Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore: Lý Hiển Long - Nhà lãnh đạo vì dân

Cảm giác về ông là rất dễ gần, bình dị, và thực chất... Dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long, quan hệ Việt Nam-Singapore đã đạt được những bước phát triển vô cùng ấn tượng... Đó là một trong những chia sẻ của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương với Báo Thế giới & Việt Nam nhân dịp nhà lãnh đạo Singapore chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, tháng 8/2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, tháng 8/2023.

Sau hai thập kỷ làm Thủ tướng, đến ngày 15/5/2024, nhà lãnh đạo Singapore đã trao lại vai trò Thủ tướng cho người kế nhiệm. Theo Đại sứ, tại sao ông Lý Hiển Long lại quyết định chuyển giao quyền lực vào thời điểm này?

Việc chuyển giao quyền lực ở Singapore được tiến hành theo lộ trình được chuẩn bị kỹ càng của Đảng Hành động Nhân dân Singapore. Tháng 4/2022, Thủ tướng Lý Hiển Long có kế hoạch chuyển giao quyền lãnh đạo cho Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, người được chọn làm lãnh đạo Thế hệ thứ Tư (4G) của Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền. Quyết định này có sự đồng thuận và nhất trí cao trong đảng Đảng Hành động Nhân dân Singapore và trong nhân dân.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore (2018-2021) Tào Thị Thanh Hương.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore (2018-2021) Tào Thị Thanh Hương.

Ông Lý Hiển Long quyết định chuyển giao quyền lực vào thời điểm này do cá nhân ông và Đảng Hành động Nhân dân Singapore cho rằng thuận lợi và phù hợp. Kinh tế Singapore đã vượt qua đại dịch Covid-19, đang dần phục hồi, các kế hoạch phát triển kinh tế với động lực đổi mới, sáng tạo đang được triển khai tích cực nhằm đưa Singapore vượt lên khó khăn và không ngừng phát triển.

Đây cũng là thời điểm phù hợp để Thủ tướng mới và Đảng Hành động Nhân dân Singapore bắt đầu bước vào lộ trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn và thách thức.

Giới quan sát cho rằng, dưới thời ông Lý Hiển Long, Singapore có được những bước phát triển ngoạn mục. Không những thế, nhà lãnh đạo Singapore cũng được đánh giá là đã có những đóng góp cho sự phát triển chung của khu vực. Đại sứ có bình luận gì về di sản mà Thủ tướng Lý Hiển Long để lại cho Singapore và ASEAN?

Trong 20 năm cầm quyền, di sản mà Thủ tướng Lý Hiển Long để lại cho Singapore là vô cùng lớn lao.

Về chính trị, trong thời kỳ ông Lý Hiển Long lãnh đạo, Đảng Đảng Hành động Nhân dân Singapore tiếp tục luôn giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc tổng tuyển cử, thể hiện sự tín nhiệm của người dân đảo quốc sư tử và khẳng định vị trí đảng cầm quyền duy nhất tại Singapore.

Dưới thời ông lãnh đạo, đã có hệ thống bầu cử dành cho chức vụ tổng thống nhằm đảm bảo đại diện thiểu số. Nhờ đó, nữ tổng thống đầu tiên của Singapore, bà Halimah Yacob đã nhậm chức vào năm 2017. Chính phủ cũng luôn cải thiện và tăng cường quá trình tham gia của công chúng vào việc hoạch định chính sách.

Về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của ông, Singapore phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, trở thành trung tâm tài chính, vận tải, du lịch, thương mại,… rất quan trọng của khu vực và thế giới. Thu nhập đầu người tăng gấp hơn hai lần trong 20 năm qua, từ 27.000 đô la Mỹ năm 2004 lên hơn 88.000 USD năm 2024, nằm trong nhóm đầu thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore năm 2023 đạt 443 tỉ USD, tăng gấp ba lần so với 143 tỉ USD vào năm 2004, khi ông lên nắm quyền.

