Đẩy mạnh sàng lọc trước sinh, nâng cao chất lượng dân số

Cán bộ y tế huyện Sông Hinh siêu âm, sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai. Ảnh: NGỌC LY

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích của việc sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) là một trong những giải pháp mà Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

SLTS/SLSS là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh; để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bà bầu phải được khám định kỳ

SLTS là sử dụng các biện pháp thăm dò trong thời gian mang thai để chẩn đoán, xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi, như: Hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, loạn dưỡng cơ, thiếu máu nặng, tim bẩm sinh. Người mang thai cần thực hiện khám định kỳ để phát hiện dị tật trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc SLTS khi bà mẹ khám định kỳ, siêu âm, xét nghiệm trong thời kỳ mang thai sẽ giúp biết chính xác từ 80-90% thai nhi khỏe mạnh hay có vấn đề bất thường.

Chị Trần Thị Mai Hương ở thôn Chư Blôi, xã Ea Bar từ khi biết mình mang thai đã thường xuyên đi kiểm tra tại trạm y tế xã và khám SLTS tại bệnh viện huyện. Chị Hương tâm sự: “Trước đây, phụ nữ trong thôn mang thai thường sinh nở ở nhà, không đến cơ sở y tế để được chăm sóc, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Còn nay, phụ nữ có thai được cả gia đình quan tâm, chăm sóc, được đến cơ sở y tế khám SLTS, kiểm tra thai nhi định kỳ. Tôi đang mang thai 5 tháng và đã 2 lần được tư vấn SLTS, xét nghiệm máu để chẩn đoán các dấu hiệu bất thường của thai nhi. Bác sĩ nói mẹ và bé đều khỏe, tôi chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý”. Theo chị Hương, SLTS giúp bà mẹ mang thai biết được em bé có phát triển hoặc bị ảnh hưởng gì hay không. Đồng thời sàng lọc các bệnh lý của em bé và các vấn đề của việc mang thai.

Là cộng tác viên dân số của thôn Chư Blôi, chị Nguyễn Thị Hy luôn dành thời gian đến các hộ tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm túc công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc, nuôi dạy con khỏe mạnh. Chị tận tình hướng dẫn, tư vấn tỉ mỉ từng biểu hiện, triệu chứng của các loại bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cũng như những thành công của nền y học hiện đại đối với sức khỏe con người cho từng bà bầu. Chị Hy nói: “Người dân trong thôn tôi bây giờ nhiều cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con, dành thời gian phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình. Ngoài hướng dẫn các gia đình đưa phụ nữ có thai đến khám sức khỏe tại trạm y tế xã, chúng tôi còn giới thiệu cho họ về khung thời gian khám SLTS tại huyện để được bác sĩ tư vấn, siêu âm chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu, qua đó nắm bắt các dấu hiệu bất thường của thai nhi để có hướng can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết thống, mang thai khi đang ở tuổi vị thành niên”. Theo chị Hy, việc siêu âm, khám sàng lọc tại trạm y tế mang lại rất nhiều lợi ích. Đó là, chị em phát hiện sớm các bệnh lý về thai kỳ, phát hiện sớm các dị tật của thai nhi để có phương pháp điều trị sớm.

Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản

Ông Lê Văn Bi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh, cho biết: Hiện nay, việc SLTS/SLSS được xem là giải pháp quan trọng trong quá trình phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Để nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về vấn đề này, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường công tác truyền thông như: Cử đội ngũ viên chức dân số, cộng tác viên dân số trực tiếp đến từng thôn, buôn, nhóm hộ để tuyên truyền lợi ích của SLTS/SLSS và những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Việc tuyên truyền được cụ thể bằng những ví dụ minh chứng, ngôn từ dễ hiểu. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe, công tác SLTS/SLSS, góp phần giảm tối đa hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Cũng theo ông Lê Văn Bi, trước đây, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc mang thai chỉ được thăm khám bằng các biện pháp đơn giản. Hiện nay, sự phát triển của y học giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán dấu hiệu dị tật trên thai nhi, trẻ sơ sinh. Anh Ksor Y Trinh, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Bar, cho biết: “Việc sàng lọc này rất có lợi, có thể phát hiện ra các bệnh lý bất thường của thai nhi để từ đó có biện pháp xử lý thích hợp. Lúc trước, cán bộ dân số tuyên truyền, vận động về công tác SLTS/SLSS, nhiều chị em phụ nữ mang thai còn dè dặt, e ngại. Nay nhiều chị em, gia đình chủ động đưa phụ nữ có thai đi khám SLTS/SLSS cho trẻ, góp phần chủ động bảo vệ sức khỏe cho trẻ em”.

Để bảo vệ giống nòi, đảm bảo thế hệ trẻ sinh ra khỏe mạnh, có thể can thiệp sớm các loại bệnh đối với trẻ sơ sinh, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, mỗi chị em phụ nữ cần nâng cao hơn nữa nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và thực hiện nghiêm túc việc khám thai định kỳ, kiểm tra SLTS/SLSS. Từ đó mới có thể phát hiện sớm bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh Lê Văn Bi

NGỌC LY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/237158/day-manh-sang-loc-truoc-sinh-nang-cao-chat-luong-dan-so.html