'Điểm sáng' trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Thời gian qua, thành phố Hà Nội chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tỉ lệ khám sức khỏe người cao tuổi định kỳ 9 tháng năm 2023 đạt 79,25%, ước năm 2023 đạt 87%, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi, như vậy trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi lục tuần. Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo số người cao tuổi của Việt Nam đến năm 2050 sẽ tăng lên 22,3 triệu (chiếm tỉ lệ 20,4% dân số), đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Người cao tuổi trên địa bàn quận Tây Hồ được khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi yên tâm “sống vui, sống khỏe, sống có ích” thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 của Thành phố với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản, Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng…

Hoạt động khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn Thành phố được đẩy mạnh, tỉ lệ khám sức khỏe người cao tuổi định kỳ 9 tháng năm 2023 đạt 79,25%, ước năm 2023 đạt 87% phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Các quận, huyện đã có nhiều “điểm sáng” trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Huyện Sóc Sơn năm 2009 chỉ có 1 xã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỉ lệ là 10%, tức là vừa chạm ngưỡng già hóa, nhưng đến năm 2019, toàn huyện đã có 26/26 đơn vị già hóa dân số, chiếm 100%. Tốc độ già hóa dân số rất nhanh đã đặt ra thách thức rất lớn trong đó áp lực nhất là an sinh xã hội và hệ thống y tế.

Nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, từ năm 2017 huyện Sóc Sơn đã triển khai sâu rộng Đề án 818 của Bộ Y tế đồng bộ và nhất quán tại 26 xã/thị trấn, với nhiều hội nghị truyền thông đã được tổ chức để giới thiệu, khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm được Bộ Y tế công nhận tốt cho sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Cán bộ dân số huyện/xã, cộng tác viên dân số được tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng để trực tiếp tham gia cung cấp sản phẩm và triển khai những hoạt động, nội dung phù hợp trong các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc tại cộng đồng.

Mở rộng hoạt động của các mô hình chăm sóc sức khỏe

Tương tự, nhiều năm qua, quận Đống Đa luôn quan tâm, đầu tư và triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác dân số trong đó có hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi tại cộng động. Tính đến ngày 30/8, toàn quận có hơn 80.0000 người cao tuổi, chiếm 21 % dân số; có 21 Hội người cao tuổi phường, có gần 200 Chi hội người cao tuổi và 40.207 hội viên.

Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe giúp họ yên tâm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”

Các câu lạc bộ, giao lưu về chăm sóc sức khỏe sinh sản các bệnh thường gặp dành cho người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng; Câu lạc bộ dưỡng sinh cho người cao tuổi tại cụm dân cư được tổ chức thường xuyên. Toàn quận có 92 Câu lạc bộ các loại hình thơ, văn nghệ, dưỡng sinh, cầu lông, thể dục đi bộ…

Hàng năm, quận tổ chức chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà cho người cao tuổi vào các dịp lễ, tết. Chế độ chính sách cho người cao tuổi được đảm bảo: 100% người cao tuổi thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp theo quy định.

Quận đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ... kịp thời cung cấp các kiến thức cơ bản giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, sống vui, sống khỏe... hoạt động khám sức khỏe cho người cao tuổi luôn được đặc biệt chú trọng, hàng năm có trên 95% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ.

Mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, bên cạnh đó quá trình triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cơ sở vẫn còn tồn tại những khó khăn như một số ít cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thể hiện bằng việc chủ yếu tập trung vào những dịp lễ, tết; kinh phí cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi ở tại cơ sở còn ít; số người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp còn ít…

Về vấn đề chăm sóc y tế, cả nước chỉ có một bệnh viện duy nhất đầu ngành (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) chăm sóc cho người cao tuổi; dịch vụ chăm sóc y tế cơ sở, các Trạm Y tế có cung cấp nhưng chỉ đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ban đầu chứ chưa đi sâu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi một cách bài bản, toàn diện và chuyên nghiệp.

Năm 2023, trong đợt cao điểm hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam, thành phố Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt tại một số đơn vị như quận Đống Đa, huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số, con cháu hiếu thuận nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10). Ngoài ra, Thành phố còn triển khai nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm nâng cao sức khỏe về cả thể chất và tinh thần đối với người cao tuổi tại cộng đồng…

Để hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Xuân đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố tới cơ sở, đặc biệt là các cụ, các ông, các bà tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dân số và sức khỏe sinh sản, chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 208/KH-UBND của UBND Thành phố về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của Thành phố giai đoạn 2016 - 2025 nhằm can thiệp một các có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Thành phố trong thời gian tới.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/diem-sang-trong-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-160828.html