Đào tạo nghề, giải quyết việc làm tạo nền tảng vững chắc cho người nghèo

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo các cấp, nhiều dự án, chính sách thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 đã từng bước đi vào cuộc sống. Việc cụ thể hóa các Nghị quyết, đề án, kế hoạch về giảm nghèo đang từng bước nâng cao đời sống người dân, cải thiện bộ mặt xã hội, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu: xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Giúp lao động nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện kỹ năng lao động, nâng cao tay nghề để họ có việc làm và thu nhập ổn định là điều căn cơ.

Cải thiện kỹ năng lao động cho người dân

Trước khi quay sang nói chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Bèo (30 tuổi, người Cơ Tu, ở thôn 5, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) không quên tắt hoàn toàn chiếc máy may công nghiệp, cất dọn mẫu vải học may vào một chỗ ngăn nắp, cẩn thận. Chị Bèo cho biết, từ ngày tham gia lớp học nghề may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Nam Đông phối hợp với UBND xã Hương Hữu tổ chức, chị và các học viên được giáo viên đứng lớp yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các thao tác tắt, mở máy an toàn. Đây tưởng chừng là thảo tác nhỏ nhưng lại rất quan trọng để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc tại những môi trường có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mà trước đây, đối với 1 lao động tự do như chị chưa từng trải qua.

Tại một lớp học nghề may thời trang khác ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện A Lưới, chúng tôi gặp chị Ka Piu Thị Vui (26 tuổi, trú thôn A Min, xã A Roàng, huyện A Lưới). Trước khi tham gia lớp học này, chị Vui cũng như 20 học viên khác cùng khóa đều là những đối tượng lao động tự do, chủ yếu làm nông và dệt zèng ở xã nghèo A Roàng. Tuy đã được mẹ truyền dạy nghề dệt zèng từ nhỏ nhưng đến nay chị Vui cũng chỉ mới biết dệt ra những tấm vải thổ cẩm thô hoặc may bộ áo, quần truyền thống của quê mình. Tháng 6/2023, khi lớp đào tạo sơ cấp nghề kỹ thuật cắt may trang phục truyền thống được mở, chị Vui đã lựa chọn tham gia. Mục tiêu của khóa đào tạo là giúp học viên có kỹ năng thiết kế và phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ dệt zèng, qua đó có công ăn việc làm cũng như thu nhập ổn định, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 11.735 hộ nghèo, trong đó có 5.540 hộ nghèo (22.360 khẩu) là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 47,21%. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo, được chỉ ra, như: không có đất, vốn sản xuất, kinh doanh; không có lao động; không có công cụ/phương tiện sản xuất; không có kiến thức về sản xuất; không có kỹ năng lao động sản xuất,…Qua tìm hiểu thực tế, A Lưới và Nam Đông là 2 huyện miền núi, có tỷ lệ hộ nghèo cao và là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế, như: Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa hy,…

Đa số lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, lao động người dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn hạn chế về kiến thức sản xuất, kỹ năng lao động. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ hay làm nghề tự do nên nguồn thu thấp và không ổn định, dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề cho những đối tượng lao động này là rất quan trọng. Thông qua các khóa đào tạo nghề, giúp người dân tự tin đầu tư phát triển sinh kế, tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm phù hợp, nâng cao nguồn thu nhập.

Người dân tự tin mổ rộng mô hình sinh kế sau khi được đào tạo nghề.

Điển hình như trường hợp của chị Ngọc Thị Đào (35 tuổi, người Cơ Tu), chủ một trại heo thương phẩm ở thôn 5, xã Thượng Long, huyện Nam Đông. Chị Đào cho biết, trước đây gia đình có nuôi heo nhốt chuồng nhưng làm nhỏ lẻ vì chưa có kỹ thuật chăn nuôi. Sau khi tham gia, hoàn thành khóa học “Sơ cấp nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh heo, gà” do Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nam Đông tổ chức, chị Đào đã có thêm nhiều kiến thức về chăn nuôi, mạnh dạn vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để làm cơ sở, mở rộng quy mô trang trại. Hiện nay, gia đình chị có 1 trang trại nuôi heo khép kín, với 4 heo mẹ, đàn heo giống và heo thương phẩm.

Vừa qua, trang trại của gia đình chị Đào đã cho xuất chuồng 2 lứa heo thịt, mang về tổng nguồn thu hơn 110 triệu đồng. “Khóa đào tạo đã giúp tôi nâng cao kỹ năng chăn nuôi, kỹ thuật phòng trị bệnh cho đàn heo và tự tin hơn trong việc mở rộng mô hình. Tôi mong sẽ có nhiều người được hỗ trợ học nghề hơn nữa để mở trang trại, mở rộng mô hình chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế của gia đình”, chị Đào chia sẻ.

Ông Lê Tố Hữu - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nam Đông cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn theo các Chương trình 1719 và 90, với 2 ngành nghề chủ yếu là may công nghiệp, chăn nuôi. Phần lớn học viên sau khóa đào tạo đều tìm được việc làm ở trong tỉnh, ngoài tỉnh, tự tạo việc làm tại địa phương hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, qua đó nâng cao thu nhập.

Vấn đề căn cơ, xuyên suốt

Theo Đề án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra rất nhiều mục tiêu quan trọng phải đạt được, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và giúp hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trên thực tế triển khai, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thấy, cần phải đẩy mạnh giải quyết các chiều thiếu hụt quan trọng về việc làm, thu nhập và xóa nhà tạm cho người dân. Đây chính là những cơ sở quan trọng, xuyên suốt để người dân tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để giải quyết căn cơ chiều thiếu hụt việc làm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” với 3 tiểu dự án, gồm: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ việc làm bền vững. Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 hơn 257 tỷ đồng. Đối tượng hướng đến là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người có thu nhập thấp, người dân sinh sống ở huyện nghèo và xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Thời gian vừa qua, Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, tỉnh đề ra nhiều chính sách ưu đãi, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tuyên truyền, vận động, tuyển dụng, đào tạo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thừa Thiên Huế xác định đây là kênh giúp người dân thoát nghèo nhanh, bền vững cũng như giúp người lao động nâng cao các kỹ năng tay nghề, khi trở về nước có thể tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm ổn định.

Người lao động thuộc huyện nghèo A Lưới đăng ký thông tin vị trí việc làm.

Mới đây nhất, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty CP Hợp tác Đầu tư Giáo dục Quốc tế Tín Phát về việc phối hợp tuyển chọn, đào tạo, đưa người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Thừa Thiên Huế sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Theo đó, Công ty Tín Phát cam kết hằng năm tuyển chọn từ 20 - 30 lao động là trẻ mồ côi, có bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo, gia đình thuộc hộ nghèo sang Nhật Bản làm việc với “chi phí 0 đồng”. Trước đó, Công ty Suleco cũng đã ký kết và hiện đang triển khai dự án đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu của dự án là đến năm 2025, có từ 4.800 đến 5.000 lao động Thừa Thiên Huế ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Riêng tại huyện nghèo A Lưới, dự án phấn đấu đến năm 2025 đưa 2.618 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/dao-tao-nghe-giai-quyet-viec-lam-tao-nen-tang-vung-chac-cho-nguoi-ngheo-20230929172048.htm