'Dân vận khéo' phải thực sự hiệu quả và mang lại lợi ích cho người dân

Đó là mục tiêu đặt ra đối với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở khi triển khai thực hiện mô hình 'Dân vận khéo' tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

 Khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo trên địa bàn TX. Hương Thủy

Khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo trên địa bàn TX. Hương Thủy

Lan tỏa, rộng khắp

Mô hình “Dân vận khéo” đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội ở tất cả các lĩnh vực. Tùy theo tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng để cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị ở cơ sở xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” cho phù hợp.

Như ở huyện A Lưới và Nam Đông hiện có không ít mô hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. “A Lưới đã và đang nỗ lực để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất, với mục tiêu cao nhất là, sớm thoát ra khỏi 74 huyện nghèo của cả nước. Các mô hình “Dân vận khéo” liên quan phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị ở A Lưới đặt lên hàng đầu”, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy A Lưới - Hồ Quyết Thắng trò chuyện.

Mô hình “Dân vận khéo” xây dựng trang trại kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông Blúp Xing, thôn A Ka, xã A Roàng; nuôi bò thịt của ông Hồ Văn Nghiêm, xã Hồng Thái; trồng quế của các hộ dân ở thôn Ka Đông, xã Thượng Long; nuôi lợn hữu cơ của ông Trần Văn Đức, xã Thượng Quảng… là những mô hình “Dân vận khéo” điển hình của huyện A Lưới và Nam Đông.

“Hiệu quả cho thấy của từng mô hình “Dân vận khéo” chính là sự đồng thuận của người dân khi họ thấy được tính hiệu quả, mang lại lợi ích cho mình. Điều quan trọng là, giải quyết bằng được vấn đề khó khăn trong cuộc sống của người dân”, ông Trần Văn Đức, trú tại xã Thượng Quảng (Nam Đông) chia sẻ.

Thời gian gần đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Huyện ủy Nam Đông, A Lưới thành lập các đoàn công tác để tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” sát hơn với thực tế mà người dân cần. Đội ngũ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên bám cơ sở, sát người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trong tổ chức, triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”.

“Làm sao để mô hình “Dân vận khéo” thực sự trở thành phong trào thi đua lan tỏa, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Có như vậy, mô hình “Dân vận khéo” mới mang lại hiệu quả thiết thực trên cơ sở đồng thuận của người dân”, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương cho biết.

Chủ động hơn nữa trong thực hiện mô hình

Hiện toàn tỉnh có 2.226 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó, có 190 mô hình trên lĩnh vực kinh tế; 1.807 mô hình văn hóa - xã hội; 192 mô hình quốc phòng - an ninh; 37 mô hình xây dựng hệ thống chính trị.

Mô hình “Dân vận khéo” thực sự trở thành cuộc vận động, phong trào lớn tại Nam Đông, A Lưới và các địa phương trong tỉnh; ngày càng phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng thiết thực, sát với tình hình cơ sở, phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Các mô hình “Dân vận khéo” đã tác động tốt đến đời sống và phát huy được sức mạnh tổng hợp quần chúng nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia thực hiện.

Tuy nhiên, việc phối hợp để triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, kết quả chưa cao. Có những mô hình “Dân vận khéo” chưa mạng lại hiệu quả, chưa sát hợp với thực tế mà người dân cần. Vì vậy, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh cần tích cực chủ động hơn nữa trong phối hợp rà soát, nghiên cứu xây dựng mới các mô hình sinh kế, mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, chỉ đạo xây dựng có lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, các mô hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2024 sát thực tế. Các địa phương tăng cường hơn nữa công tác nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của khối dân vận cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động bà con nhận thức đúng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững; tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước của người dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ từng nhấn mạnh, công tác dân vận đã bước sang giai đoạn mới, cần phải tiếp tục giữ vững kết quả, đổi mới phương thức để đạt kết quả cao hơn, khi toàn tỉnh đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Công tác dân vận phải khơi dậy sức dân, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các phong trào trong tỉnh; nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới chính bằng các mô hình “Dân vận khéo”.

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/dan-van-kheo-phai-thuc-su-hieu-qua-va-mang-lai-loi-ich-cho-nguoi-dan-140831.html