Dưới sự chèo lái của ông, Singapore đã vượt qua các cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chính, và đại dịch Covid-19. Không những thế, ông và Chính phủ Singapore không ngừng nghỉ trong nỗ lực đưa Singapore phát triển mạnh mẽ hơn nữa với một tầm nhìn dài hạn, chẳng hạn như việc triển khai những dự án lớn như siêu cảng Tuas, sân bay Changi giai đoạn tiếp theo, mạng lưới đổi mới sáng tạo, triển khai kinh tế số, áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0,…

Ông chuyển giao lại cho thế hệ lãnh đạo mới một đất nước Singapore thịnh vượng hơn, phát triển hơn, vị thế quốc tế cao hơn, nền công vụ hiệu quả cao, chính phủ kiên quyết chống tham nhũng, nơi đáng sống, và một cách tiếp cận gần gũi người dân hơn, quan tâm chăm sóc người yếu thế, trên tinh thần hợp tác và tất cả vì nhân dân.

Đối với ASEAN, dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, Singapore đã tích cực cùng các nước ASEAN nêu cao phương châm ngoại giao trung lập, “Không chọn bên” giữa các nước lớn, khẳng định quan điểm mạnh mẽ, nhất quán vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, phát triển, tôn trọng luật chơi quốc tế. Singapore đã góp phần giúp ASEAN có vai trò và uy tín lớn hơn trên trường quốc tế.

Trên quan điểm hòa hiếu, dưới thời ông làm Thủ tướng, Singapore đã ghi dấu ấn lịch sử bằng việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2018, cũng như trước đó tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ở Singapore năm 2015. Những động thái này của Singapore góp phần tích cực vào hòa bình, hợp tác ở khu vực.

Singapore đóng vai trò tích cực trong hợp tác với các nước ASEAN cùng hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng của mỗi thành viên ASEAN và khu vực khi nỗ lực cùng các nước ASEAN và các đối tác ký kết các thỏa thuận thương mại tự do, nổi bật là Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), các thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác của ASEAN,...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long cùng hai Phu nhân thăm Đại học Quốc gia Hà Nội, giao lưu với sinh viên trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 8/2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long cùng hai Phu nhân thăm Đại học Quốc gia Hà Nội, giao lưu với sinh viên trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 8/2023.

Đối với Singapore và ASEAN là thế, vậy đối với Việt Nam, những thành tựu nổi bật nào trong quan hệ Việt Nam-Singapore dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long mà Đại sứ ấn tượng nhất?

Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 8/2023 nhân dịp hai nước Việt Nam và Singapore kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược: ông đã đến Việt Nam khoảng 10 lần trong hơn 20 năm qua (trong đó có 5 lần thăm chính thức vào các năm 2004, 2010, 2013, 2017 và 2023) và vui mừng chứng kiến Việt Nam chuyển mình và phát triển năng động.

Điều này cho thấy sự gần gũi, gắn kết giữa Singapore nói chung cũng như giữa cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long nói riêng với Việt Nam. Về phía Singapore, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Lý chính là nhà lãnh đạo luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác Singapore-Việt Nam không ngừng phát triển trong hai thập kỷ qua.

Dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long, quan hệ Việt Nam – Singapore đã đạt được những bước phát triển vô cùng ấn tượng. Quan hệ giữa hai nước đã trở thành một hình mẫu thành công cả trên bình diện song phương và đa phương, cả khu vực và quốc tế như lãnh đạo ta nhiều lần khẳng định.

Dấu mốc quan trọng nhất chính là việc hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2013 nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Hiển Long, tạo tiền đề cho quan hệ hai nước phát triển năng động, mạnh mẽ, thực chất, đưa hai nước thành đối tác hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực.

Nói về thành tựu trong quan hệ Việt Nam-Singapore, có ba điểm mà tôi ấn tượng nhất:

Trước hết là sự tin cậy cao về chính trị. Trong hai mươi năm qua, quan hệ chính trị triển khai trên tất cả các kênh, các cấp đã trở nên ngày càng gắn bó, là nền tảng vững chắc định hướng cho quan hệ hai nước. Trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, lòng tin chiến lược mạnh mẽ giữa hai nước trong thời gian qua chính là một tài sản quý báu mà hai bên cần tiếp tục giữ gìn, vun đắp khi hai nước đang hướng tới nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.

