiến” tại các buổi tọa đàm, bên cạnh việc đổi mới cách thức dẫn dắt vấn đề, có thể áp dụng thêm các hình thức như: “Lá thư cán bộ trẻ”, “hộp thư dân chủ”, “cán bộ hỏi-cấp trên trả lời”... bằng cách viết nội dung câu hỏi để lãnh đạo, chỉ huy các cấp giải đáp ngay tại buổi tọa đàm”.

Bài và ảnh: LÊ XUÂN SANG

Tâm tình - Kiến nghị

Tọa đàm chỉ thành công khi bộ đội bày tỏ đúng tâm tư

Từ nhiều năm nay, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân luôn duy trì nghiêm các hoạt động tọa đàm, diễn đàn, đối thoại dân chủ với những chủ đề phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Để chuẩn bị một buổi tọa đàm, diễn đàn, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã lựa chọn chủ đề, xây dựng tình huống (thường là các vấn đề mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang quan tâm). Sau đó, kế hoạch, chủ đề sẽ được phổ biến để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị nội dung tham luận và phản biện tại buổi tọa đàm, tránh hiện tượng rập khuôn máy móc hoặc tổ chức mang tính hình thức.

Một buổi liên hoan văn nghệ ở Tiểu đoàn 885, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân. Ảnh: Hoàng Ngọc

Một buổi tọa đàm được đánh giá là thành công khi cán bộ, chiến sĩ được bày tỏ suy nghĩ, tâm tư của bản thân đối với nội dung, chủ đề đặt ra. Các buổi tọa đàm, diễn đàn tổ chức ở cấp đại đội, tiểu đoàn có những ý kiến của cán bộ, chiến sĩ vượt quá thẩm quyền giải quyết của đơn vị thì sẽ được bảo lưu và đề nghị lên cấp trên. Khi nhận được đề nghị của đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bộ đội.

Cùng với đó là phát huy hiệu quả ngày chính trị và văn hóa, tinh thần; thường xuyên cung cấp thông tin chính thống và định hướng tư tưởng kịp thời cho bộ đội trước những biến động của thực tiễn tác động đến đời sống tại đơn vị. Hằng quý, Chính ủy hoặc Lữ đoàn trưởng trực tiếp đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sĩ, qua đó tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn đơn vị...

Nhờ vậy, nhiều năm qua Lữ đoàn luôn làm tốt công tác tư tưởng, cán bộ, chiến sĩ luôn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá LÃ NGỌC TUÂN, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân

--------------

Tổ chức hình thức, máy móc là phản khoa học

Nếu tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn một cách rập khuôn, hình thức sẽ làm cho những đồng chí khác (không có trong kịch bản) không thể bày tỏ quan điểm của mình về một vấn đề nào đó.

Mặc dù các quan điểm đó có thể chưa đúng hay lệch lạc, nhưng nếu không được trình bày thì người chỉ huy đơn vị không nắm được để định hướng, uốn nắn và giải quyết. Do đó, việc tiến hành tọa đàm, diễn đàn hình thức, cứng nhắc theo kịch bản là phản khoa học và đi ngược lại với mục đích, ý nghĩa.

Đồng thời, không khơi gợi được tính tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo của bộ đội mà sẽ tạo nên những con người thụ động trong công việc, hình thành thói quen máy móc, rập khuôn, đi theo những lối mòn đã có sẵn.

Hiện nay, ở đơn vị chúng tôi đã có nhiều giải pháp cơ bản để tránh tình trạng trên. Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phải làm tốt công tác quán triệt những nội dung hướng dẫn của trên về tổ chức diễn đàn, tọa đàm, đối thoại dân chủ.

Tiếp theo đó, nghiên cứu kỹ những nội dung chính; đối tượng tác động của chủ đề để từ đó mỗi đồng chí tự tìm hiểu và sẵn sàng bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Ngoài đối thoại trực tiếp thì việc phát phiếu điều tra xã hội học, phiếu lấy ý kiến dân chủ, hòm thư góp ý cũng phát huy hiệu quả rất tích cực.

Bồi dưỡng người dẫn chương trình; gọi ngẫu nhiên các đồng chí trong đơn vị để phỏng vấn một cách cởi mở, từ đó tạo ra những tình huống để tranh luận các nội dung phong phú, đa dạng, sôi nổi, làm căn cứ để người chủ trì định hướng thống nhất chung đúng đắn nhất. Cùng với đó là chuẩn bị một số câu hỏi liên quan đến những nội dung chính của chủ đề.

Câu hỏi phải hết sức cụ thể, dễ hiểu, có thể dưới dạng xử lý tình huống, trình bày quan điểm đối với những ý kiến “ngược”. Cuối cùng, phải tiến hành lựa chọn hình thức tổ chức diễn đàn, tọa đàm phù hợp; lựa chọn xen kẽ các hình thức văn nghệ (hát, tấu, thơ ca...), tạo sự vui vẻ, hấp dẫn, từ đó phát huy tốt ý nghĩa của các buổi diễn đàn, tọa đàm.

Trung tá LÝ THANH LẠI, Chính ủy Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1

--------------

Cởi mở, lắng nghe, tôn trọng ý kiến trái chiều

Theo tôi, để các buổi tọa đàm thực sự trở thành diễn đàn, nơi giãi bày tâm tư của bộ đội và không bị nhàm chán thì cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần thường xuyên nghiên cứu, bám nắm, tìm hiểu mong muốn, suy nghĩ của bộ đội để lựa chọn, xây dựng những chủ đề, nội dung có tính thiết thực, gần gũi, bổ ích, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người.

Một buổi tọa đàm do Tiểu đoàn Đặc công 409, Bộ Tham mưu Quân khu 5 tổ chức. Ảnh: Việt Hùng

Sau khi có nội dung, kịch bản, cần tập trung lựa chọn, hướng dẫn, bồi dưỡng cho người chủ trì, người dẫn chương trình và các đồng chí phát biểu nòng cốt, các ý kiến phản biện... để không khí tranh luận, thảo luận luôn sôi nổi, hấp dẫn.

Mạnh dạn đề xuất, “đặt hàng” cấp trên, các chuyên gia, cựu chiến binh, cán bộ địa phương, những người am hiểu về nội dung, lĩnh vực tọa đàm, diễn đàn tham gia phát biểu ý kiến, thảo luận cùng bộ đội. Đặc biệt, cấp trên phải luôn dân chủ, cởi mở, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các thành viên tham gia trao đổi, thảo luận; tránh tình trạng ác cảm, phê phán, đánh giá không tốt đối với những đồng chí có ý kiến trái chiều, không đồng thuận.

Những đề xuất, nguyện vọng chính đáng, phù hợp của bộ đội cần được quan tâm, lĩnh hội, giải quyết kịp thời, thỏa đáng trong phạm vi, quyền hạn, khả năng của cấp ủy, chỉ huy đơn vị. Có như vậy, lần sau bộ đội mới hào hứng, sẵn sàng tham gia phát biểu, tranh luận.

Thượng úy TRƯƠNG QUANG THIÊN, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công 409, Bộ Tham mưu Quân khu 5

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/dien-dan-toa-dam-tranh-hinh-thuc-cung-nhac-theo-kich-ban-731531