Tập trung phát triển 3 loại hình giao thông ưu thế

Tỉnh Bến Tre sẽ phát triển 3 loại hình giao thông có tính ưu thế, gồm: giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển, đồng thời kết nối các loại hình giao thông, logistics khu vực và cả nước.

Thi công xây dựng cầu Rạch Vong được bắt từ Phường 8 vượt sông Bến Tre qua xã Mỹ Thạnh An, Thành phố Bến Tre, với kinh phí đầu tư khoảng 330 tỷ đồng. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Thi công xây dựng cầu Rạch Vong được bắt từ Phường 8 vượt sông Bến Tre qua xã Mỹ Thạnh An, Thành phố Bến Tre, với kinh phí đầu tư khoảng 330 tỷ đồng. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Để đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện các công trình, dự án.

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển 3 loại hình giao thông có tính ưu thế trên địa bàn, gồm: giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển, đồng thời kết nối các loại hình giao thông, logistics của khu vực và cả nước.

Bến Tre cũng tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm như Dự án cầu Rạch Miễu 2; Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh; Đường Bắc Nam phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận và Cụm công nghiệp Phong Nẫm; cầu Ba Lai 8; Dự án xây dựng cầu Đình Khao kết nối tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long...

Đồng thời, tỉnh phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư theo dõi chặt chẽ tiến độ triển khai dự án, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, sớm đưa các công trình, dự án vào sử dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn thành phương án giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng thi công các công trình, dự án trên địa bàn; nghiên cứu cơ chế, mời gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư theo quy định hiện hành các cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng, cảng biển, các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, cảng trung chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động logistics.

Tỉnh Ủy Bến Tre cho biết: Sau 3 năm triển khai Đề án số 05-ĐA/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, Bến Tre đã bố trí vốn cho các công trình, dự án đạt hơn 13.564 tỷ đồng; trong đó, các công trình, dự án đã hoàn thành hơn 3.863 tỷ đồng; công trình, dự án đang thi công hơn 9.700 tỷ đồng.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Dự án nâng cấp quốc lộ (QL) 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày; Dự án nâng cấp ĐT.883 giai đoạn 2 (nay là QL.57B) đoạn từ đường vào cầu Rạch Miễu đến Khu công nghiệp (KCN) Giao Long; Dự án cầu Rạch Miễu 2; Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; Đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú (dự án ĐH.17)...

Về công tác quy hoạch, hiện tại phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17-11-2023.

Ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Bến Tre còn chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến phát triển 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.372 ha và 14 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 918 ha.

Trong số đó, 2 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp đã đầu tư đi vào hoạt động gồm: khu công nghiệp khu công nghiệp Giao Long, khu công nghiệp An Hiệp; cụm công nghiệp Phong Nẫm, cụm công nghiệp Thị trấn-An Đức, cụm công nghiệp Long Phước, cụm công nghiệp Tân Thành Bình.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics còn được tỉnh quan tâm thông qua các công trình, dự án do tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chủ trì như: Xây dựng cầu Mỏ Cày trên kênh Mỏ Cày thuộc Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Công trình do Ban Quản lý các dự án đường thủy đã tổ chức khởi công dự án vào ngày 6/1/2024. Việc nạo vét luồng kênh Chợ Lách, xây dựng kè bảo vệ bờ, xây dựng cầu Chợ Lách 2, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường thủy, cống thoát nước và các đường dân sinh dọc theo tuyến kênh Chợ Lách thuộc Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, đang được Ban Quản lý các dự án đường thủy triển khai các bước thủ tục đầu tư.

Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục mời gọi nhà đầu tư phát triển thêm hạ tầng cảng, bến để phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang được xây dựng và quy hoạch phát triển.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn gặp khó khăn về nguồn vốn; nguồn huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp, vận động trong dân gặp nhiều khó khăn.

Các công trình giao thông được đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics của Bến Tre chưa phát triển mạnh...

Công Trí/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tap-trung-phat-trien-3-loai-hinh-giao-thong-uu-the/333255.html