Thứ hai, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore là một trụ cột của quan hệ song phương, là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á, tiêu biểu cho hợp tác kinh tế song phương hiệu quả, cùng có lợi. 14 khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại 10 tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện nay chính là biểu tượng thành công về hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Với 3274 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 73,5 tỷ USD, Singapore hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 2 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ và dẫn đầu trong ASEAN về đầu tư tại Việt Nam. Hai nước luôn nằm trong nhóm 15 đối tác thương mại lớn nhất của nhau, trong đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore và Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Việt Nam.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 9,1 tỷ USD, bằng mức năm 2022 và tăng 11,6% so với mức năm 2021… Đặc biệt với việc hoàn tất nâng cấp Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore và thiết lập quan hệ đối tác Kinh tế xanh – Kinh tế số vào năm 2023, hợp tác giữa hai nước đang được mở rộng theo hướng đa dạng và bền vững, phù hợp với xu thế hiện nay về chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số,…

Thứ ba, cùng là thành viên ASEAN, chia sẻ tầm nhìn chung trên nhiều vấn đề, Việt Nam và Singapore đã hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; phối hợp tốt tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, nhất là tại ASEAN, APEC, Liên hợp quốc, cũng như trong triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như CPTPP, RCEP...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tham quan triển lãm ảnh tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore, tại Singapore ngày 17/7/2023.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tham quan triển lãm ảnh tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore, tại Singapore ngày 17/7/2023.

Trong quá trình hoạt động ngoại giao, nhất là trong nhiệm kỳ công tác tại Singapore, chắc hẳn Đại sứ có nhiều câu chuyện thú vị với nhà lãnh đạo nổi tiếng này. Đại sứ có thể chia sẻ những kỷ niệm, câu chuyện ấn tượng nhất với Thủ tướng Lý Hiển Long trong thời gian là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore?

Trong nhiệm kỳ công tác của mình tại Singapore với tư cách là Đại sứ, tôi may mắn có một số lần được gặp Thủ tướng Lý Hiển Long.

Tôi được ông tiếp lần đầu tiên trong dịp đến chào xã giao Thủ tướng sau khi trình Quốc Thư nhận nhiệm vụ tại Singapore. Với tư cách Đại sứ Việt Nam tại Singapore, tôi trình bày về quan hệ hợp tác hai nước và kiến nghị những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác. Cảm giác về ông là rất dễ gần, bình dị, và thực chất.

Ông lắng nghe tất cả các nội dung hợp tác, nhất trí với các kiến nghị, đồng thời ông nêu lên những tồn tại mà phía Singapore quan tâm, tôi vẫn nhớ là ông nêu những việc rất cụ thể, trong đó có việc: đề nghị phía Việt Nam quan tâm giải quyết sớm việc bồi thường cho Công ty TNHH Chutex (Singapore), doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, bị một số kẻ quá khích đốt nhà xưởng, gây thiệt hại về tài sản. Việc này được ông nhắc lại trong cuộc gặp cấp cao tiếp theo. Điều đó thể hiện ông là một nhà lãnh đạo đi sâu, đi sát, thấu hiểu những vấn đề cụ thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân, doanh nghiệp Singapore đến cùng.

Ấn tượng mạnh nhất về ông là khi đại dịch Covid-19 ập đến. Đương đầu với đại dịch, ông đã đưa ra những quyết định khó khăn, như áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông với đầy tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm nồng nàn với người dân Singapore, đọc bài diễn văn bằng cả tiếng Anh, tiếng Mã lai và tiếng Trung, thật là sâu sắc và đi vào lòng người dân, dù thuộc sắc tộc nào.

Trước cuộc khủng hoảng, có thể nói là trầm trọng nhất trong lịch sử Singapore kể từ khi lập quốc, ông Lý Hiển Long đã quyết định lùi lại việc nghỉ hưu của mình để chèo lái Singapore vượt qua giai đoạn đầy thách thức. Ông cùng lãnh đạo Singapore đưa ra các gói hỗ trợ chưa từng có, trị giá 100 tỉ USD (30% GDP) để đối phó với Covid-19, trợ cấp cho dân, giãn thuế cho doanh nghiệp, và vực dậy nền kinh tế,…

Quả là rất đúng khi Thủ tướng Lý Hiển Long được mệnh danh là nhà lãnh đạo có "trái tim nhân ái".

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Đức Khải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguyen-dai-su-viet-nam-tai-singapore-ly-hien-long-nha-lanh-dao-vi-dan-271455.html