Để phụ phẩm không là rác

'Phụ phẩm tôm không còn là rác nữa mà trở thành nguyên liệu phục vụ chế biến thành các sản phẩm có giá trị, đáp ứng tiêu chí tuần hoàn trong phát triển xanh, giúp ngành tôm phát triển bền vững'. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm lần thứ 5 năm 2024 (VietShrimp 2024), tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào tháng 3/2024.

Đánh giá về thực trạng ngành tôm, ông Tuấn cho rằng, những bất ổn về nguồn cung và chi phí thức ăn tôm trong thời gian gần đây đang ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam. Nguyên nhân là do chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn nhưng giá năm sau luôn cao hơn năm trước, trong khi Việt Nam hiện vẫn chưa tự chủ được nguồn cung thức ăn. Cùng với thức ăn, dịch bệnh và chiến tranh cũng gây áp lực lên chuỗi cung ứng, đẩy chi phí ngày một tăng cao. Hệ quả của thực trạng trên là giá thành tôm nuôi của Việt Nam luôn cao hơn các nước, làm giảm sức cạnh tranh của ngành tôm và bào mòn lợi nhuận của người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Do đó, theo ông Tuấn, ngành tôm Việt Nam cần có giải pháp bổ trợ tăng hiệu quả sử dụng đạm đáp ứng các tiêu chí: nguồn cung nội địa lớn và bền vững cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng.

Tại các nhà máy chế biến tôm, lượng phụ phẩm (đầu và vỏ tôm) chiếm khoảng 35 - 40%. Ảnh: TÍCH CHU

Cùng với sự phát triển của ngành tôm thì lượng phụ phẩm từ nghề nuôi và chế biến tôm cũng ngày một nhiều hơn và nếu không có giải pháp xử lý phù hợp, nguồn phụ phẩm này không những bị lãng phí mà còn trở thành nguồn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều này, làm cản trở sự phát triển của ngành tôm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và đánh mất khả năng cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Việc tái sử dụng và nâng cao giá trị phụ phẩm không còn là khái niệm mới trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày một cạn kiệt. Nhiều quốc gia phát triển đã tận thu tốt nguồn phụ phẩm để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường và tác động biến đổi khí hậu, tạo nên kinh tế tuần hoàn và bền vững.

Một trong số những nguồn cung lớn đó chính là nguồn phụ phẩm từ nuôi và chế biến tôm. Theo ông Tuấn, tại các nhà máy chế biến tôm, lượng phụ phẩm (đầu và vỏ tôm) chiếm khoảng 35 - 40%, còn tại các farm nuôi thì lượng vỏ tôm lột chiếm khoảng 5 - 7% tổng sản lượng tôm thu được sau 1 vụ nuôi. Do đó, nếu thu được toàn bộ lượng vỏ lột này sẽ là rất lớn và do lượng vỏ lột này chủ yếu thu qua hệ thống xi phông, nên thường khi tôm nuôi được khoảng 50 ngày tuổi trở đi mới có số lượng nhiều. Hiện VNF đang kết hợp với các hợp tác xã ở tỉnh Cà Mau làm thí điểm đánh giá chất lượng và tiến tới triển khai thu mua.

Phụ phẩm từ nghề nuôi và chế biến tôm là rất lớn, nếu được thu hồi và chế biến triệt để thành sản phẩm hữu ích sẽ giúp gia tăng giá trị và hạn chế vấn nạn ô nhiễm môi trường. Ảnh: TÍCH CHU

VNF là công ty tiên phong tại Việt Nam phát triển các giải pháp sinh học nhằm thu hồi dinh dưỡng trong phụ phẩm tôm bằng một chiến lược toàn diện và có hệ thống. Sau hơn 9 năm hoạt động, VNF là một trong số rất ít công ty chế biến phụ phẩm đã thành công tạo nên một danh mục sản phẩm độc đáo, đa dạng với tính thương mại hóa cao và đạt được các chứng nhận quốc tế, như: Peptide, Chitosan và Astaxanthin. Giải pháp sản phẩm của VNF đang được các nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại nuôi trồng lớn thử nghiệm và chính thức đưa vào công thức thương mại. Vì vậy, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), VNF cùng các đối tác thực hiện Dự án thu hồi vỏ tôm lột từ các trại tôm… đồng thời mang đến nhiều giá trị kinh tế và phát triển bền vững cho chuỗi ngành tôm.

Đơn cử như Peptide là sản phẩm của quá trình thủy phân protein bằng enzym đặc chủng thành các amino acid và các peptide mạch ngắn, cung cấp nguồn đạm dễ hấp thu có khả năng giúp cải thiện tăng trưởng, hỗ trợ đường ruột và tăng cường sức khỏe nhờ khả năng tiêu hóa cao đem đến giải pháp nguyên liệu tiềm năng giúp tăng hiệu suất sử dụng đạm trong nuôi trồng thủy sản. Thứ hai là Chitosan. Đây là một polymer sinh học có nhiều đặc tính hữu dụng, là giải pháp tiềm năng để giảm kháng sinh thông qua khả năng hỗ trợ tăng trưởng tự nhiên và phòng ngừa nhiều loại bệnh. Nhờ vào khả năng kháng khuẩn, Chitosan hỗ trợ điều trị hoặc phòng ngừa các bệnh thường gặp trên thủy sản, nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh. Thứ ba là Astaxanthin vốn được mệnh danh là “vua của các chất chống oxy hóa”. Astaxanthin tự nhiên có nhiều tiềm năng ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản nhờ có nhiều chức năng đặc trưng như: chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ sinh sản và tăng cường sắc tố.

Đánh giá cao giải pháp của VNF, Tiến sĩ Nguyễn Duy Hòa - Giám đốc Kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & MOTIV, Tập đoàn Cargill, đề xuất VNF nên được hưởng một phần từ giá tín chỉ carbon để từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lớn hơn cho nghiên cứu này. Tiến sĩ Hòa nhận định: “Tôi thấy hướng nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm hữu ích từ phụ phẩm ngành tôm của VNF là rất phù hợp với xu thế phát triển xanh hiện nay, nên cần có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường của ngành tôm”. Còn ông Trần Công Khôi - Phó cục trưởng Cục Thủy sản thì cho rằng, đây cũng là cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn một cách thiết thực và hiệu quả nhất cho ngành tôm.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/de-phu-pham-khong-la-rac-72707.html